Nguy cơ đau nhức xương khớp vào mùa xuân, làm sao để phòng ngừa?
Theo y học cổ truyền, đau nhức xương khớp thuộc phạm trù tý chứng. “Tý” có nghĩa là “tắc”, như vậy do khí huyết không vận hành trơn tru trong hệ thống kinh mạch, ứ trệ ở xương khớp mà sinh ra đau nhức. Vậy làm sao để phòng tránh được những nguy cơ đau nhức xương khớp trong dịp đầu xuân?
Nguy cơ đau nhức xương khớp vào mùa xuân, làm sao để phòng ngừa?
Theo y học cổ truyền, đau nhức xương khớp thuộc phạm trù tý chứng. “Tý” có nghĩa là “tắc”, như vậy do khí huyết không vận hành trơn tru trong hệ thống kinh mạch, ứ trệ ở xương khớp mà sinh ra đau nhức. Do trời lạnh ẩm, các tà khí như phong hàn, thấp, nhiệt xâm phạm vào cơ thể, khớp xương, kinh lạc làm cho sự vận hành của khí huyết tắc lại. Gây ra các chứng sưng, nóng, đỏ, đau ở các khớp hoặc tái phát bệnh. Vậy làm sao để phòng tránh được những nguy cơ đau nhức xương khớp trong mùa xuân? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của HoiBenh nhé!
Xuân về, xương khớp đau
Người bệnh thường sẽ cảm thấy cảm giác đau nhức xuất hiện nhiều hơn tại các khớp, cảm giác đau dữ dội nhất vào lúc nửa đêm về sáng thường gặp trong thoái hóa khớp và thoát vị đĩa đệm. Thậm chí các triệu chứng có thể là sưng đau nhiều khớp, các khớp tấy đỏ và cử động khó khăn thường gặp trong viêm khớp dạng thấp và tổn thương khớp do bệnh gout. Các triệu chứng này thường gặp vào đầu mùa xuân làm cho thời điểm ngay sau Tết Nguyên Đán lượng bệnh nhân tại các khoa Cơ-xương-Khớp tại các bệnh viện tăng lên đáng kể.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng đau nhức xương khớp, có lẽ cả Đông y và Tây y đều gặp nhau ở vấn đề thời tiết. Nền nhiệt thấp là điều kiện lý tưởng để phong, hàn xâm nhập cơ thể, và lưu trú ở những khớp xương làm kinh lạc kém thông gây sưng, đau.
Do thay đổi thời tiết giữa hai mùa đông - xuân. Chính những biến đổi về nhiệt độ, độ ẩm là những ảnh hưởng không tốt đến dịch bao khớp và các thành phần quanh khớp. Thường vào mùa đông với nhiệt độ thấp, khí hậu lạnh và khô thì khi chuyển sang mùa xuân nhiệt độ lại tăng dần, độ ẩm cao. Hơn nữa cái lạnh của mùa đông không chấm dứt hẳn mà thường kéo dài sang cả mùa xuân, kết hợp với mưa xuân làm cho độ ẩm không khí cao hơn. Thủy thấp tích tụ và hình thành xâm nhập vào các khớp, kích hoạt phản ứng viêm gây ra đau nhức khớp nặng hơn (dân gian thường gọi là bệnh phong thấp hay thấp khớp).
Những ai có nguy cơ bị đau nhức xương khớp dịp đầu xuân
Thông thường, khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mưa nhiều, lạnh, rét người bị bệnh về xương khớp hay bị đau nhức, tê buốt, có cảm giác khó chịu ở các khớp xương, dai dẳng ám ảnh, nhất là về đêm. Khi có các triệu chứng đau nhức xương khớp xảy ra ở bất kỳ vị trí nào cũng đều làm cản trở các hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những người có nguy cơ bị đau nhức xương khớp thường là những người mắc các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến xương khớp như:
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp được xem là căn bệnh phổ biến nhất gây ra triệu chứng đau nhức xương khớp. Sụn khớp và xương dưới sụn theo thời gian sẽ bị tổn thương. Cơn đau thường tăng nặng mỗi khi khớp cử động, giảm khi được nghỉ ngơi. Mỗi khi thời tiết thay đổi hay khi trời trở lạnh cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi sáng sau khi thức dậy còn có biểu hiện cứng khớp nhưng sẽ trở lại bình thường sau vài phút vận động. Sụn và xương dưới sụn bị tổn thương càng nặng thì cảm giác đau nhức hoặc cứng khớp càng nhiều và dai dẳng hơn, làm hạn chế vận động.
Viêm khớp dạng thấp
Ngoài thoái hóa khớp, những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có các triệu chứng đau nhức xương khớp vào dịp đầu xuân khi trời lạnh. Ở bệnh viêm khớp dạng thấp, các cơn đau thường xảy ra ở nhiều khớp nhỏ và mang tính đối xứng nhau. Ví dụ như đau ở cả hai đầu gối, hai ngón tay cùng vị trí ở cả hai bàn tay, kèm theo đó là hiện tượng sưng, nóng, đỏ. Ngoài ra, người bệnh còn gặp hiện tượng cứng khớp, khó cử động vào mỗi sáng sau khi ngủ dậy, hiện tượng này thường kéo dài hàng giờ.
Bệnh gout
Người mắc bệnh gout cũng xuất hiện các triệu chứng đau nhức xương khớp. Bệnh thường gây đau nhức, kèm sưng, nóng, đỏ ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp là khớp ngón chân, cổ chân, gối, và khớp bàn tay. Cơn đau thường xuất hiện về đêm, cường độ đau tăng dần đến mức bệnh nhân không thể chịu đựng nổi, có thể kèm theo sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi.
Tràn dịch khớp gối
Người bị tràn dịch khớp gối sẽ có biểu hiện sưng nề ở khớp gối, một bên gối này sẽ to hơn bên gối còn lại. Do lượng dịch trong khớp tăng lên nên làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp, khớp cử động không được linh hoạt, cử động bị hạn chế. Tràn dịch khớp gối còn khiến người bệnh không di chuyển được, làm giảm chức năng vận động khớp gối, gây đau nhức, sưng viêm...
Ở những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu quần áo ấm, thiếu chăn, nhà ở không kín gió, kèm theo ăn uống thiếu cả lượng và chất mà lại mắc các chứng bệnh đau nhức xương khớp thì sẽ càng bị bệnh hành hạ nhiều hơn, gây khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, ở một số người cao tuổi bị loãng xương cũng gây nên đau nhức xương khớp hoặc ở người thừa cân, béo phì cũng sẽ tác động xấu đến các khớp chịu lực. Điều đáng lưu ý là khi càng bị đau nhức xương khớp, người bệnh lại càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động và càng dẫn đến cứng khớp.
Phòng chống bệnh xương khớp đau tăng trong mùa lạnh
Giữ ấm cơ thể
Như vậy, trong những ngày đầu xuân để giảm bớt tỷ lệ tái phát bệnh và các triệu chứng đau nhức xương khớp cho người bệnh đặc biệt là người già thì cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, không nên ra ngoài vào lúc trời mưa và độ ẩm không khí cao.
Làm việc vừa sức
Dù muốn làm việc gì, ta cũng cần nhớ phải luôn giữ cho lưng thẳng, không nên khom cúi lưng. Muốn khiêng một vật nặng phải biết tự lượng sức mình, có thể cần phải huy động nhiều người giúp đỡ. Khi khiêng, cần chùng gối xuống để phân phối sức nặng lên hai đùi, giữ cho lưng luôn thẳng, như vậy sẽ làm giảm được lực tải lên cột sống thắt lưng, nhờ đó tránh được các bệnh lý giãn dây chằng, thoát vị đĩa đệm cột sống...
Chế độ luyện tập tốt
Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe và chức năng xương khớp, đẩy lùi tà khí độc lưu trú trong các khớp xương, giúp giảm đau nhức xương khớp.
Đi bộ và leo núi vừa phải không nên leo bậc thang nhiều đặc biệt với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối.
Ngồi đúng tư thế khi làm việc
Khi làm các công việc cần phải ngồi thì nên ngồi trên ghế cao, làm việc trên bàn, hoặc đứng làm thì sẽ tốt hơn ngồi xổm hay ngồi ghế đòn thấp, vì khi khớp gối bị gấp quá mức sẽ làm tăng lực tải lên khớp, đồng thời làm cho hệ thống các gân cơ, dây chằng của khớp gối căng quá mức từ đó sẽ gây ra đau nhức khớp.
Đối với các bạn làm văn phòng, ít vận động cũng có thể gặp các chứng bệnh đau lưng, nhức khớp vào dịp giao mùa tương tự như ở các bà nội trợ, khi họ phải ngồi lì bên bàn giấy suốt cả ngày. Do đó, dù cho ta làm công việc gì, cứ sau khoảng 30 phút thì nên thay đổi tư thế một lần, vận động cơ thể cho giãn gân, giãn cốt rồi mới làm tiếp. Như vậy sẽ giúp cho hệ thống các gân cơ, dây chằng có thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục trước khi phải tiếp tục làm việc trở lại, tránh gây ra quá tải cho cột sống và các khớp xương, tránh được đau lưng nhức khớp.
Ăn uống đầy đủ dưỡng chất cho xương khớp
Chế độ ăn nhiều rau quả, đủ năng lượng (đạm, tinh bột...), vừa đủ chất béo giúp cung cấp dinh dưỡng cho sức khỏe của khớp xương. Người bệnh cần tránh ăn quá mặn, quá ngọt, tránh rượu bia và chất kích thích thần kinh vì chất này gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị.
Sử dụng các bài thuốc nam hay một số mẹo dân gian
Người bệnh nên tìm các cây thuốc thảo dược có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau như: lá lốt, ngải cứu, gừng, quế... để giúp giảm các triệu chứng đau nhức.
- Đắp lá ngải cứu: Lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi đổ nước nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Với những người có nguy cơ cao bị đau khớp (người lớn tuổi, người béo phì...) có thể dùng bài thuốc này chườm lên khớp hằng ngày sẽ có tác dụng phòng bệnh.
- Ngâm chân bằng nước muối ấm pha gừng hay lá lốt: Mỗi ngày, tốt nhất ngâm chân một lần vào thời gian thuận lợi, ngâm từ 15-30 phút. Sẽ có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân. Ngâm chân bằng nước ấm hằng ngày vào buổi tối không chỉ có lợi cho chân mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân.
Ngoài việc dùng các bài thuốc dân gian, có thể kết hợp cùng các biện pháp Đông y như vật lý trị liệu, xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt để cải thiện vận động. Có nhiều bài thuốc Đông y trị đau nhức xương khớp hiệu quả, quan trọng là cần xác định đúng nguyên nhân mới có thể áp dụng bài thuốc Đông y để chữa bệnh thích hợp.
Biến chứng của đau nhức xương khớp
- Gây biến dạng khớp, giảm khả năng lao động
- Có thể gây ra tình trạng tê bì và nhức mỏi chân tay
- Làm liệt khớp, đau, teo cơ
- Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
- Gây ung thư xương, tàn phế
Khi chữa các bệnh về xương khớp, các phương pháp chữa đều nhằm lưu thông khí huyết ở gân cơ xương, đưa tà khí (phong hàn, thấp nhiệt) ra ngoài, bồi bổ khí huyết can thận để chống tái phát (vệ khí cũng do thận sinh ra) và để chống lại các hiện tượng thoái hóa khớp, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp nhằm hồi phục chức năng bình thường của các khớp xương.
Bị đau nhức về xương khớp, nhất là vào dịp đầu xuân, người bệnh nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được xác định nguyên nhân và có chỉ định điều trị sớm. Bệnh nhân không nên chủ quan, xem thường và càng không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình (nếu không am hiểu về chuyên môn y học). Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Bài viết được bác sĩ Đông y bảo trợ thông tin
Huệ Phạm