Mẹ bầu biết gì khi khám thai tuần 22?
Lần siêu âm 3D, 4D thứ 2, khi thai được 22-23 tuần tuổi, đây có thể nói là tuần siêu âm quan trọng nhất. Vậy mẹ bầu sẽ biết được những gì khi đi khám thai tuần 22?
Mẹ bầu biết gì khi khám thai tuần 22?
Sự phát triển thai nhi 22 tuần tuổi
Thai nhi 22 tuần tuổi nặng khoảng 360g và cao khoảng 27 - 28 cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân.
Tất cả các cơ quan của cơ thể bé đã hình thành và phát triển. Lông mày và mí mắt đã hoàn thiện trở nên khác biệt và rõ nét hơn, tuy nhiên, con ngươi của mắt vẫn còn thiếu sắc tố.
Và móng tay đã ôm kín các đầu ngón tay của bé, các chồi răng nhỏ xíu dưới nướu răng dần xuất hiện.
Thai nhi 22 tuần tuổi, cơ thể bé vẫn rất nhỏ nên trên da còn nhiều nếp nhăn, bởi bé chưa đủ trọng lượng để làm căng da. Và bao phủ cơ thể là một lớp lông tơ (lông măng) giúp điều hòa nhiệt độ và bảo vệ các tế bào da bề mặt bên ngoài. Lớp lông tơ này sẽ rụng dần vào những giai đoạn sau của thai kỳ.
Nhờ các dây thần kinh đã kết nối chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất, bé biết phản ứng một cách có chủ đích hơn. Bé thường xuyên cử động như uốn mình, đạp, quẫy... nhằm giúp hệ cơ xương phát triển chắc khỏe và phần nào 'tập dượt' khi chào đời.
Ở giai đoạn này, các cơ quan nội tạng đã hình thành và phân chia khá rõ rệt nên có thể dễ dàng quan sát.
Cơ thể người mẹ thay đổi như nào khi thai 22 tuần tuổi
Khi cân nặng của thai nhi 22 tuần tuổi tăng thì cũng là lúc cơ thể mẹ tăng từ 4 - 6 kg, vì vậy việc mẹ bầu cảm thấy nặng nề và có thể xuất hiện một số vết rạn ở mông, đùi, ngực hay chân...
Tùy vào cơ địa, mỗi mẹ bầu lại gặp những hiện tượng khác nhau, tuy nhiên, giai đoạn này mẹ bầu còn phải đối mặt với chứng phù nề. Để giảm thiểu phù nề, bà bầu nên nằm nghiêng bên trái hoặc kê cao chân, duỗi chân thẳng ra trước, tránh ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu, tập thể dục nhẹ nhàng buổi sáng để tăng lưu thông máu, uống nhiều nước, mang giày rộng rãi thoải mái.
Và do tác động của hormone thai kỳ nên các mẹ bầu có thể cảm thấy các khớp tay chân lỏng lẻo, vụng về hơn.
>>> Xem thêm: Cần thăm khám những gì trước khi mang thai?
Khám thai 22 tuần tuổi
Khám thai tuần 22, mẹ bầu sẽ được kiểm tra tim, phổi, huyết áp, đo chiều cao tử cung, độ lớn vòng bụng, cân nặng, siêu âm thai 4D, xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, xét nghiệm máu (theo chỉ định của bác sĩ)...
Thai nhi 22 tuần tuổi cơ thể bé đã gần như hoàn thiện nhưng chưa quá lớn để gây chật chội buồng ối, khiến một số bộ phận bị khuất lấp, khó phát hiện, bên cạnh đó, nước ối nhiều nên siêu âm dễ dàng quan sát hơn những tuần lễ sau.
Vì vậy khám thai 22 tuần tuổi với mốc siêu âm 3D, 4D có thể nói quan trọng nhất để bác sĩ chẩn đoán tình trạng thai và nhất là khảo sát các dị tật thai nhi. Ngoài ra, các bất thường về nước ối, bánh rau... cũng có thể được phát hiện.
Thông thường khám thai 22 tuần sẽ tiến hành 2 bước kiểm tra sau:
Bước 1: Siêu âm 3D hoặc 4D để kiểm tra được hình thái hoàn thiện của thai nhi và phát hiện những dị tật ở bên ngoài. Thông qua máy siêu âm 4D cha mẹ có thể nhìn thấy rõ ràng hình hài của thai nhi, các ngón chân ngón tay...
Bác sĩ sẽ tiến hành đo đường kính sọ não, đo độ dài của các đốt ngón chân, ngón tay đồng thời xác định chính xác sự xuất hiện và tình trạng của các cơ quan bên trong cơ thể bé như: tim, phổi, dạ dày...
Nhờ việc siêu âm sẽ nhanh chóng phát hiện các dị tật như: tim bẩm sinh, hởi hàm ếch, dị dạng ở các chi hoặc nội tạng (nếu có)...
Bước 2: Kiểm tra thai máy: ít nhất là 3 lần trong một ngày. Các mẹ cần phải tuyệt đối lưu ý đến vấn đề này, chịu khó quan sát đến những chuyển động của bé hằng ngày, nếu thấy bé máy quá ít hoặc quá nhiều và cảm thấy lo lắng mệt mỏi cũng cần kịp thời hỏi ý kiến các bác sĩ để được tư vấn.
Có thể nói mốc siêu âm thai 22 tuần đặc biệt quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai, thì phải làm trước tuần 28. Vì vậy, sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, bác sĩ cần phải tiến hành hàng loạt các xét nghiệm khác để quyết định có nên bỏ thai hay không.
Hoặc sau thời gian đó, nếu buộc phải kích thích đẻ non thì thai dị tật này vẫn có thể sống, hoặc thậm chí sẽ không thể tiến hành đình chỉ thai.
Sau lần siêu âm này bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể:
Nếu thai có dấu hiệu gì bất thường, bác sĩ sẽ hẹn bạn vào thời gian cụ thể để siêu âm lại hay tiến hành xét nghiệm cụ thể chi tiết hơn để xác minh tình trạng của thai nhi.
Nếu tình trạng bình thường, mẹ bầu có thể yên tâm, tiếp tục dưỡng thai cho tới đợt siêu âm chốt vào tuần 32-33.
Giải đáp một số câu hỏi về khám thai tuần 22
Bạn đọc giấu tên gửi băn khoăn tới HoiBenh như sau: Bác sĩ cho cháu hỏi là: Ngày dự sinh theo chu kì kinh cuối là chuẩn hay theo siêu âm là chuẩn không ạ? Theo như chu kì kinh cuối thì đầu tháng 6 cháu sinh còn theo siêu âm thì đầu tháng 7. Theo như hôm qua cháu đi siêu âm được 22 tuần thì là 530gram, bác sĩ bảo bé bị suy dinh dưỡng nặng có sao không ạ?
Bác sĩ Nguyễn Văn An giải đáp thắc mắc về suy dinh dưỡng thai nhi sau khi siêu âm tuần 22: Tính ngày dự kiến sinh có nhiều phương pháp khác nhau: dựa vào ngày đầu tiên của kì kinh cuối cùng, dựa vào siêu âm thai,... Mỗi phương pháp có thể có những sai số khác nhau nhưng nếu tính ngày dự kiến sinh dựa vào siêu âm thai trong 3 tháng đầu thì sẽ cho kết quả chính xác nhất. Nếu siêu âm trong những tháng về sau sẽ cho kết quả có sai số lớn hơn. Thai của bạn đang ở tuần thứ 22 và thai sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa ở các tuần tiếp theo.
Để đánh giá suy dinh dưỡng bào thai thì cần phải dựa vào cân nặng của trẻ khi sinh ra. Nếu trẻ sinh đủ tháng mà cân nặng khi sinh dưới 2,5 kg thì được coi là suy dinh dưỡng bào thai. Vì vậy, bạn cũng không nên lo lắng quá, nên nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cho thai có đủ điều kiện phát triển tốt nhất.