Bia rượu là nguyên nhân của 200 loại bệnh tật hiện nay nhiều người mắc phải
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, số ca ngộ độc rượu chứa Methanol đang có xu hướng gia tăng do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể. Đặc biệt, uống nhiều rượu bia trong một thời gian dài sẽ gây ra các tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, trật tự xã hội, tai nạn giao thông...
Bia rượu là nguyên nhân của 200 loại bệnh tật hiện nay nhiều người mắc phải
thậm chí có thể dẫn đến tử vong do ngộ độc rượu.
Cục này cũng khuyến cáo Việt Nam cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia để hạn chế tác hại của những loại đồ uống này tới sức khỏe con người.
Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu rõ: Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh.
Đặc biệt, rượu bia là chất gây ung thư đối với con người (như ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ) và uống ở mức độ nào cũng có nguy cơ gây ung thư; uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng.
Sự phát triển của bệnh ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả khi đã cai rượu.
Các nghiên cứu cho thấy, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người 21 tuổi mới uống như: khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; khả năng tham gia bạo lực sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần; khả năng bị chấn thương cao gấp gần 5 lần...
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), các loại sản phẩm đã và đang gây ngộ độc Methanol ở Việt Nam là: Rượu trắng không có nguồn gốc, không rõ xuất xứ, không đăng ký; cồn sát trùng (cồn y tế); dung môi (véc ni); dung môi của hóa chất bảo vệ thực vật; loại sản phẩm rượu chính thức (trường hợp hy hữu); đặc biệt chưa ghi nhận ngộ độc Methanol từ bia.
Triệu chứng ngộ độc thật sự thường xuất hiện sau 18-24 giờ kể từ khi uống. Methanol chuyển hóa chậm và sau khi uống sau 7 ngày vẫn có thể tìm thấy một lượng đáng kể trong cơ thể.
Khi Methanol vào cơ thể thì 3-5% được thải qua thận ở dạng nguyên vẹn; 5% ở dạng axít formic và tới 12% thải qua phổi ở dạng nguyên vẹn. Mẹ bị ngộ độc Methanol thì thai nhi cũng bị ngộ độc và có thể tử vong.
Ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao chiếm 31,2%
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Từ năm 2007 đến tháng 3/2017, toàn quốc ghi nhận 18 vụ ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao (1,6 vụ/năm) làm 192 người ngộ độc, 45 trường hợp tử vong. Ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao chiếm 31,2% tổng số vụ ngộ độc rượu và tử vong chiếm 45,9% tổng số vụ tử vong do ngộ độc rượu.
Các vụ ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao tập trung nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Bộ (8 vụ làm 35 người mắc và 14 người chết) và Đồng bằng Bắc Bộ (4 vụ làm 27 người mắc và 7 người chết).
Biểu hiện lâm sàng hay gặp trong các vụ ngộ độc do rượu có hàm lượng Methanol cao là: chóng mặt (77,8%), đau đầu (77,8%), buồn nôn (66,1%), nôn (55,6%), khó thở (33,3%), mờ mắt (33,3%), liệt và giảm cảm giác (66,7%)... Đặc biệt, thời gian qua, ở nhiều tỉnh đã xảy ra các vụ ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao.
Cụ thể như: Tại Lai Châu (bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ), ngày 13/6/2017 xảy ra vụ ngộ độc làm 68 người mắc và 10 người tử vong với triệu chứng: đau đầu, đau bụng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, tê bì chân tay và đều liên quan đến ăn cơm, uống rượu ở một đám ma trong thôn.
Kết quả điều tra cho thấy: đây là vụ ngộ độc tại bữa ăn gia đình do uống rượu có hàm lượng Methanol cao do 1 hộ gia đình pha chế và bán (mẫu kiểm nghiệm Methanol cao từ 80 – 100 lần).
Tại tỉnh Quảng Ninh (thành phố Hạ Long) từ ngày 29/11 – 6/12/2013 đã liên tiếp xảy ra 4 điểm ngộ độc do rượu có hàm lượng Methanol cao làm 15 người mắc và có 6 trường hợp tử vong. Kết quả điều tra đã xác định: sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013 chứa hàm lượng Methanol cao gây ngộ độc (mẫu kiểm nghiệm Methanol cao từ 700 – 1.900 lần).
Ngay sau đó, Cục An toàn thực phẩm đã thông báo khẩn cấp trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng; đồng thời yêu cầu dừng sản xuất, lưu thông sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” sản xuất ngày 12/10/2013 tại cơ sở sản xuất; kiểm kê, niêm phong sản phẩm trong kho, đại lý và thu hồi chuyển về kho của Công ty để tiêu hủy.
Tại Gia Lai (xã IaBăng, huyện Đắk Đoa), từ tháng 2-8/2010 đã xảy ra rải rác các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng buồn nôn, đau bụng, khó thở và co giật làm 9 người tử vong do ngộ độc rượu.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định tất cả các trường hợp cấp cứu, điều trị do ngộ độc rượu có sử dụng rượu mua từ một cơ sở kinh doanh rượu ở địa phương. Cơ sở này đã nhập 40 lít rượu (không rõ nguồn gốc do bán rong, mẫu kiểm nghiệm Methanol cao từ 500-1.200 lần).
Cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Các vụ ngộ độc do rượu có hàm lượng Methanol cao đều do người tiêu dùng sử dụng rượu sản xuất, kinh doanh không rõ nguồn gốc; do tự ngâm động vật, thực vật độc để uống; do gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng sử dụng Methanol làm tăng nồng độ cồn trong rượu. Chính vì vậy, công tác phòng chống ngộ độc do rượu, rượu có hàm lượng Methanol cao cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên, hiệu quả.
Theo đó, thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực kiểm soát an toàn đối với rượu trên địa bàn; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực bộ máy quản lý an toàn thực phẩm ở các cấp trong phòng chống ngộ độc do rượu, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa; trang bị công cụ, vật liệu truyền thông đối với ngộ độc rượu và phương tiện, vật liệu phát hiện rượu độc, thuốc đặc trị, phác đồ xử lý ca bệnh.
Ngành y tế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm động thực vật, rượu trôi nổi không được chứng nhận an toàn, không được kiểm nghiệm độc tính...
Đồng thời, các địa phương cần đầu tư trang thiết bị, ngân sách cho hoạt động và nhân lực tổ chức giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân, triển khai các hoạt động cấp cứu, điều trị hiệu quả các bệnh nhân ngộ độc do rượu...
Cục Y tế dự phòng khuyến nghị, Việt Nam cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia tập trung vào các nội dung như: chính sách thuế, giá; kiểm soát quảng cáo cả rượu và bia; kiểm soát tiếp cận với rượu bia (điểm bán, giờ bán...); kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em (qui định độ tuổi, địa điểm cấm bán/uống, cấm các loại hình quảng cáo đối với trẻ em); phòng chống uống rượu bia khi lái xe; quản lý rượu tự nấu, rượu thủ công...
Bộ Y tế khuyến cáo: Để bảo đảm sức khỏe, người dân tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol cao; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt.
Người dân không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên; không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.
Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu; trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.
Theo TTXVN