Viêm khớp cùng chậu - nỗi lo của phụ nữ sau sinh có thể hóa giải bằng phương pháp Đông y không?
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng xảy ra phản ứng viêm ở khớp cùng chậu. Bệnh hay gặp ở người trưởng thành, nữ giới gặp nhiều hơn nam, thường xảy ra sau mắc các bệnh về tiêu hóa, tiết niệu... Đặc biệt, hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ mang thai, sau đẻ.
Viêm khớp cùng chậu - nỗi lo của phụ nữ sau sinh có thể hóa giải bằng phương pháp Đông y không?
1. Viêm khớp cùng chậu là gì?
Hai khớp cùng chậu nằm ở phía sau, giữa hai mông, nơi tiếp giáp giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và phía sau của hai xương cánh chậu.
Viêm khớp cùng chậu tình trạng xảy ra phản ứng viêm ở khớp cùng chậu. Bệnh hay gặp ở người trưởng thành, nữ giới gặp nhiều hơn nam, thường xảy ra sau mắc các bệnh về tiêu hóa, tiết niệu... Đặc biệt, hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ mang thai, sau đẻ. Với người cao tuổi, bệnh do quá trình thoái hóa gây ra. Bệnh thường tiến triển mạn tính, kéo dài.
2. Các triệu chứng biểu hiện Viêm khớp cùng chậu
- Đau thường xuất hiện ở vùng cột sống thắt lưng cùng, có thể đau giữa hai mông, vùng chậu hông. Thường đau âm ỉ, kéo dài dai dẳng, đau có thể lan xung quanh hoặc lan xuống đùi, cẳng chân giống như đau dây thần kinh tọa. Đau tăng lên khi ngồi lâu, khi đứng lâu, dạng chân, khi đứng dồn lực vào một bên chân, khi chạy hoặc leo cầu thang hoặc gây căng cứng cơ có thể xuất hiện cứng và tê xuống hai chân. Đau giảm khi nghỉ ngơi, cũng có thể xuất hiện đau nhiều hơn về đêm. Những trường hợp Viêm khớp cùng chậu xuất hiện khi mang thai hoặc ngay sau khi đẻ (thường hay gặp sau khi đẻ hơn), những bệnh nhân này thường có biểu hiện đau rất dữ dội dù ở bất kỳ tư thế nào, đau tăng khi vận động mặc dù vận động rất khẽ, đỡ hơn khi nghỉ ngơi. Trong một số trường hợp các bệnh nhân nữ xuất hiện đau vùng chậu vài tháng sau khi có thai, kéo dài trong suốt thời kỳ mang thai và sau khi đẻ xong thì đỡ đau.
- Hạn chế các động tác cúi ngửa, xoay cột sống thắt lưng hoặc hạn chế vận động chân.
- Ngoài ra, bệnh nhân nữ có thể có sốt kèm biểu hiện nhiễm khuẩn bàng quang, niệu đạo hay viêm đường sinh dục như: tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục hay có máu hoặc khí hư đục, có mùi, sốt và rét run, buồn nôn và nôn. . Một số trường hợp, người phụ nữ còn có những dấu hiệu viêm vùng sinh dục tiết niệu hay vùng tiểu khung với các triệu chứng đau bụng dưới âm ỉ, đau tăng nhiều hơn khi đại tiểu tiện. Ngoài ra còn xuất hiện tiết dịch hay chảy máu âm đạo bất thường, giao hợp đau rát.
Viêm khớp cùng chậu, nếu để lâu không được chữa trị sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình vận động (không thể ngồi lâu để làm việc hoặc khó cúi xuống, nghiêng hay xoay người rất khó khăn do cứng cột sống thắt lưng, lưng và cổ), gây tổn thương dây thần kinh tọa, thậm chí làm teo cơ đùi và nếu để lâu sẽ teo cơ mông. Với nữ giới, một số ít trường hợp Viêm khớp cùng chậu nếu để lâu ngày có thể dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai và khi sinh, dẫn đến đẻ khó dẫn đến phải mổ đẻ.
Vì vậy, nhiều khi dễ nhầm lẫn Viêm khớp cùng chậu với đau do thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm. Chẩn đoán xác định bằng cách chụp X-Quang vùng thắt lưng cùng và khám một số nghiệm pháp lâm sàng đặc thù.
3. Điều trị viêm khớp cùng chậu như thế nào?
Bệnh Viêm khớp cùng chậu thường hồi phục chậm. nhưng ở bệnh nhân sau đẻ thường khỏi nhanh hơn và tỷ lệ khỏi hoàn toàn khá cao.
Nguyên tắc điều trị: dùng kháng sinh (trong trường hợp nhiễm khuẩn), thuốc chống viêm giảm đau không steroid kết hợp vật lý trị liệu.
Ngoài ra, Việc tập luyện, vận động là yếu tố quan trọng trong tiến triển cũng như mức độ phục hồi của bệnh. Người bệnh cần tích cực luyện tập các bài tập giúp vùng khung chậu có độ đàn hồi tốt.
Một trong bài tập đơn giản tốt cho khung chậu mà ai cũng có thể tự thực hiện ở nhà là: người nằm ngửa trên nền phẳng, chân trái co về sát ngực, hai tay vòng lấy chân, giữ cho người ở tư thế thẳng, rồi quay hết cỡ về một bên, làm như vậy cho đến khi đầu gối chạm sàn, rồi lại quay ngược về bên còn lại, nghiêng người hết cỡ sao cho đầu gối chạm sàn. Động tác như vậy rất hiệu quả đối với sự co giãn khung xương chậu. Đối với bài tập này, cần tập lần lượt mỗi bên chân rồi chuyển sang chân còn lại trong thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày.
Đối với những bệnh nhân bị viêm khớp cùng chậu mạn tính, bệnh lâu ngày tái đi tái lại, việc không cho hiệu quả cao nên kết hợp sử dụng điều trị đông y để ổn định bệnh được lâu dài, tránh tác dụng phụ.
Đông y quy bệnh Viêm khớp cùng chậu thuộc chứng tý. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh lạc ngoại tà phong hàn thấp, nhiệt xâm nhập kinh lạc gây tắc trệ, khí huyết không được lưu thông, bất thông tắc thống gây nên đau.
Điều trị bằng Đông y chiếm ưu thế trong trường hợp phụ nữ đang cho con bú vì áp dụng các phương pháp không dùng thuốc hoặc sử dụng những bài thuốc an toàn với trẻ nhỏ.
Không dùng thuốc chủ yếu áp dụng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt sau một thời gian cho kết quả khả quan.
Tuy nhiên, bệnh nhân nên đến khám các bác sỹ uy tín, có kinh nghiệm để có được hướng điều trị chính xác và hiệu quả nhanh nhất.
4. Phòng Viêm khớp cùng chậu sau sinh
- Đối với phụ nữ cần chú ý chăm sóc bản thân, đi khám và chữa trị sớm các bệnh phụ khoa như: viêm tử cung, viêm âm đạo...
- Đề phòng bệnh về đường tiết niệu, sinh dục. Khi có các dấu hiệu bệnh cần điều trị triệt để tránh bị ảnh hưởng đến những bộ phận lân cận.
- Thường xuyên tập các bài tập thể dục vùng chậu hông để tránh mắc bệnh.
- Trong thời gian mang thai cần tập luyện các bài tập vừa tốt cho sản phụ, vừa phòng các bệnh vùng chậu hông.
Bài viết được bác sĩ Đông y bảo trợ thông tin.
Huệ Phạm