Có nên phẫu thuật thoái hóa khớp gối?
Thoái hóa khớp gối là một dạng bệnh thuộc tuýp thoái hóa xương khớp đặc biệt nguy hiểm với khả năng gây cho người bệnh bị tàn phế. Theo thống kê trên toàn thế giới thì cứ 4 người bị mắc bệnh thoái hóa khớp gối thì có 1 người hoàn toàn không thể đi lại. Ngày này có rất nhiều phương pháp chữa trị bệnh và trong đó có cả phương pháp phẫu thuật.
Có nên phẫu thuật thoái hóa khớp gối?
Tuy nhiên, “Có nên phẫu thuật thoái hóa khớp gối?” chính là đắn đo của rất nhiều người. Hãy cùng HoiBenh đi tìm lời giải đáp cho đắn đo này.
Sơ lược về bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là tình trạng bệnh được hiểu một cách đơn giản là do sự mất cân bằng sinh học và cơ học trong khớp gối, hậu quả là dẫn đến tổn thương nơi sụn khớp gối và xương dưới sụn. Từ đó sinh ra các phản ứng sưng đau, gây viêm và giảm dịch khớp gối. Bệnh khiến cho bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt cuộc sống thường ngày, nhất là việc đi lại, đứng – nằm – ngồi và có khả năng gây tàn phế.
Nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa khớp gối
- Do chấn thương đầu gối khiến ảnh hưởng đến các gân, dây chằng và các túi hoạt dịch bao quanh khớp gối.
- Thứ phát do các loại bệnh viêm khớp gây ra như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp.
- Mắc hội chứng đau xương bánh chè (thường gặp ở các vận động viên).
- Không kiểm soát được cân nặng của cơ thể.
- Do cấu trúc cơ thể bị dị tật bẩm sinh như một chân ngắn - một chân dài, hoặc chân bị lệch...
- Yếu cơ.
- Do tập luyện thể dục thể thao.
- Đã từng bị chấn thương khớp gối trước đó và bệnh tái phát trở lại.
Một số triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp gối mà bạn cần chú ý
- Xuất hiện những cơn đau khớp gối với mức độ đau tăng dần, đau ban đêm nhiều hơn đau ban ngày.
- Khi co duỗi chân có thể nghe thấy những tiếng kêu lục khục, lạo xạo ở đầu gối.
- Xuất hiện hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Cử động của khớp bị hạn chế, việc di chuyển phải mất nửa tiếng hoặc hơn mới thấy dễ dàng và dễ chịu hơn.
- Khó vận động khớp gối khiến việc đi lại trở nên khó khăn, đau đớn. Người bệnh còn cảm thấy khó nhấc chân, đi tệp tễnh, đứng lên ngồi xuống cũng gặp khó khăn.
- Đau khi đứng lên ngồi xuống, đau khi leo cầu thang.
- Khớp gối bị sưng lên do bị tràn dịch khớp.
- Khớp gối bị biến dạng và bị teo ổ khớp.
Khi nào cần phẫu thuật thoái hóa khớp gối?
“Có nên phẫu thuật thoái hóa khớp gối?” là thắc mắc của rất nhiều người đang trong tình trạng bị thoái hóa khớp gối. Mặc dù phương pháp phẫu thuật có thể giúp bạn cải thiện chức năng của khớp gối, đi lại bình thường... nhưng đa số các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên lựa chọn những phương pháp sau – tức là phương pháp phẫu thuật chỉ là phương pháp cuối cùng mà thôi:
- Thuốc uống – thuốc bôi và thuốc tiêm: tất cả những loại thuốc này đều cần được sử dụng tuân theo chỉ dẫn và chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc điển hình như Acetaminophen (Tylenol), thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc Corticoid dạng tiêm, thuốc Acid Hyaluronic dạng tiêm...
- Vật lí trị liệu: Bạn sẽ được hướng dẫn tập các bài tập vật lí trị liệu có tác dụng hỗ trợ phục hồi chức năng khớp gối.
- Giảm cân: Trên thực tế, cứ khi nào bạn tăng thêm 0.5 Kg cân thì khớp gối của bạn sẽ phải gánh thêm 1.5 Kg nặng nữa. Giảm cân là điều cần thiết ở trong bất cứ phương pháp điều trị nào.
- Sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng: Một số người được chỉ định cho uống Glucosamin và Chondroitin khi phát hiện bị thoái hóa khớp để làm giảm đau.
Nếu đã áp dụng tất cả các phương pháp trên mà bạn vẫn bị đau khớp gối và bệnh tình không thuyên giảm thì lúc này bác sĩ có thể khuyên bạn đi làm phẫu thuật thoái hóa gối để cải thiện khả năng vận động. Phẫu thuật thay khớp gối chỉ được áp dụng khi:
- Đau khớp gối ở mức độ vừa, nặng hoặc nghiêm trọng khiến bạn gặp khó khăn trong những hoạt động hàng ngày, kể cả ngày hay đêm hoặc cả những lúc nghỉ ngơi.
- Bạn bị viêm và sưng khớp gối kéo dài, đồng thời không thể giảm tình trạng viêm và sưng sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc
- Cẳng chân bị lệch do thoái hóa khớp gối.
- Gặp tình trạng cứng khớp
- Tình trạng đau khớp gối không hề thuyên giảm đau khi sử dụng NSAIDs.
Các phương pháp phẫu thuật trị thoái hóa khớp gối
1. Phẫu thuật nội soi làm sạch
Phương pháp phẫu thuật này chỉ được chỉ định tiến hành cho những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối khi:
- Có triệu chứng lâm sàng: đau khớp gối, hạn chế vận động gối.
- Đã điều trị nội khoa nhưng bệnh không thuyên giảm.
Không thực hiện kỹ thuật này nếu:
- Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 4 (khớp đã biến dạng, hẹp khe khớp hoàn toàn).
- Bệnh nhân bị thoái hóa gối giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3 ở trên nền viêm đa khớp dạng thấp, có bệnh lý không cho phép phẫu thuật.
2. Ghép xương sụn tự thân hoặc đồng loại
Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân có tổn thương sụn với diện tích nhỏ và vừa, đơn ổ hoặc bị thoái hóa thứ phát sau chấn thương.
- Ưu điểm: Tạo ra được lớp sụn mới với bản chất là sụn trong thay thế được vùng khuyết sụn. Phần sụn mới về lâu dài bám dính tốt do có sự liền xương - xương.
- Nhược điểm: Tạo tổn thương mới tại vị trí lấy sụn đối với ghép tự thân. Nếu ghép đồng loại thì lại liên quan đến vấn đề xử lý mảnh ghép và thải mảnh ghép. Hơn nữa, trong thời gian chưa liền xương thì mảnh ghép dễ rơi vào khớp khiến tạo dị vật khớp, gây kẹt khớp.
3. Đục xương sửa trục
Đục xương sửa trục là phương pháp thường được sử dụng trong điều trị những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối sớm, thoái hóa một khoang và thường gặp ở bệnh nhân có dạng chân chữ O, chữ X và chữ K. Tuy nhiên, kỹ thuật này dễ khiến cho bệnh nhân gặp tai biến liệt thần kinh và gây thách thức cho vấn đề thay khớp về sau.
4. Thay khớp
Phẫu thuật thay khớp được chỉ định khi bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4, hoặc không còn đáp ứng được với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, phẫu thuật thay khớp là một phẫu thuật lớn đi kèm những rủi ro và chi phí cao, và không phải tất cả bệnh nhân có chỉ định thay khớp đều đáp ứng được.
5. Ghép tế bào sụn tự thân
Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân trẻ tuổi có tổn thương sụn mới do chấn thương. Tổn thương ở một vị trí đơn độc, diện tích vùng khuyết sụn nhỏ và vừa.
- Ưu điểm: Giúp phục hồi được lớp sụn mới có bản chất là sụn trong. Lớp sụn mới có tính đàn hồi, tính bền vững cao, giống sụn bình thường.
- Nhược điểm: Bệnh nhân phải trải qua hai lần phẫu thuật. Đặc biệt khi ghép tế bào sụn phải mở khớp gối. Giá thành cao, mảnh ghép dễ bị bong khỏi vị trí ghép ngay sau khi phẫu thuật.
Qua những chia sẻ trên, chắc hẳn bạn đọc đã có câu trả lời riêng cho câu hỏi “Có nên phẫu thuật thoái hóa khớp gối?”. Nếu như qua những phương pháp thuốc, vật lý trị liệu, giảm cân và sản phẩm dinh dưỡng mà bệnh tình thuyên giảm thì bạn không nên phẫu thuật. Còn nếu những phương pháp này không đáp ứng được thì bạn nên phẫu thuật. Chúc bạn luôn mạnh khỏe.