Mẹ bầu ơi, ăn trứng quá nhiều không tốt đâu!
Trứng là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và là món ăn tẩm bổ không thể thiếu trong thời kì mang thai. Nhưng mẹ bầu ơi, ăn trứng quá nhiều không tốt đâu.
Mẹ bầu ơi, ăn trứng quá nhiều không tốt đâu!
Trứng là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày do vậy rất nhiều bà bầu đã lựa chọn trứng như trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng, trứng cút,... là thực phẩm tẩm bổ hàng đầu trong thời kì mang thai. Tuy nhiên, ăn trứng quá nhiều không tốt cho bà bầu và sức khoẻ thai nhi. Không ít người đã lạm dụng trứng, tẩm bổ một cách vô tội vạ, ngày nào cũng sử dụng trứng với phương châm “thừa hơn thiếu”, thậm chí sử dụng trứng theo những cách thiếu khoa học, dẫn đến phản tác dụng gây những hậu quả không tốt cho cả mẹ và bé.
Vì sao bà bầu không nên lạm dụng trứng?
Ăn quá nhiều trứng có thể gây dư thừa cholesterol, chất béo làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, các bệnh về tim, cao huyết áp, xơ gan, béo phì,...Thai phụ nếu lạm dụng trứng, chỉ ăn trứng mà không sử dụng đa dạng các nguồn thực phẩm có thể dẫn đến em bé trong bụng bị suy dinh dưỡng, phát triển không toàn diện.
Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều phụ nữ mang thai cho rằng phải ăn nhiều trứng, đặc biệt là trứng ngỗng để đẻ con trắng trẻo, thông minh. “Ăn 7 trứng ngỗng sẽ sinh con trai, ăn 9 trứng ngỗng sẽ sinh con gái” hay “Mẹ ăn trứng ngỗng sẽ đẻ con thông minh và có đôi mắt to đẹp”, “sinh con chân dài”,...đó đều là những lời đồn không có căn cứ khoa học, và cũng chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định: bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ tốt hơn các loại trứng gia cầm khác. Ngược lại trứng ngỗng chỉ hiếm chứ không quý và còn kém trứng gà về mặt giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên rất nhiều bà bầu vẫn tin vào những quan niệm đó mà lạm dụng trứng ngỗng, thậm chí ăn 2 quả trứng ngỗng cùng lúc, dù ngán cũng nhắm mắt ăn hết hi vọng con sinh ra sẽ được thông minh, khỏe mạnh, mà không nghĩ đến hậu quả của lạm dụng trứng.
Đối với trứng vịt lộn, nếu ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí có thể ảnh hưởng trầm trọng tới thai nhi trong bụng, bởi trứng lộn rất giàu vitamin A và beta-carotene. Vitamin A cần thiết cho sự phát triển của em bé trong bụng, nhưng nếu dư thừa có thể khiến thai nhi bị ngộ độc, dị dạng, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kì.
Bà bầu nên ăn trứng như thế nào?
Bà bầu nên lựa chọn trứng tươi, trứng “sạch”, có nguồn gốc an toàn để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Nên nhớ, trứng càng tươi càng tốt, trứng để quá một tuần hàm lượng dinh dưỡng cũng giảm dần đi. Nên ăn 3 - 4 quả trứng gà hoặc trứng vịt mỗi tuần.
- Đối với trứng ngỗng: các thai phụ có thể ăn 3 tháng một quả, nhưng không nên ăn nhiều cùng một lúc mà nên chia thành 2 - 3 lần ăn cho đỡ ngán, và cũng dễ tiêu protein trong trứng hơn.
- Với trứng vịt lộn: chỉ nên ăn 2 quả một tuần. Thông thường, trứng vịt lộn được ăn kèm với rau răm, gừng, tiêu nhưng các loại gia vị này dùng nhiều đều không tốt cho thai phụ, dễ làm tăng nguy cơ sảy thai. Vì thế các bà bầu chỉ nên dùng kèm một chút gia vị khi ăn trứng lộn.
- Ăn trứng cút như thế nào? - trứng cút cũng là một thực phẩm rất bổ dưỡng vì nó cũng chứa các loại chất dinh dưỡng tương tự như trứng gà, trứng vịt nhưng hàm lượng chất béo ít hơn, do vậy cũng rất tốt cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người bị dị ứng với trứng gà. Đối với trứng cút, thai phụ có thể ăn 12 - 16 quả trứng mỗi tuần, nếu ăn với lượng lớn hơn một chút cũng không là vấn đề lớn.
- Ăn trứng sống sẽ bổ dưỡng hơn? - Bà bầu không nên ăn trứng sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn đặc biệt là vi khuẩn Salmonella - một yếu tố gây ngộ độc rất nguy hiểm. Ăn trứng sống còn khiến cơ thể không hấp thu được hết các dưỡng chất vốn có trong trứng, gây rối loạn tiêu hóa.
Trứng tốt nhất nên được chế biến bằng cách luộc để giữ được nguồn dinh dưỡng vốn có của trứng, và cơ thể cũng dễ hấp thụ các dưỡng chất ấy hơn. Lưu ý khi luộc trứng: Trứng vừa lấy ở tủ lạnh ra không nên luộc ngay, cũng không nên ngâm trong nước nóng hay luộc bằng lửa quá to vì dễ gây vỡ trứng, hoặc không chín lòng đỏ. Lúc luộc trứng, có thể cho thêm một ít muối để giữ cho trứng không bị vỡ và dễ bóc vỏ hơn. Sau khi nước sôi, đun thêm khoảng 5 - 7 phút nữa. Nếu đun sôi trứng quá 10 phút, phần bên trong quả trứng sẽ xảy ra các phản ứng hóa học tạo ra các chất không tốt cho sức khỏe.
Trứng là loại thực phẩm rất bổ dưỡng, tuy nhiên các mẹ bầu không nên chỉ sử dụng trứng làm món ăn hàng ngày. Thay vào đó, nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm để có thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của em bé.
Chúc mẹ tròn con vuông!
Cám ơn đã đọc bài viết!