Viêm họng cấp ở trẻ nhỏ phải làm sao?
Bệnh viêm họng cấp là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa lạnh. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách thì chứng bệnh này sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, khiến cho tình trạng bệnh của con bạn có nguy cơ biến chứng và dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau. Vậy viêm họng cấp ở trẻ nhỏ thì phải làm sao?
Viêm họng cấp ở trẻ nhỏ phải làm sao?
Bệnh viêm họng cấp là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa lạnh. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách thì chứng bệnh này sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, khiến cho tình trạng bệnh của con bạn có nguy cơ biến chứng và dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau. Vậy viêm họng cấp ở trẻ nhỏ thì phải làm sao? Hôm nay, HoiBenh sẽ cùng các mẹ tìm hiểu về các biện pháp điều trị viêm họng cấp cho trẻ nhỏ.
Dấu hiệu trẻ nhỏ bị viêm họng cấp
Viêm họng cấp ở trẻ em có thể do virus hoặc vi khuẩn. Thông thường, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị viêm họng cấp có những biểu hiện dễ nhận thấy như:
Đối với trẻ nhỏ, biểu hiện khi bị viêm họng cấp thường là: đau rát cổ họng, nói khó, nuốt vướng, sốt, chảy nước mũi, nôn trớ,...
Đối với trẻ sơ sinh, khi chưa có khả năng diễn đạt bằng lời, trẻ thường có biểu hiện quấy khóc liên tục, bỏ bú, thân nhiệt tăng cao, đôi khi có thể sốt cao lên đến 39 – 40 độ C.
Ngoài ra, đối với một số trường hợp nếu viêm họng do virus và liên cầu khuẩn gây ra có thể khám họng thấy: tuyến amidan sưng to, đỏ, có hạch ở cổ; trẻ cảm thấy đau đầu, nôn ói,...thì hãy cẩn thận vì trường hợp này có thể nguy hại đến tính mạng.
Nếu trẻ bị sốt dưới 38 độ C, các mẹ có thể áp dụng một số cách hạ sốt và chăm sóc trẻ cẩn thận để chữa viêm họng cấp tại nhà sau mà không cần dùng thuốc.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm họng cấp
Khi mắc phải bệnh viêm họng cấp thì không chỉ đơn thuần bệnh gây nên những dấu hiệu ảnh hưởng tới sức khỏe như sốt cao, đau rát cổ họng, gây ho khan, ho có đờm, ù tai đau đầu... Mà khi trẻ bị viêm họng cấp mà không được điều trị kịp thời thì có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như: Gây nên bệnh viêm amidan mãn tính, viêm thanh quản, viêm hạch mủ, nguy hiểm hơn là có thể gây nhiễm trùng máu.
Đặc biệt hơn nữa nguyên nhân gây viêm họng cấp là do nhiễm trùng liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A có thể đe dọa trực tiếp tới sức khỏe khi gây ra bệnh viêm cầu thận cao, gây bệnh thấp tim làm chậm quá trình phát triển của trẻ cũng như nguy hiểm hơn có thể gây tử vong.
Viêm họng cấp có quá trình diễn biến phức tạp vì thế các mẹ cần chú ý hơn tới bệnh và tìm hướng điều trị bệnh sớm nhất bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Viêm họng cấp ở trẻ nhỏ phải làm sao?
Khi trẻ bị viêm họng cấp, cần phải cho trẻ nghỉ ngơi, giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là giữ ấm cho các bộ phận cổ, ngực, bàn chân. Đồng thời nên cung cấp cho trẻ nhiều vitamin C bằng cách ăn các hoa quả như cam, quýt, bưởi hoặc viên uống, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nếu trẻ có triệu chứng trở nặng, lâu khỏi, sốt cao trên 38độ C cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ để chỉ định cho thuốc uống, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị.
Nếu viêm họng cấp do virus gây ra, điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả nên chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cần cho trẻ súc miệng, súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ. Cần uống đủ liều, dù các triệu chứng đã biến mất, để đề phòng kháng thuốc.
Trẻ có biến chứng thấp tim cần được điều trị chu đáo, phải theo dõi điều trị hàng tháng.
Phòng bệnh viêm họng cấp cho trẻ
Giúp bé vệ sinh họng, răng, miệng hàng ngày như: đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.
Tránh cho trẻ uống nước quá lạnh hoặc quá nóng.
Với phòng ngủ, cần thoáng mát, nếu có điều hòa nhiệt độ cần giữ ở mức khoảng 24 – 26°C. Nếu sử dụng quạt, nên cho trẻ nằm quạt tốc độ lớn trong thời gian ngắn giúp trẻ dễ ngủ, sau đó giảm dần cường độ, quạt phải luôn được quay thay đổi hướng gió.
Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, tốt nhất là nước đun sôi để nguội, đánh răng sau mỗi bữa ăn, tập thể dục.
Tập thói quen rửa tay trước khi ăn và rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhỏ còn bú mẹ, cần thực hiện tốt chế độ nuôi dưỡng tốt, dinh dưỡng cân bằng, đủ dưỡng chất, uống vitamin A đầy đủ theo hướng dẫn, tắm nắng chống còi xương, suy dinh dưỡng.
Luôn giữ cho trẻ ấm áp, tránh gió lùa, tránh tập trung nơi đông người, tránh nơi môi trường bị ô nhiễm, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói bụi.
Cho bé uống thuốc đúng cách
Đa số các bậc cha mẹ đều cảm thấy rất khó khăn và vất vả khi cho con nhỏ uống thuốc. Vài bí quyết nhỏ dưới đây có thể giúp bạn làm việc này đơn giản hơn:
Bạn nên cho bé uống thuốc cách xa bữa ăn nếu không muốn bé nôn sẽ ra hết cả phần thức ăn đó.
Chỉ cho bé uống thuốc khi thật sự cần thiết.
Báo với bác sĩ “khẩu vị” của bé (thích chua, ngọt, mùi dâu, táo...) để họ có thể cho bé những loại thuốc có mùi vị mà bé thích.
Cho bé uống thuốc từ từ, từng chút một. Nếu bé nôn ra thì cho uống lại liền sau đó. Đối với những bé còn ẵm ngửa thì cha mẹ nên cho uống thuốc bằng xilanh, bơm từng chút một để bé nuốt dần. Khi bé lớn hơn, có thể dụ bé bằng cách đút một muỗng thuốc kèm theo sau muỗng thức ăn mà bé thích.
Có bé rất thích bắt trước người lớn nên cha mẹ nên làm ra vẻ cùng uống thuốc với trẻ.
Hoan hô, tán thưởng bé sau mỗi muỗng thuốc uống vào thành công.
Không pha thuốc vào sữa, vào thức ăn để lừa bé. Tránh trường hợp bé sợ thuốc, sợ luôn thức ăn và sữa.
Những bé còn quá nhỏ chỉ có thể uống các loại thuốc ở dạng bột, siro hoặc viên sủi. Do đó cha mẹ nên tán nhuyễn thuốc trước khi cho bé uống, nếu không trẻ dễ bị sặc.
Với những bé khó nạp thuốc bằng đường uống (trẻ luôn nôn ra với bất kỳ loại thuốc nào) thì cha mẹ nên cho bác sĩ biết để tìm giải pháp khác như nhét vào hậu môn hoặc thuốc tiêm.