Triệu chứng và nguyên nhân tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch (có thể là máu, dịch hoặc khí) trong khoang trống giữa phổi và thành ngực vượt quá mức cho phép. Bệnh có thể điều trị được khỏi tuy nhiên phương thức điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hãy tìm hiểu triệu chứng và nguyên nhân tràn dịch màng phổi qua bài viết dưới đây của chúng tôi.
Triệu chứng và nguyên nhân tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch (có thể là máu, dịch hoặc khí) trong khoang trống giữa phổi và thành ngực vượt quá mức cho phép. Bệnh có thể điều trị được khỏi tuy nhiên phương thức điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hãy tìm hiểu triệu chứng và nguyên nhân tràn dịch màng phổi qua bài viết dưới đây của chúng tôi.
1. Bệnh tràn dịch màng phổi là gì?
Tràn dịch màng phổi là bệnh thường gặp trong các bệnh lý của bộ máy hô hấp, chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi thường không khó, nhưng chẩn đoán nguyên nhân mới là điều quan trọng vì quyết định hướng điều trị.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và diễn biến bệnh mà dịch màng phổi có nhiều tính chất khác nhau về màu sắc (trong, vàng chanh, đục, mủ, đỏ máu, trắng đục..). Về sinh hóa (dịch thấm, dịch tiết, máu...), về tế bào (bạch cầu đa nhân, Lymphocyte, hồng cầu, tế bào nội mô), về vi trùng và các tính chất khá
2. Phân loại tràn dịch màng phổi
Phân loại theo tính chất của dịch màng phổi:
- Dịch thấm: Trong vắt không màu, phản ứng Rivalta (-) tính, Protein < 30 g/lít. Thường gặp trong suy tim, xơ gan, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư...
- Dịch tiết: Bao gồm dịch màu vàng chanh, máu, huyết thanh máu, mủ, màu sôcôla... phản ứng Rivalta (+) tính, Protein ≥ 30 g/lít. Gặp trong tràn dịch màng phổi do lao, do vi khuẩn, virus, ung thư, amíp, sán lá phổi, bệnh hệ thống...
3. Nguyên nhân bệnh tràn dịch màng phổi
Bệnh nguyên
Tại phổi - màng phổi
Nhiễm trùng: Thường thứ phát sau các thương tổn phổi (viêm phổi, viêm màng phổi, áp-xe phổi vỡ vào xoang màng phổi, ung thư phổi hoại tử hoặc bội nhiễm...) hoặc từ các cơ quan lân cận (gan, màng tim, trung thất).
Virus: Nguyên phát hay thứ phát.
Ung thư: Phế quản, phổi, màng phổi tiên phát hay do di căn; bệnh BBS (Besnier - Boeck - Schaumann).
Ký sinh trùng: Thường gặp do amíp (do áp-xe gan, áp-xe dưới cơ hoành vỡ vào xoang màng phổi), sán lá.
Thương tổn ống ngực vỡ vào màng phổi gây tràn dịch màng phổi dưỡng trấp.
Dị ứng, Hodgkin giai đoạn nặng, bệnh tạo keo.
Chấn thương ngực, phẫu thuật lồng ngực, tai biến chọc dò màng phổi...
Không rõ nguyên nhân.
Ngoài phổi - màng phổi
Thường gặp là dịch thấm do các bệnh lý ở tim (suy tim), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư, suy thận), suy dinh dưỡng, u nang buồng trứng (hội chứng Demons Meigs), bệnh tự miễn, bệnh tạo keo, viêm tụy cấp. Ở đây chỉ nhấn mạnh đến nguyên nhân do vi khuẩn sinh mủ, thường gặp là phế cầu, liên cầu, tụ cầu vàng, E. coli, Klebsilla pneumoniae, Actinomyces, trực khuẩn mủ xanh. Nếu có mùi thối là do phối hợp với các loại vi khuẩn yếm khí.
Các thương tổn có thể nguyên phát tại màng phổi nhưng thường là thứ phát sau các thương tổn phổi, màng tim, hoặc từ các cơ quan khác như gan, trung thất, áp-xe dưới cơ hoành... hoặc từ đường máu đến (nhiễm trùng huyết) hoặc trên một cơ địa thương tổn phổi có sẵn (lao, ung thư...) rồi bội nhiễm hoặc tràn dịch sau tràn khí màng phổi.
Cơ chế bệnh sinh
Bình thường, giữa hai lá màng phổi có một lớp dịch rất mỏng để 2 lá màng phổi trượt lên nhau. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi có tăng tính thấm mao mạch, giảm áp lực keo trong máu, thay đổi áp lực thủy tĩnh, giảm tuần hoàn bạch mạch, xuất huyết... trong đó vai trò của viêm là quan trọng nhất, gây dày màng phổi và chèn ép nhu mô phổi, nhưng lượng dịch này có thể được thấm trở lại vào gian bào, máu, sau khi được điều trị giảm viêm.
Người ta chia ra dịch thấm và dịch tiết dựa vào lượng protein, men, tế bào, bạch cầu... trong dịch màng phổi. Sự phân chia này có giá trị trong chẩn đoán nguyên nhân và hướng điều trị.
4. Triệu chứng tràn dịch màng phổi
Đau ngực là triệu chứng khởi đầu và điển hình của tràn dịch màng phổi. Đau âm ỉ phía bên tràn dịch, nhất là khi nằm nghiêng về phía bên đó thì sẽ đau tăng lên.
Ngoài đau ngực, tràn dịch màng phổi còn gây khó thở. Đồng thời có thể có sốt, sốt thường biểu hiện của triệu chứng nhiễm trùng do vi sinh vật gây ra và là phản ứng của cơ thể.
Ho khan cũng có thể xuất hiện khi tràn dịch màng phổi nhưng số lần nhiều hay ít cũng như sốt cao hay sốt vừa còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh (viêm phổi do vi sinh vật, lao phổi thì ho nhiều hơn các bệnh như: áp-xe gan, áp-xe cơ hoành...).
Để chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi, ngoài khám lâm sàng người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm màng phổi.
Nếu có điều kiện chọc dò màng phổi để quan sát màu sắc, tính chất của dịch, xét nghiệm dịch màng phổi bằng các phương pháp khác nhau để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Hậu quả của tràn dịch màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến hô hấp gây thiếu dưỡng khí và có thể để lại di chứng nặng nề.
Chính vì thế khi thấy những triệu chứng tràn dịch màng phổi, người bệnh cần đi khám. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
5. Cách phòng và điều trị bệnh tràn dịch màng phổi
– Điều trị tràn dịch màng phổi nhằm mục tiêu là phải lấy dịch ra và dự phòng các trường hợp tràn dịch trở lại đồng thời xác định và điều trị theo nguyên nhân gây tràn dịch.
– Việc lấy dịch ra tùy theo lượng dịch màng phổi sẽ có chỉ định. Những trường hợp tràn dịch màng phổi nhẹ, người bệnh chưa có dấu hiệu đau ngực, sốt hay khó thở nên chỉ cần theo dõi định kỳ. Nếu bệnh nặng hơn gây đau ngực, khó thở, người bệnh cần tới cơ sở chuyên khoa để được chọc hút dịch.
– Người bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh nếu nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng. Nếu nguyên nhân là do bệnh lý u ác tính hoặc dịch màng phổi hóa mủ, cần phải được đặt ống lớn vào khoang màng phổi.
– Trong một số trường hợp, bệnh tràn dịch màng phổi tái phát nhiều lần, phương pháp làm dính màng phổi được đề ra. Người ta đưa chất kích thích như doxycycline hay bột talc vào khoang màng phổi gây phản ứng viêm làm 2 lá màng phổi dính chặt vào nhau không thể hình thành khoang để chứa dịch.
– Sau khi điều trị hết dịch màng phổi, người bệnh phải tiến hành tập thở, cho thuốc chống dính để tránh dày dính màng phổi.
6. Chăm sóc bệnh nhân tràn dịch màng phổi
Điều trị tràn dịch màng phổi có thể bằng nội khoa và ngoại khoa tùy vào tình hình bệnh cụ thể. Tuy nhiên bên cạnh việc điều trị, có một vấn đề hết sức quan trọng, đóng vai trò lớn trong quá trình chữa trị, ảnh hưởng đến kết quả đó là việc chăm sóc bệnh nhân tràn dịch màng phổi.
Theo dõi tình trạng bệnh hiện tại
Thường xuyên hỏi thăm xem người bệnh có bị đau ngực không? Nếu có thì đau chỗ nào? Thay đổi tư thế nằm có khiến cơn đau tăng nặng hơn không?
Bệnh nhân có sốt hay không? Có khó thở không?
Người bệnh có bị ho không?
Nắm bắt được tình trạng bệnh thông qua triệu chứng trên sẽ đảm bảo được tình hình sức khỏe của người bệnh, kịp thời đưa đến bệnh viện khi có gì bất thường xảy ra, phòng ngừa được những mối nguy hiểm rình rập.
Tinh thần
Tinh thần tốt hay xấu, vui hay buồn, căng thẳng lo lắng hay thoải mái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến triển của bệnh.
Người xưa vẫn có câu “1 nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ” , tinh thần vui vẻ thoải mái sẽ giúp bệnh tình hồi phục nhanh hơn. Do đó người nhà nên quan tâm và gần gũi với người bệnh, thường xuyên đưa người bệnh ra hít thở không khí trong lành, đi picnic, các chuyến dã ngoại gần để nâng cao tinh thần và thể chất.
Tập thở
Hãy giúp bệnh nhân luyện tập thở sâu, tập làm giãn nở phổi theo hướng dẫn đúng của các bác sĩ chủ trị nhằm làm phục hồi và tăng cường chức năng hô hấp, phòng ngừa các biến chứng.
Chế độ dinh dưỡng
Người bệnh tràn dịch màng phổi cũng như các bệnh nhân khác cần có 1 chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức khỏe và góp phần đẩy lùi bệnh tật nhanh hơn.
Chỉ khi cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng cao, mới có thể ngăn ngừa được bệnh. Bạn cần chuẩn bị các món ăn nhóm tinh bột, protein, các vitamin, khoáng chất đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh, hoa củ quả nhằm nâng cao thể trạng người bệnh. Thực ăn nên được chế biến dưới dạng lỏng, loãng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa.
Môi trường sống
Tràn dịch màng phổi là căn bệnh về đường hô hấp, do đó để ngăn ngừa và điều trị bệnh được tốt, dĩ nhiên người bệnh sẽ cần phải được sinh sống ở nơi môi trường sạch sẽ, trong lành. Hãy tránh xa các khu vực ô nhiễm khói bụi, chú ý dọn dẹp nhà cửa nơi ở được thoáng mát, gọn gàng.
Bên trên là một vài điều chia sẻ về cách chăm sóc bệnh nhân tràn dịch màng phổi mà mọi người cần nắm được. Hãy tham khảo để từ đó đưa ra biện pháp chăm sóc được tốt nhất cho người thân của mình