Giải đáp tất tần tật các thắc mắc liên quan đến ốm nghén cho bà bầu

Ốm nghén luôn là chủ đề mà hầu hết các chị em luôn mong muốn truyền nhau những thông tin, những bí quyết nhằm giúp đỡ để tất cả cùng vượt qua. Và dường như những lo lắng, thắc mắc xoay quanh tình trạng này vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và đồng cảm. Hiểu được tâm lý chung đó, ngay sau đây HoiBenh sẽ tổng hợp một bài viết liên quan đến điều này. Xuất phát từ những biểu hiện thực tế của các đọc giả đã gửi về cho Chuyên mục Hỏi bác sĩ của HoiBenh.vn.

Giải đáp tất tần tật các thắc mắc liên quan đến ốm nghén cho bà bầu Giải đáp tất tần tật các thắc mắc liên quan đến ốm nghén cho bà bầu

Không ốm nghén có mang thai hay không?

Một bạn đọc giả xin được giấu tên có thắc mắc: Bác sĩ cho cháu hỏi. Cháu năm nay 23 tuổi ạ. Cháu và người yêu cháu có quan hệ sau khi cháu hết kinh và cả gần đến ngày cháu có kinh. Tháng này cháu bị chậm kinh 10 ngày rồi. Nhưng cháu lại không thấy biểu hiện của mang thai ngoài chậm kinh và người mệt mỏi. Liệu cháu có thể mang thai không ạ? Cháu đang mong có con lắm. Trước đấy cháu và bạn trai đã quan hệ không an toàn trong vòng hai tháng đều đặn mà không có gì. Bác sĩ trả lời nhanh giúp cháu với cháu đang mong lắm ạ. Nhắc thêm cháu chỉ bị chậm kinh và không thấy dấu hiệu buồn nôn hay ốm nghén.

Chia sẻ về trường hợp này, Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú - Bác sĩ khoa Giám định – Viện Pháp y Quốc gia cho biết: Quan hệ tình dục trong bất cứ ngày nào của chu kỳ kinh nguyệt mà không sử dụng biện pháp tránh thai đều có khả năng có thai. Dấu hiệu sớm nhất của việc có thai là chậm kinh. Ngoài ra có thể có các dấu hiệu khác kèm theo như: mệt mỏi, ngủ nhiều, chóng mặt, buồn nôn, nôn, chán ăn... Có rất nhiều người có thai nhưng trong giai đoạn đầu ngoài chậm kinh thì không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của thai nghén.

Trong tình huống của cháu, do cháu không nói chu kỳ kinh của cháu có đều không, dài hay ngắn nên tôi không thể nói rõ hơn cho cháu? Tuy nhiên nếu chậm kinh 10 ngày, muốn biết có mang thai hay không cháu có thể ra hiệu thuốc mua que thử thai để kiểm tra, nên thử trong nước tiểu sau khi ngủ dậy vào buổi sáng vì hàm lương βHCG (hormon tăng cao khi có thai) trong nước tiểu lúc này có nồng độ cao nhất. Khi thử thai cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, ngoài ra thử thai bằng phương pháp này cũng có thể xuất hiện một số tình huống dương tính giả (không thấy thai nhưng que thử vẫn hiện lên hai vạch) hoặc âm tính giả (có thai mà que thử vẫn chỉ hiện một vạch). Vì thế, cháu nên thử một vài lần trong vài ngày để kiểm tra. Nếu muốn biết chính xác hơn và sớm hơn, cháu có thể tới cơ sở y tế làm xét nghiệm máu, ở đây các bác sĩ sẽ làm định lượng nồng độ βHCG trong máu để xác định có thai sớm.

>>> Xem thêm: Tại sao tôi không bị ốm nghén?
vicare.vn-giai-dap-tat-tan-tat-cac-thac-mac-lien-quan-den-om-nghen-cho-ba-bau

Có những trường hợp không có hiện tượng nghén nhưng vẫn có thể mang thai

Làm sao để giảm ốm nghén?

Có lẽ đây là câu hỏi mà rất nhiều chị em đều mong muốn có được một lời khuyên hiệu quả, vì vậy để chia sẻ về việc này Bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Bác sĩ tại Bộ y tế cho biết: Ốm nghén là biểu hiện phổ biến ở bà bầu đặc biệt những bà bầu mang thai 3 tháng đầu. Ốm nghén có thể bắt đầu sớm nhất là ở tuần thai thứ sáu và có xu hướng đạt đỉnh điểm quanh tuần thứ 8-9. Hiện nay, chưa có biện pháp xử lý chung cho ốm nghén, dưới đây là một vài lời khuyên giúp phần nào giảm bớt được sự khó chịu:

  • Nên uống thật nhiều nước. Lượng nước cần bổ sung mỗi ngày cho cơ thể là từ 1,5-2 lít nước. Hãy cố gắng uống nước giữa các bữa ăn, chứ không nên uống trong khi ăn. Đôi khi đồ uống hơi âm ấm sẽ dễ làm buồn nôn. Vì vậy hãy uống nước mát.
  • Tránh dùng thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ và gia vị. Tốt hơn là ăn nhiều bữa nhỏ và ăn nhẹ trong ngày. Đừng để bụng đói quá lâu trong ngày. Bụng đói sẽ càng khiến dễ bị nghén hơn.
  • Nghỉ ngơi nhiều và tránh căng thẳng vì các biểu hiện ốm nghén có xu hướng nghiêm trọng hơn khi mệt mỏi, lo lắng.
  • Mỗi ngày nên uống đều đặn 2 cốc nước cam, để tăng cường hàm lượng vitamin C cho cơ thể, giảm ốm nghén.
  • Mùi hương của một lát chanh tươi hoặc bưởi có tác dụng giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện ốm nghén.
  • Hãy thử thêm một lát mỏng gừng vào nước nóng hoặc trà, hoặc nhấm nháp lát gừng tươi. Ăn kẹo gừng hay mứt gừng... có thể giúp không còn cảm giác buồn nôn.
  • Không nên tự ý uống thuốc, nếu biểu hiện ốm nghén quá trầm trọng, em nên đi khám bác sĩ để xác định xem có cần uống thuốc không. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích của việc giảm ốm nghén và tìm kiếm giải pháp tốt nhất.
  • Vitamin B6 và B12 có tác dụng giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Vitamin C và vitamin K cũng có hiệu quả trong việc chống lại các biểu hiện khó chịu này.

vicare.vn-giai-dap-tat-tan-tat-cac-thac-mac-lien-quan-den-om-nghen-cho-ba-bau

Uống nước nhiều cũng giúp bà bầu ức chế lại tình trạng ốm nghén

Nôn ra máu khi ốm nghén

Bạn có tên hoangan gửi đến HoiBenh.vn với nội dung: Tôi năm nay 27 tuổi, là nữ. Năm 2012 sau khi uống bia tôi bị nôn, sau khi nôn hết thì phần chất nhầy hay đờm sau cùng có lẫn máu. Từ đó cho đến nay, tôi hạn chế và ngưng uống bia rượu. Tuy nhiên, khi bị nôn bởi trúng gió, hay đau bụng, say tàu xe và gần đây nhất là nôn do ốm nghén vẫn thấy máu xuất hiện trong đờm, chất nhầy sau khi nôn xong. Cuối năm 2013 tôi bị chứng trào ngược thực quản đến nay đã giảm (không có biểu hiện đau rát và tức ngực chỉ còn ợ hơi, ợ chua). Xin hỏi bác sĩ tôi nên đi khám gì?

Trao đổi về tình trạng này, Bác sĩ Vũ Thị Lừu - Bác sĩ tại Bệnh viện E giải đáp: Nguyên nhân gây nôn máu rất đa dạng, có thể gặp do: Loét dạ dày, loét hành tá tràng, ung thư dạ dày, viêm dạ dày cấp chảy máu sau dùng thuốc như Cocticoid, Aspirine, thuốc chống viêm không Steroide..., hoặc do Polyp dạ dày, tá tràng, viêm trợt chảy máu do rượu mạnh, do vi khuẩn H.P, do phình mạch máu, dị dạng mạch máu. Do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản trong một số bệnh như xơ gan, viêm tắc tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách, tĩnh mạch trên gan. Nôn máu còn gặp trong một số bệnh về máu (xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tuỷ xương), bệnh toàn thân gây tăng ure máu, ngộ độc. Việc điều trị cần theo lí do. Chỉ dựa trên triệu chứng nôn ra máu của bạn thì chưa thể khẳng dịnh bạn bị bệnh gì. Bạn nên đi khám để được chẩn đoán xác định bệnh. Trước mắt, bạn nên đến khoa tiêu hóa ở các bệnh viện để sàng lọc các bệnh đường tiêu hóa rồi sau đó mới sàng lọc các bệnh khác theo lí do như kể trên.

vicare.vn-giai-dap-tat-tan-tat-cac-thac-mac-lien-quan-den-om-nghen-cho-ba-bau

Nôn ra máu khi ốm nghén có thể do bạn đang mắc phải các vấn đề về bệnh dạ dày

Đau ngực, ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Đây cũng chính là nội dung câu hỏi của một đọc giả giấu tên, và ngay sau đây hãy cùng theo dõi giải đáp của Bác sĩ Đinh Văn Tài - Bác sĩ tại Bộ Y tế:

Ốm nghén thường xuất hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ và là biểu hiện phổ biến ở hầu hết các phụ nữ mang thai. Biểu hiện thường gặp nhất là buồn nôn, nôn, mệt mỏi, khó chịu,... Ốm nghén thường biến mất sau 3 tháng đầu của thai kỳ, nhưng ở một số phụ nữ, tình trạng nghén tiếp tục kéo dài cho đến tuần thứ 20 của thai kỳ.

Trường hợp của bạn, đã mang thai nhưng không rõ mang thai tháng thứ mấy. Dù vậy, kể cả ở những tháng sau thì vẫn có thể xuất hiện ốm nghén nhưng điều quan trọng là nếu chỉ mệt mỏi và đau ngực chút ít thì không đáng lo ngại. Các biểu hiện này có thể sẽ hết sau khi điều chỉnh chế độ sinh hoạt như làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh suy nghĩ căng thẳng và đảm bảo ngủ đủ, đảm bảo chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu có biểu hiện cơ thể mệt mỏi, nôn, buồn nôn, ăn uống kém, đau ngực nhiều,... cơ thể suy nhược là đáng quan tâm vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người mẹ và thai nhi. Trong trường hợp này bạn nên sớm tới khám tại cơ sở y tế chuyên về Sản phụ khoa.

Bên cạnh đó, điều cũng đáng quan tâm với bạn là có đi khám kiểm tra theo dõi thai định kỳ hay không vì theo khuyến cáo thì ngay cả trong trường hợp bình thường, bà mẹ phải được khám kiểm tra tối thiểu 3 lần trong quá trình mang thai, đặc biệt việc khám thai không đơn thuần chỉ có siêu âm mà phải khám tổng thể sức khỏe của mẹ và thai nhi, trong đó có thể gồm đo mạch, nhiệt độ, huyết áp mẹ, tim thai, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu,... để kịp thời phát hiện ra những bất thường của mẹ và thai nhi.

Ở trên là một số thắc mắc phổ biến trong vấn đề ốm nghén khi mang thai, ngoài ra còn có rất nhiều những câu hỏi xoay quanh tình trạng này. Vì vậy để có thể nắm bắt và hiểu rõ thêm những triệu chứng cũng như biểu hiện của cơ thể khi bị nghén, bạn có thể trực tiếp gửi câu hỏi về cho Chuyên mục Hỏi bác sĩ của HoiBenh.vn để nhận được sự tư vấn và giải đáp tận tình từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm hàng đầu hiện nay.

>>> Xem thêm: Ốm nghén nặng khiến mẹ bầu giảm cân phải làm sao?