Tiêm thuốc giảm đau khi sinh: Nên hay không ?
Theo số liệu khoa học, người mẹ khi sinh phải chịu sự đau đớn tương đương với việc bị gãy 20 cái xương cùng 1 lúc. Để giảm bớt sự đau đớn trong quá trình vượt cạn, hiện nay y học có nhiều loại thuốc giảm đau khi sinh như giảm đau bằng khí, giảm đau bằng pethidine và cách hữu hiệu nhất chính là tiêm thuốc giảm đau khi sinh nhằm gây tê ngoài màng cứng.
Tiêm thuốc giảm đau khi sinh: Nên hay không ?
Tuy nhiên việc làm nào cũng có mặt lợi và hại, vậy việc dùng thuốc giảm đau như vậy có nên hay không?
Tác dụng của việc tiêm thuốc giảm đau khi sinh
Ưu điểm của phương pháp này sẽ giúp mẹ không đau trong quá trình vượt cạn cho nên mẹ không bị kiệt sức, có sức để rặn đẻ tốt hơn. Phương pháp này rất có lợi nếu mẹ phải trải qua thời gian chuyển dạ lâu, mất sức và mệt mỏi vì các cơn co thắt của tử cung.
Thường thì việc gây tê để giảm đau khi sinh, được tiến hành bằng cách đưa ống thông thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng. Trong quá trình truyền thuốc tê, nhịp tim của thai nhi sẽ được theo dõi liên tục và ngay cả huyết áp của người mẹ cũng được đo nhằm kiểm tra những thau đổi gây bất lợi.
Điểm cộng cho việc sử dụng thuốc tiêm giảm đau này, là các bác sĩ có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau của mẹ bầu trong quá trình vượt cạn. Họ có thể điều chỉnh linh hoạt loại thuốc giảm đau, liều lượng như thế nào và cường độ của thuốc nhanh chậm. Bởi cơ địa của mỗi người thường không giống nhau, có trường hợp cùng một loại thuốc, cùng liều lượng nhưng có người giảm đau tốt và cũng sẽ có người không phù hợp.
Vậy tiêm thuốc giảm đau khi sinh có bất lợi gì không?
Mặc dù phương pháp tiêm thuốc gây tê sẽ là sự lựa chọn mà bất cứ bà bầu nào cũng đều mong muốn, tuy nhiên với những trường hợp gây tê ngoài màng cứng thì việc giảm đau khi sinh sẽ có chỗ đau và chỗ không đau. Vì vậy nếu như mẹ cảm thấy đau ở vị trí bất kỳ, hãy báo ngay với bác sĩ.
Ngoài ra trong lúc truyền thuốc giảm đau khi sinh, mẹ có thể có cảm giác hai chân nặng và tê, huyết áp có thể giảm nhẹ, mạch chậm khiến mẹ thấy choáng váng, buồn nôn hay ớn lạnh, rét run.
Đồng thời có một số người xảy ra các tác dụng phụ như co giật do nhiễm độc thuốc tê, nhức đầu do kích thích màng não; sau khi sinh mẹ có thể bị nhức đầu khi ngồi dậy hoặc đau nơi bị đâm kim. Hoặc thậm chí đối với những người sinh mổ, có thể bị bí tiểu.
Quá trình thực hiện tiêm thuốc giảm đau khi sinh như nào?
Đầu tiên, mẹ sẽ được bác sĩ sản khoa khám và xác định đẻ thường được, lúc này bác sĩ gây mê sẽ khám toàn diện để xác định mẹ phù hợp với các chỉ định của thuốc giảm đau khi sinh, giải thích cho mẹ và yêu cầu ký giấy xác nhận tự nguyện xin làm giảm đau.
Mẹ bầu được cho nằm nghiêng bên trái, co người và cong lưng lại. Đặt một cuộn vải lót dưới hông trái của mẹ. Tư thế khác là mẹ sẽ ngồi ở mép giường rồi cúi người lên bàn để cong lưng lại. Tiếp theo bác sĩ sẽ sát trùng vùng thắt lung, và bắt đầu tiêm thuốc tê vào vùng thắt lưng của mẹ. Lúc này mẹ sẽ có cảm giác đau nhói hay rát tại vùng thắt lưng.
Sau đó bác sĩ sẽ tiêm lên vùng gây tê và đặt ống truyền thuốc giảm đau khi sinh vào khoang trên màng cứng quanh xương sống. Mẹ sẽ được yêu cầu thở nhẹ và sâu, thư giãn, không cử động. Cuối cùng, bác sĩ sẽ lấy kim ra và để lại ống mềm trong lưng và dán băng keo để giữ ống đúng vị trí.
Và khi sinh xong, ống truyền sẽ được bác sĩ tháo bỏ. Trong trường hợp bạn sinh mổ, ống truyền này có thể được giữ lại để truyền thuốc để giúp bạn kiểm soát cơn đau hậu phẫu được tốt hơn.
Lưu ý những trường hợp không nên sử dụng thuốc giảm đau khi sinh
Nếu bạn có ý định tiêm thuốc giảm đau khi sinh, thì nên lưu ý những điều sau. Bởi có những trường hợp chống chỉ định với phương pháp này, nên cách tốt nhất là chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước ngày sinh:
- Những người đã và đang dùng thuốc chứa chất làm loãng máu, không được dùng thuốc giảm đau lúc sinh nở.
- Máu của mẹ không đủ tiêu chuẩn do quá ít tiểu cầu hay những lý do khác.
- Mẹ thừa cân khiến bác sĩ khó xác định được vị trí màng cứng để đặt ống truyền thuốc giảm đau khi sinh vào.
- Trước đây có phẫu thuật thắt lưng, nhiễm khuẩn vùng thắt lưng.
- Cổ tử cung đã mở từ 8 – 10cm đủ chuẩn để sinh thường, vì lúc này khi tiêm thuốc sẽ không kịp thời gian thuốc phát huy tác dụng.
- Cơ thể mẹ có nhiệt độ vượt quá 38 độ C, cũng không được khuyến khích sử dụng thuốc tiêm giảm đau.