Cảnh báo hàng loạt dịch bệnh bùng phát lúc giao mùa
Giao mùa là thời điểm lý tưởng để cho rất nhiều bệnh dịch bùng phát. Đặc biệt khoảng thời gian giao mùa xuân hè khi thời tiết ấm lên nhưng thỉnh thoảng có những đợt lạnh đột ngột khiến cho cơ thể bạn không kịp thích nghi và dễ bị virus tấn công.
Cảnh báo hàng loạt dịch bệnh bùng phát lúc giao mùa
Chính vì vậy, hãy lưu ý những căn bệnh thường gặp dưới đây để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như người thân trong gia đình trong thời tiết giao mùa này.
Rôm sảy
Khi thời tiết bắt đầu nóng lên, với độ ẩm không khí cao, các tuyến mồ hôi hoạt động nhiều sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm nang tuyến chân lông. Khi gặp tình trạng nặng, da sẽ xuất hiện nhiều bọc nước nhỏ, ửng đỏ và ngứa ngáy, khó chịu.
Để đề phòng rôm sảy, bạn nên tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông hoặc chanh để ngăn không cho vi khuẩn có cơ hội phát triển, gây viêm lỗ chân lông. Với trẻ nhỏ có thể tắm bằng nước trà xanh hoặc khổ qua, giúp ngăn ngừa rôm sảy hiệu quả.
Sốt
Vào thời điểm chớm hè cơ thể rất dễ bị sốt, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Đôi khi trẻ có thể tự nhiên lên cơn sốt khi đang chơi. Vì vậy phụ huynh cần chú ý tới việc hạ sốt và bù nước cho trẻ.
Người bị sốt cần cho mặc quần áo mỏng, tắm nước ấm, chườm mát. Với trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là bù nước, nếu không trẻ sẽ bị mất nước điện giải, cộng với thân nhiệt cao sẽ dẫn tới các biến chứng như co giật, hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Ngộ độc thực phẩm
Khi thời tiết bắt đầu nóng lên cũng đồng nghĩa với việc thực phẩm dễ dàng bị hư hỏng. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm sinh nở của ruồi muỗi, các tác nhân dễ lây lan các mầm bệnh qua đường tiêu hóa. Đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là trẻ nhỏ do chưa ý thức được vệ sinh an toàn thực phẩm nên rất dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm là đau bụng từng cơn, nôn, tiêu chảy liên tục, rối loạn điện giải, đôi khi đi kèm khó thở, tức ngực. Trong trường hợp này cần sơ cứu và đưa người bị ngộ độc vào bệnh viện càng sớm càng tốt, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để đề phòng bị ngộ độc thực phẩm, bạn nên chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nên ăn nóng ngay sau khi chế biến. Thực phẩm còn thừa nên đậy kín và bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và chế biến.
Tiêu chảy
Thời tiết chuyển sang nóng ẩm tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật phát triển, trong đó có nhiều loại vi sinh vật là tác nhân gây tiêu chảy như vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn tả hoặc virus, nấm... Tiêu chảy có thể tấn công bất kỳ đối tượng nào nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
Để phòng tránh tiêu chảy, nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, uống 8-10 ly nước mỗi ngày. Hoa quả cần rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn, không ăn thực phẩm kém chất lượng.
Nấm móng
Nấm móng có cơ hội và điều kiện phát triển lý tưởng ở khí hậu xuân hè. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng nấm móng lại gây mất thẩm mỹ, chưa kể việc điều trị kéo dài, tốn kém.
Do vẫn còn một số chất hữu cơ "sống" nên móng có khả năng nhiễm nấm. Sau khi thâm nhập vào móng, nấm sẽ làm móng mất độ sáng bóng, trở nên khô và rạn nứt. Nó sẽ "ăn" dần từ ngoài vào trong, từ nông vào sâu, từ rìa vào trung tâm, từ đầu móng đến chân móng, cuối cùng sẽ phá hủy và làm hỏng móng hoàn toàn. Trường hợp bị nặng, chân hoặc tay bạn không còn khả năng mọc lại móng tại chính vùng tổn thương. Phần da non tại móng không có móng bảo vệ lúc này sẽ rất dễ bị tổn thương, đồng thời gây mất thẩm mỹ.
Để phòng tránh, bạn cần giữ gìn vệ sinh móng thật cẩn thận. Khi thấy nấm xuất hiện ở chóp móng thì nên cắt bỏ lớp móng này ngay. Tránh nạo bỏ hoặc cố cạy rìa móng đang bị nấm vì có thể tạo điều kiện cho nấm xâm nhập sâu hơn.
Say nắng
Đây là hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím (tia tử ngoại) của mặt trời gây ra. Tia tử ngoại có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da (bỏng độ I) và say nắng.
Nó còn có tác hại trực tiếp lên gien, kéo theo các đột biến có đặc tính di truyền; làm gia tăng sự lão hóa, tạo điều kiện cho ung thư xuất hiện. Nhiệt độ cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não - làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ não.
Đề phòng: Bạn không nên ở ngoài nắng quá lâu, nhất là trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
Nên uống nhiều nước và ăn những thức ăn có thể hỗ trợ cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và chống sự ôxy hóa như: các thức ăn giàu caroten (dưa hấu, dưa vàng, rau ngò, cải bó xôi...), vitamin E (dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ...), vitamin C (trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh...)
Đau mắt
Nhiệt độ đang từ lạnh chuyển sang nóng có thể làm mắt bị khô. Khi gặp môi trường bụi bặm, khói ô nhiễm sẽ làm mắt dễ bị đỏ và đau.
Để phòng tránh điều này, cần bảo vệ mắt bằng cách đeo kính, bịt khẩu trang khi ra đường. Dùng nước muối sinh lý để rửa mắt mỗi ngày sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và hạn chế dụi mắt.
Bệnh sốt xuất huyết
Thời tiết giao mùa xuân hè cũng là thời điểm cho nhiều dịch bệnh bùng phát trong đó có dịch sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2015, Việt Nam ghi nhận hơn 88.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Khí hậu miền Bắc đang chuyển từ xuân sang hè nóng lạnh thất thường, trời ẩm ướt là điều kiện cho nhiều loại muỗi phát triển, khiến dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát.
Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết giống như cúm, kéo dài từ 2-7 ngày, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Sốt xuất huyết nhẹ có các biểu hiện như sốt cao kèm theo các triệu chứng đau đầu; nhức sau hốc mắt; buồn nôn, nôn; sưng hạch bạch huyết; đau mỏi cơ, xương hay khớp; phát ban. Nếu không được điều trị bệnh sốt xuất huyết có thể để lại nhiều biến chứng và dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh sốt xuất huyết vào thời điểm giao mùa xuân hè, cần diệt muỗi, giữ môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng và luôn ngủ trong màn.