Những dấu hiệu điển hình khi chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung (hay chửa ngoài dạ con) là tình trạng trứng sau khi thụ tinh tại 1/3 ngoài của vòi tử cung (vòi trứng) không chuyển được vào buồng tử cung như bình thường mà lại phát triển tại một vị trí nào đó.
Những dấu hiệu điển hình khi chửa ngoài tử cung
Vị trí thường gặp nhất vẫn ở vòi tử cung (trên 90% các trường hợp), nhưng cũng có thể gặp chửa ngoài tử cung ở ngay buồng trứng hoặc trong ổ bụng.
Nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung
Thông thường nhất là do viêm nhiễm vòi tử cung làm cho vòi này bị chít hẹp lại. Có khi do khối u ở trong hay ngoài vòi tử cung chèn ép làm cho lòng vòi hẹp lại. Lại có khi do nhu động của vòi tử cung thay đổi khiến trứng đã thụ tinh bị dừng lại trên đường di chuyển vào buồng tử cung hoặc có khi lại di chuyển ngược ra phía ổ bụng. Cũng có khi do vòi tử cung quá nhỏ hẹp ở người có bộ phận sinh dục không bình thường...
Chửa ngoài tử cung có thể gặp ở phụ nữ từ tuổi dậy thì đến tuổi mãn kinh nhưng gần một nửa số chửa ngoài tử cung ở lứa tuổi 20-29; đặc biệt hay gặp ở những người lấy chồng nhiều năm chưa sinh đẻ, người đã điều trị viêm nhiễm đường sinh dục và những người đã từng bị chửa ngoài tử cung trước đó.
Cách nhận biết
Dấu hiệu đầu tiên của chửa ngoài tử cung là sau khi thấy chậm kinh từ 1 đến 8 tuần, người bệnh thấy đau bụng và chảy máu từ âm đạo. Lúc đầu chỉ âm ỉ ở bụng dưới và thường ở bên vòi tử cung có thai. Nếu người phụ nữ mải làm việc thì có khi không thấy cảm giác đau nữa nhưng khi nghỉ ngơi lại thấy đau. Nguyên nhân là do khối thai nằm trong vòi tử cung lớn dần lên làm vòi tử cung giãn rộng ra và nếu giãn đến mức nào đó, vòi tử cung sẽ vỡ, gây chảy máu ào ạt; nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Lúc vòi tử cung bị vỡ sẽ gây tình trạng đau dữ dội, có khi làm bà mẹ ngã ngất ngay tại chỗ.
Cùng với đau bụng, người phụ nữ còn thấy máu từ tử cung chảy ra với lượng máu chảy rất ít, chỉ thấm khăn vệ sinh, máu thường thẫm màu và có thể lợn cợn các cục máu đông nhỏ. Chảy máu dạng này khác với chảy máu do dọa sảy thai (lượng máu nhiều hơn, màu máu thường đỏ tươi, lẫn chất nhày và dịch ối) kèm theo tình trạng đau bụng từng cơn mỗi lúc một tăng lên do tử cung co bóp gây sảy thai.
Về xét nghiệm, việc thử nước tiểu để xác định thai nghén như có thai thông thường chỉ nhằm khẳng định người phụ nữ đang có thai chứ không thể biết thai đó ở trong hay ngoài tử cung. Làm siêu âm có giá trị hơn khi trên màn hình không thấy phôi thai nằm trong buồng tử cung và có thể thấy khối thai nằm bên ngoài.
Xử trí tại cơ sở y tế
Đã bị chửa ngoài tử cung thì chỉ có cách gần như duy nhất là mổ, đặc biệt là khi chửa ngoài tử cung đã bị vỡ. Trong trường hợp này nếu không được mổ sớm người bệnh rất dễ tử vong do choáng mất máu. Hiện nay trong điều kiện nếu được phát hiện sớm và ở các cơ sở y tế có điều kiện, thầy thuốc có thể điều trị nội khoa, dùng thuốc làm khối thai ngoài tử cung bị hư không phát triển được nữa, nhưng cách điều trị này chỉ có thể thực hiện được ở các cơ sở chuyên môn cao, thầy thuốc có kinh nghiệm và phương tiện, thuốc men đầy đủ.
Theo SK&ĐS
Xem thêm:
- Bị mang thai ngoài tử cung phải làm sao?
- Thai ngoài tử cung vỡ ảnh hưởng như thế nào và cách xử lý?