Thủy đậu: Phương thức lây và cách ngừa lây thủy đậu
Mùa xuân là thời điểm mà thủy đậu bùng phát và lây lan mạnh nhất trong năm. Loại bệnh này do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây và có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu không được phòng ngừa đúng cách.
Thủy đậu: Phương thức lây và cách ngừa lây thủy đậu
HoiBenh sẽ giới thiệu tới độc giả những phương thức lây nhiễm và cách ngừa lây thủy đậu.
Thủy đậu lây nhiễm như thế nào?
Virus gây bệnh thủy đậu (virus Varicella Zoster) thường lây chủ yếu qua đường hô hấp (hay còn gọi là lây qua không khí). Những người bình thường dễ bị nhiễm thủy đậu nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc bị chảy nước mũi, nhất là đối với trẻ em.
Ngoài ra, thủy đậu còn có cách lây nhiễm khác nếu người thường không cẩn thận khi tiếp xúc với các bệnh nhân như: lây từ mụn nước bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương, bị gãi loét của người bệnh. Trường hợp này còn nặng hơn đối với phụ nữ mang thai, bà bầu sẽ lây thủy đậu cho thai nhi thông qua nhau thai.
Thủy đậu thường có triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, ở trẻ em thường có những triệu chứng nặng hơn do sức đề kháng yếu hơn. Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các nốt đỏ, phồng lên thành mụn nước, nó xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi nhiễm thủy đậu và xuất hiện ở khắp cơ thể. Với những người bình thường, thủy đậu có thể tự khỏi trong vòng 4 đến 5 ngày nhưng với trẻ em thì lâu hơn, khoảng 5 đến 10 ngày, dẫn tới phải nghỉ học và cách ly hoàn toàn.
Thường thì thủy đậu là bệnh lành tính nhưng với một số trường hợp, thủy đậu sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm mô tế bào, viêm gan... Một số trường hợp còn có thể tử vong do không điều trị kịp thời, với phụ nữ mang thai thì thai nhi dễ bị dị tật bẩm sinh sau khi chào đời.Làm sao để tránh lây thủy đậu?
Để đảm bảo được sức khỏe cho chính bệnh nhân và những người xung quanh, khi phát hiện có người bị thủy đậu cần thực hiện một số cách ngừa lây thủy đậu như sau:
- Cách ly bệnh nhân với những người xung quanh: Vì thủy đậu có thể lây lan qua đường hô hấp và da tiếp da thế nên phải tiến hành cách ly người bệnh cho tới khi khỏi hẳn. Người bệnh nên nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng trong khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày kể từ lúc chính thức phát bệnh cho đến khi các nốt mụn nước vỡ ra, khô lại.
- Người bị thủy đậu nên sử dụng các vật dụng cá nhân riêng biệt khi sinh hoạt như: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa, thìa...
- Thường xuyên vệ sinh thân thể: Bằng cách vệ sinh mũi họng mỗi ngày bằng dung dịch muối sinh lý; thay quần áo và tắm rửa bằng nước ấm trong phòng tắm; mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng và thay giặt thường xuyên; cắt gọn móng tay để tránh tích tụ vi khuẩn và khi gãi không gây ra đau rát
- Bổ sung thêm vitamin C thông qua nước hoa quả, ăn các thực phẩm mềm, lỏng và dễ tiêu. Đặc biệt là phải uống thật nhiều nước.
- Có thể dùng dung dịch xanh Methylene để chấm lên các nốt mụn nước đã vỡ. Đây là cách hiệu quả nhất và được nhiều người dùng.
- Tuyệt đối không sử dụng Aspirin để hạ sốt, nên dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng cần có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Nếu bệnh nhân có biến chứng nặng phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị.
- Đối với những người xung quanh bệnh nhân thủy đậu thì cần hạn chế tiếp xúc, khi cần thì phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng. Với phụ nữ mang thai phải tuyệt đối tránh tiếp cận người bệnh.
- Vệ sinh phòng của người bệnh thật sạch sẽ bằng cách lau sàn, bàn ghế, tủ và giường,... của người bệnh bằng nước Javel hoặc dung dịch Cloramin B mỗi ngày, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
- Tiến hành tiêm ngừa vắc xin thủy đậu với phụ nữ chuẩn bị mang thai, trẻ nhỏ, không tiêm vắc xin cho phụ nữ đang mang thai.
Để có sức đề kháng tốt và không bị nhiễm thủy đậu, các bạn có thể áp dụng các cách ngừa lây thủy đậu như trên. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm từ các bác sĩ, các nhân viên y tế để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa.