Cảm cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, hàng năm tỷ lệ tử vong do cúm ước tính khoảng 250.000 – 500.000 người. Và có khoảng 10 – 15% dân số thế giới mắc bệnh cúm mỗi năm. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng.

Cảm cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ Cảm cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu kĩ lưỡng về căn bệnh này để tránh những sai lầm hay ngộ nhận dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Cúm (cảm cúm) là bệnh gì?

Cúm, hay còn gọi là cảm cúm, là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh thường gặp theo mùa và có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng do chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Điều trị cúm nặng vẫn còn là thách thức cho các bác sĩ chuyên khoa.

Ai dễ bị cảm cúm?

Bất cứ ai cũng có thể mắc cúm, phổ biến từ 2 – 3 lần mỗi năm. Càng những người có hệ miễn dịch kém càng có khả năng mắc bệnh rất cao. Đứng đầu trong danh sách này là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thứ nữa phải kể đến người già, người đang mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, hen suyễn, đái tháo đường hoặc thận... Người lao động nặng, mất ngủ hoặc thiếu ngủ và suy dinh dưỡng cũng dễ bị cảm cúm vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

vicare.vn-cam-cum-o-tre-so-sinh-va-tre-nho-body-1

Triệu chứng và dấu hiệu

Bắt đầu bị cảm cúm, người bệnh thấy hiện tượng tuyến nước bọt bị khô gây cảm giác đau ngứa. Sau đó bị hắt hơi, chảy nước mũi trong vắt liên tục. 1-2 ngày sau sẽ thấy đau đầu, toàn thân mệt mỏi, đờm, nước mũi nhiều có thể lỏng hoặc đặc dẫn đến khó thở, ho, khản tiếng... Khi đó, toàn bộ hệ hô hấp đã bị virut cúm tấn công.

Trước kia, cúm mùa thường lành tính, bệnh thường kéo dài khoảng 1 tuần trong đó thời gian diễn tiến các triệu chứng nặng thường kéo dài 3 đến 5 ngày. Nhưng hiện nay, do có nhiều chủng virut cúm khác nhau và một số chủng có sự biến thể nên có thể gây biến chứng. Vì vậy, khi mắc cảm cúm kéo dài hơn 1 tuần, không nên chủ quan, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người cao tuổi có bệnh mạn tính...

Nguyên nhân

Bệnh cảm cúm gây ra bởi virus được phân loại theo loại A, B và C. Loại A là dạng phổ biến nhất.

Hầu hết các loại vi-rút tấn công hệ thống hô hấp của cơ thể - bao gồm mũi, cổ họng và phổi.

Cơ chế lây lan bệnh là do tiếp xúc với vật mà người mắc bệnh đã chạm vào, hoặc thông qua các giọt nhỏ chất dịch mà người bệnh hắt hơi hoặc ho vào không khí. Ngoài ra, một số chủng loại virus cúm có nguồn gốc từ các loài động vật như gia súc, gia cầm, chim, thú... có thể lây từ động vật sang người và ngược lại từ người sang động vật.

Điều trị và những sai lầm trong điều trị

Thông thường, bạn chỉ cần cho bé nghỉ ngơi, uống đủ nước và điều trị triệu chứng (giảm đau, hạ sốt, chống ho, tiêu đờm...) là có thể khỏi bệnh. Đối với trẻ sơ sinh thì nên cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt. Sữa mẹ không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa, nước, mà còn có rất nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của con.

Bên cạnh đó, nếu như máy phun sương có thể làm giảm tiết nước bọt thì súc miệng bằng nước muối ấm hay nước súc miệng có thể làm giảm đau họng.

Mặc dù bệnh rất phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách giúp con nhanh khỏi bệnh. Thậm chí, không ít người lại có những quan niệm chữa bệnh cảm cúm sai lầm khiến bệnh trở nên nặng hơn.

Bệnh cảm cúm tự khỏi

Tuy các triệu chứng của bệnh cảm cúm không quá nguy kịch, nhưng theo khuyến cáo các bác sĩ, khi bị cảm cúm kéo dài hơn 1 tuần, cần phải đến các cơ sở y tế thăm khám, uống thuốc và điều trị tích cực, nếu không có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng; không loại trừ khả năng mắc bệnh do những chủng cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9...

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất đối với hệ thống tim mạch như là viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim; với hệ hô hấp là viêm họng, viêm xoang , viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp tính, viêm phổi, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính...

vicare.vn-cam-cum-o-tre-so-sinh-va-tre-nho-body-2

Uống nhiều thuốc kháng sinh

Bên cạnh những người quyết tâm không cho con uống thuốc khi bị cảm cúm thì lại có những người lại sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc một cách vô tội vạ, hi vọng bệnh mau khỏi.

Thế những trên thực tế, loại thuốc hay bị lạm dụng nhất khi tự ý điều trị cảm cúm là thuốc kháng sinh lại chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virus. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong một số trường hợp người bệnh cảm cúm bị bội nhiễm vi khuẩn. Khi được chỉ định kháng sinh, cần lưu ý không bỏ liều thuốc và uống hết lượng thuốc được kê kể cả trong trường hợp cảm thấy con khỏe hơn sau một vài ngày.

Ngoài ra, các thuốc cảm cúm phổ biến trên thị trường hiện nay có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không được sử dụng đúng cách. Cần lưu ý các thuốc này chỉ giúp giảm triệu chứng mà không có tác dụng loại trừ nguyên nhân (virus) hay rút ngắn thời gian mắc bệnh.

Các thuốc cảm cúm phổ biến tại các nhà thuốc hiện nay thuộc một trong bốn nhóm chính sau:

Thuốc hạ sốt, giảm đau

Thành phần thường là paracetamol. Nếu dùng quá liều paracetamol có thể gây độc cho gan. Hoại tử gan là độc tính cấp nghiêm trọng nhất do quá liều paracetamol và có thể gây tử vong. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, paracetamol thường được dùng theo cân nặng. Vì thế, các mẹ phải chú ý kiểm tra kỹ tờ hướng dẫn sử dụng của các thuốc đang sử dụng để tránh quá liều do sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc cùng chứa paracetamol.

Thuốc giảm ho

Các thuốc giảm ho chỉ nên sử dụng trong trường hợp ho khan, ho quá mức gây mệt, nôn ói, mất ngủ. Bởi vì, một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng của loại thuốc này là gây suy hô hấp, đặc biệt trên trẻ nhỏ. Các mẹ có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để làm dịu cảm giác ngứa rát ở cổ họng, thu hẹp vùng viêm nhiễm, giảm lượng vi khuẩn, vi rút gây hại ở vùng họng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Thuốc chống sung huyết, ngạt mũi

Một đợt điều trị không kéo dài quá 5 ngày do các thuốc này nếu dùng lâu ngày có thể gây tác dụng ngược, gây nghẹt mũi nặng hơn do thuốc làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi và làm tổn thương hệ thống màng nhầy - lông chuyển trong mũi.

Thuốc chống dị ứng

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được dùng thuốc nhóm này.

vicare.vn-cam-cum-o-tre-so-sinh-va-tre-nho-body-3

Tự ý truyền nước

Việc tự ý truyền nước một cách bừa bãi, truyền quá liều, truyền với tốc độ nhanh (tốc độ chảy của nước vào cơ thể) có thể gây sốc và dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) thì trong trường hợp người bệnh bị cảm cúm, cơ thể mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì nên bù nước qua đường uống sẽ tốt hơn. Các mẹ nên chú ý kết hợp cho bé uống bù nước và chất điện giải, nhất là trong trường hợp bé bị cảm cúm kèm triệu chứng sốt cao, đi ngoài phân lỏng.

Phòng chống

Hạn chế đi đến chỗ chật hẹp đông người khi đang mùa dịch, phòng bệnh bằng vắc xin, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc đồ vật hay người bệnh, tránh tiếp xúc với người hoặc nguồn động vật nhiễm bệnh, ... là các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh.

Khi bạn đi đến vùng dịch cúm gia cầm hoặc cúm A, bạn cần được cách ly và theo dõi sát sao các triệu chứng bệnh để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ con mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9... hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng.