Hướng dẫn cách nhận biết cơn chuyển dạ chính xác để vào viện đúng lúc
Ở thời điểm tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu thường xuất hiện các cơn gò nhẹ và lo lắng không biết đây có phải là dấu hiệu của việc chuyển dạ hay không? Để giúp bạn phân biệt được cơn gò sắp sinh chính xác hơn cả, hãy cùng điểm qua một vài thông tin cụ thể dưới đây bạn nhé.
Hướng dẫn cách nhận biết cơn chuyển dạ chính xác để vào viện đúng lúc
Ở thời điểm tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu thường xuất hiện các cơn gò nhẹ và lo lắng không biết đây có phải là dấu hiệu của việc chuyển dạ hay không? Để giúp bạn phân biệt được cơn gò sắp sinh chính xác hơn cả, hãy cùng điểm qua một vài thông tin cụ thể dưới đây bạn nhé.
Khi thai nhi đạt mốc 38-42 tuần (trung bình là 40 tuần), lúc này thai đã đủ trưởng thành, có khả năng sống độc lập, việc chuyển dạ sẽ chính thức diễn ra. Thực tế, việc nhập viện sớm khi chưa đến thời điểm sinh con vốn không mang lại bất cứ lợi ích nào cho các mẹ bầu. Ngược lại, điều này còn khiến chị em cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi khi phải chờ đợi cũng như tăng nguy cơ mổ lấy thai dù không cần thiết. Do đó, để giúp bạn có thể nhập viện đúng lúc, đúng thời điểm, việc nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
1. Thế nào là cơn gò chuyển dạ giả?
Các cơn gò giả còn được biết đến với cái tên Braxton-Hicks - được đặt theo tên của người đầu tiên đưa ra mô tả về những cơn đau này. Cơn gò thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ 3, đôi khi ở một số trường hợp là từ tam cá nguyệt thứ 2. Thực tế, đây là những cơn đau sinh lý hoàn toàn bình thường, biểu hiện bởi cảm giác gò nhẹ từ 30 giây đến 1 phút.
Theo các chuyên gia, những cơn gò sinh lý đều không làm mở cổ tử cung. Thậm chí, nó còn giúp tử cung của mẹ bầu thêm phần săn chắc, kích thích quá trình lưu thông máu đến thai nhi và cho biết tử cung đang chuẩn bị cho cơn chuyển dạ “chính thống”. Cũng bởi lẽ đó, nếu bạn nhận thấy tử cung xuất hiện các cơn co thưa, nhẹ, đừng quá lo lắng bởi em bé của bạn vẫn được an toàn bạn nhé.
2. Vậy đâu là dấu hiệu chuyển dạ chính xác nhất?
Nếu như bạn đã mang thai tháng cuối và nhận thấy mình có những dấu hiệu sau, hãy chuẩn bị nhập viện để chào đón em bé ra đời bạn nhé.
Bụng bầu bị tụt
Ở những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi phát triển to và sẽ có dấu hiệu tụt xuống vùng khung xương chậu. Thông thường nếu có dấu hiệu này, em bé có thể sẽ chào đời vào khoảng 1-2 tuần sắp tới. Đặc biệt, khi bụng bầu càng tụt xuống sâu sẽ cho biết ngày sinh nở đang đến rất gần.
Nếu muốn nhận biết điều này, các bạn hãy quan sát khoảng cách giữa bụng và ngực. Đồng thời, bạn sẽ nhận thấy vùng xương chậu trở nên nặng nề, việc đi lại cũng khó khăn hơn trước. Nhìn chung, dấu hiệu tụt bụng thường rõ nét ở lần sinh nở đầu tiên. Sang đến lần thứ hai, khi cơ xương chậu của mẹ giãn nở tốt hơn, hầu hết mẹ bầu sẽ không nhận thấy hiện tượng tụt bụng cho đến khi sinh bé.
Cơn đau nhiều và dồn dập
Nếu thấy vùng tử cung xuất hiện các cơn co thắt mạnh mẽ (có thời gian khoảng 30 giây), cách nhau từ 5 – 7 phút, kéo dài ít nhất 1 tiếng và diễn ra thường xuyên, nhanh hơn, đây chính là dấu hiệu của việc chuyển dạ. Càng đến thời điểm sinh con, cơn đau càng mạnh mẽ, diễn ra dồn dập với nhiệm vụ đẩy em bé xuống gần cổ tử cung và sẵn sàng chào đời.
Ra máu báo
Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, cổ tử cung sẽ được bảo vệ bởi một lớp chất nhầy, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm ảnh hưởng đến bé. Khi ngày sinh đến gần, lớp nhầy này sẽ giãn ra và bị đẩy ra ngoài. Trong trường hợp bạn nhận thấy có dịch nhầy hoặc huyết đỏ hồng, đỏ sẫm... kèm theo cơn đau dồn dập. Đây chính là dấu hiệu của việc chuyển dạ và bạn hãy nhập viện trong thời gian sớm nhất.
Hiện tượng vỡ ối
Nếu hiện tượng vỡ ối diễn ra khiến nước chảy ồ ạt, bạn cần đến bệnh viện ngay vì em bé có thể sẽ ra đời trong khoảng vài tiếng tới. Đừng chậm trễ bởi nếu không sinh con kịp thời, điều này sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
3. Làm thế nào để giảm khó chịu khi chuyển dạ?
Khi có cơn gò xuất hiện, bạn nên áp dụng những biện pháp sau đây để giảm bớt sự khó chịu, đau đớn:
- Đi bộ nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp cảm giác đau đớn giảm bớt phần nào.
- Tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn tắm sẽ giúp làm dịu tử cung và giúp mẹ thư giãn.
- Người nhà có thể massage lưng, hông giữa các cơn gò để bà bầu cảm thấy dễ chịu.
- Tập hít thở, tránh kêu la vì điều này sẽ khiến chị em mất sức nhanh.
- Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để chào đón em bé ra đời.
Mang thai, sinh con là thiên chức thiêng liêng, là niềm hạnh phúc mà bất kỳ chị em phụ nữ nào cũng muốn được trải nghiệm. Với những chị em đang mang thai, hy vọng rằng những thông tin trên đây đã giúp các bạn biết được dấu hiệu chuyển dạ để ứng phó sao cho phù hợp. Đặc biệt khi đang mang thai tháng cuối, hãy sẵn sàng đồ đạc, chuẩn bị tâm lý để chào đón em bé ra đời.
Xem thêm:
- 11 dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần lưu ý
- Dấu hiệu vỡ ối mẹ cần biết để đến viện kịp thời
- Nguyên nhân và cách xử lý chuyển dạ kéo dài