Trẻ bị viêm Amidan sốt bao lâu?
Nhiều căn bệnh thường gặp ở trẻ em có triệu chứng sốt, trong đó có bệnh viêm amidan. Các mẹ cần xác định xem bé bị sốt có phải vì bị viêm amidan hay không bằng cách quan sát những triệu chứng trên cơ thể bé.
Trẻ bị viêm Amidan sốt bao lâu?
Nhiều căn bệnh thường gặp ở trẻ em có triệu chứng sốt, trong đó có bệnh viêm amidan. Khi trẻ mắc bệnh thường bị sốt, ngoài việc quan tâm điều trị triệu chứng sốt, các mẹ còn phải chú ý xác định chính xác căn bệnh bé đang mắc phải để xử trí cho đúng đắn. Thời gian lành bệnh cũng tùy thuộc rất lớn vào cách xử trí của cha mẹ có phù hợp với bản chất bệnh lý hay không.
Trước hết, các mẹ cần xác định xem bé bị sốt có phải vì bị viêm amidan hay không bằng cách quan sát những triệu chứng trên cơ thể bé.
Các biểu hiện của bệnh viêm amidan
Viêm amidan có các loại viêm amidan cấp tính và viêm amidan mãn tính.
Viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp thường do virut hoặc vi khuẩn gây nên, là xuất tiết hoặc viêm mủ của tuyến amidan khẩu cái và tổn thương viêm sung huyết. Nếu do vi khuẩn thì bệnh nặng; trái lại nếu do virut gây bệnh thì thường là nhẹ . Do liên cầu tan huyết β nhóm A là trường hợp nặng nhất.
Triệu chứng gồm: khởi bệnh đột ngột với cảm giác nhức đầu, người mệt mỏi, chán ăn, rét và gai rét rồi sốt 38 - 39oC; hội chứng nhiễm khuẩn, nước tiểu đỏ. Bệnh nhân nuốt vướng, nuốt đau; họng có cảm giác nóng và khô rát ở trong; đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên khi ho và khi nuốt. Khò khè khó thở, thở, ngáy to. Khi viêm nhiễm lan xuống đường hô hấp dưới, phế quản bị viêm sẽ gây khàn tiếng, đau tức ngực, và ho từng cơn có đờm nhầy.
Khám thấy lưỡi trắng bẩn, môi khô. Nếu các tổ chức bạch huyết thành sau họng cũng sưng to và đỏ, amidan sưng to và đỏ, toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực và xuất tiết trong, thì kết luận do virut gây bệnh.
Nếu trên bề mặt có những mảng bựa trắng hoặc chấm mủ trắng, amidan sưng to và đỏ thì kết luận do vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, việc phân biệt viêm amidan do vi khuẩn và virut như trên chỉ có tính chất tương đối.
Viêm amidan mạn tính
Tình trạng viêm đi viêm lại tuyến amidan dẫn đến viêm amidan mạn tính. Bệnh nhân nuốt vướng, cảm giác ngứa vướng và rát trong họng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết, hay sốt vặt; về buổi sáng khi mới ngủ dậy hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan và thường ho khan từng cơn.
Do đâu bị viêm amidan?
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là những thay đổi tiêu cực từ môi trường sống: thời tiết giao mùa, thay đổi đột ngột, khói bụi trong không khí (đặc biệt là khói thuốc lá, khói xe, hơi than...), trẻ mới đi mẫu giáo hay mới cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm...
Những thay đổi tiêu cực từ môi trường khiến hệ miễn dịch chưa hoàn thiện của các bé trở nên yếu đi trước sự tấn công ồ ạt của các virut, nấm và vi khuẩn đang phát triển rất mạnh trong môi trường nhiệt độ thấp mà độ ẩm lại cao.
Một số trẻ có nhiều hạch ở cổ, ở họng quá phát, tổ chức bạch huyết phát triển rất mạnh, rất dễ bị viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi gây ra viêm amidan.
Nguyên nhân cũng có thể do cấu trúc của amidan: có nhiều khe hốc, mặt khác, amidan nằm ở giao điểm của đường thở và đường ăn, là cửa ngõ cho virut, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Sốt do viêm amidan có cần làm xét nghiệm máu?
Thực tế, không nên xét nghiệm máu tất cả bệnh nhi bị sốt để tìm bệnh, chỉ nên thực hiện xét nghiệm máu cho những bệnh nhi bị sốt từ ngày thứ 3 trở đi vì nếu thực hiện sớm hơn cũng không phát hiện hay loại trừ được bệnh. Những bệnh nhi sốt ngày 1, ngày 2 khi cần cũng phải xét nghiệm lại vào ngày thứ 3 của bệnh. Như vậy, những bệnh nhi này phải chịu hai lần xét nghiệm mà lần đầu là không cần thiết. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cho thử máu sớm hơn vào ngày thứ 1, thứ 2 nhưng với mục đích chẩn đoán nguyên nhân gây sốt có liên quan đến sốt rét hay các bệnh nhiễm trùng .
Sốt do viêm amidan bao lâu sẽ hết?
Hầu hết các cơn sốt do virus nói chung và sốt do viêm amidan nói riêng sẽ kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày. Thời gian lành bệnh cũng còn tùy thuộc rất lớn vào cách xử trí, chăm sóc của cha mẹ có phù hợp với bản chất bệnh lý hay không. Sốt không gây tác hại kéo dài, mà những biến chứng của căn bệnh bé đang mắc mới đáng lo ngại.
Viêm amidan và các biến chứng
Viêm amidan có thể gây ra nhiều biến chứng: viêm thanh khí phế quản, viêm tấy hạch dưới hàm, áp-xe amidan, áp-xe thành bên họng, viêm tấy quanh amidan, nhiễm khuẩn huyết , viêm khớp...
Vì là một bệnh có thể gây ra nhiều di chứng và biến chứng nguy hiểm, cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Mỗi đợt dùng thuốc khoảng 10 ngày do các bác sĩ tai mũi họng theo dõi và điều trị. Kể cả khi trẻ đã cắt sốt, các bậc phụ huynh vẫn nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để chữa dứt điểm bệnh, tránh tái phát liên miên và những hệ quả kèm theo.
Phương pháp điều trị, chăm sóc trẻ bị viêm amidan thế nào là đúng?
Đối với viêm amidan cấp: tốt nhất theo kháng sinh đồ. Điều trị triệu chứng, dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, giảm ho, thuốc làm lỏng chất nhầy. Pha nước muối loãng hoặc dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% súc họng, nhỏ mũi (Khuyến khích dùng nước muối sinh lý để đảm bảo vệ sinh và tỉ lệ muối – nước được cân bằng). Bệnh nhân cần được ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, nằm nghỉ, uống nước đầy đủ.
Đối với viêm amidan mãn tính: phẫu thuật cắt amidan. Cắt amidan là phương pháp điều trị hữu hiệu nhằm loại bỏ tổ chức amidan trở thành một ổ viêm nghi ngờ phát triển thành u ác tính và không còn vai trò miễn dịch hoặc bít tắc hô hấp trên,.
Những trường hợp cần cắt amidan:
- Viêm amidan mãn tính có hơn 6 đợt tái phát liên tiếp hoặc kéo dài trên 6 tuần
- Áp xe quanh amidan phải nhập viện điều trị.
- Viêm amidan gây biến chứng viêm xoang, viêm vi cầu thận, sốt thấp khớp, hoặc gây viêm tai giữa, ... tái đi tái lại nhiều lần.
- Nghi ngờ ung thư amiđan do amiđan chỉ to một bên kèm sưng hạch cổ cùng bên.
- Thường cắt amidan sau 4 tuổi.
Phòng ngừa viêm amidan
Viêm amidan là một bệnh thường gặp, gây các biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả gồm: khi cơ thể đang yếu hoặc trời lạnh không ăn kem, uống nước đá vì dễ mắc bệnh; tránh bị lạnh bằng việc mặc ấm, quàng khăn. Giữ vệ sinh mũi và răng miệng bằng việc súc miệng đánh răng hàng ngày. Đeo khẩu trang khi ra đường hay khi đến nơi đông người. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thân thể.
Khi nào cần cho trẻ đi khám?
Nên cho trẻ đi khám ngay lập tức nếu:
- Con có biểu hiện rất mệt mỏi (sốt thường đi cùng với chóng mặt, nhức đầu, cứng gáy, nổi ban, thở khó khăn).
- Sốt cao trên 40 độ C sau 2h uống thuốc hạ sốt.
- Con dưới 3 tháng tuổi.
Cho con đi khám trong vòng 24 giờ nếu:
- Con đã hết sốt hơn 24 tiếng nhưng sau đó lại bị sốt lại và sốt cao hơn 39 độ.
- Con từ 3 đến 6 tháng tuổi (trừ khi sốt do mũi chích ngừa)
- Con bị sốt kéo dài hơn 3 ngày.