Hiểu rõ từ A đến Z về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay với tỷ lệ thành công từ 50% đến 80%. IVF đang và đã trở thành “niềm hi vọng” của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, các cặp đôi đồng tính muốn có con và những người phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân.
Hiểu rõ từ A đến Z về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Ưu nhược điểm của thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn bằng cách kết hợp trứng và tinh trùng ở bên ngoài cơ thể để tạo ra phôi. Phôi sẽ được nuôi ở một môi trường đặc biệt từ 2 đến 5 ngày sau đó được cấy vào tử cung của người phụ nữ. Phôi phát triển và tạo thành thai nhi, được bao bọc bên trong tử cung.
Những trường hợp được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ: ứ dịch, tắc nghẽn vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn sau khi thất bại bơm tinh trùng nhiều lần hoặc đã cắt hết hai ống dẫn trứng.
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng: tinh trùng yếu, ít, dị dạng, không có tinh trùng trong tinh dịch và cần lấy tinh trùng thông qua phương pháp mào tinh, tinh hoàn.
- Hiếm muộn chưa xác định được nguyên nhân và đã thực hiện bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.
- Xin trứng hoặc xin tinh trùng từ người khác, do trứng của người vợ
Ưu điểm của thụ tinh trong ống nghiệm
- Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm (50% đến 80% - tùy từng đơn vị bệnh viện), cao hơn thụ tinh nhân tạo (30% đến 40%) và các hình thức hỗ trợ sinh sản khác.
- Giải quyết được các vấn đề liên quan đến trứng và tinh trùng: Những phụ nữ có ống dẫn trứng bị tắc, thụ tinh trong ống nghiệm có thể đảm bảo lấy được trứng để thụ tinh ở bên ngoài. Những người có trữ lượng trứng hoặc tinh trùng thấp, thụ tinh nhân tạo có thể lọc ra và lựa chọn những trứng, tinh trùng tham gia vào quá trình thụ tinh.
- thụ tinh trong ống nghiệm có thể hỗ trợ những cặp đồng tinh, phụ nữ đơn thân có con theo mong muốn của họ thông qua ngân hàng tinh trùng.
- Phôi sau khi được thụ tinh có thể tặng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc có thể bảo quản trong một thời gian dài.
- Trong sản khoa, thụ tinh trong ống nghiệm còn có thể được sử dụng để sàng lọc các bệnh di truyền: bệnh xơ nang, bệnh Huntington, loạn dưỡng cơ bắp, hoặc rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng Down. Từ đó, thai nhi có thể phát triển và em bé sinh ra được khỏe mạnh.
Những hạn chế, rủi ro của thụ tinh trong ống nghiệm
- Thụ tinh trong ống nghiệm có thể để lại tác dụng phụ: hội chứng buồng trứng kích thích, đau bụng, xuất huyết âm đạo,..
- Thụ tinh trong ống nghiệm có khả năng tạo ra đa thai, chiếm từ 20% đến 30% số ca IVF. Vì để tránh trường hợp thụ tinh không thành công, các bác sĩ thường đưa vào tử cung nhiều hơn 1 phôi. Nếu tất cả chỗ phôi đó phát triển được bình thường trong tử cung sẽ hình thành đa thai. Tuy nhiên, mang bầu đa thai tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: sảy thai, sinh non, dọa đẻ non, thai chết lưu và ảnh hưởng đến cả sức khỏe của thai phụ.
- Có từ 1% đến 3% ca IVF xảy ra tình trạng mang thai ngoài tử cung, và thưởng xảy ra đối với phụ nữ gặp những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến ống dẫn trứng.
- IVF sẽ khiến nồng độ nội tiết tố estrogen tăng cao và tác động không tốt đến môi trường bên trong tử cung, ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé về sau.
- Một số trường hợp phải làm IVF nhiều lần do không thực hiện thành công ở những lần trước nên họ có thể bị căng thẳng, lo lắng về mặt tâm lý mỗi lần thụ tinh.
- Chi phí cho một ca IVF khá cao dao động từ 50 đến 90 triệu đồng.
Mặc dù, IVF có những hạn chế, và rủi ro mà chúng ta không hề mong muốn. Tuy vậy, hãy nhìn vào điều tích cực rằng: “Những rủi ro, hạn chế nêu trên chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi đó, tỷ lệ thành công thì lên đến 50% đến 60%”. Và, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào IVF.
Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật hỗ trợ đòi hỏi độ chính xác cao, sự tỉ mỉ và trải qua rất nhiều bước thực hiện. Quy trình IVF gồm 7 bước:
Bước 1: Chuẩn bị
Đầu tiên, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành một số xét nghiệm:
Kiểm tra chức năng buồng trứng của người vợ nhằm xác định số lượng và chất lượng trứng nồng độ hormone kích thích nang (FSH), estradiol (estrogen) và hormone antimullerian trong máu bạn trong vài ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời siêu âm buồng trứng. Từ đó, các bác sĩ sẽ nhận định về khả năng đáp ứng thuốc hỗ trợ sinh sản của buồng trứng ra sao vào như thế nào.
Phân tích tinh dịch của người chồng ngay trước khi bắt đầu thực hiện IVF.
Sàng lọc các bệnh truyền nhiễm và di truyền của cả hai vợ chồng, trong đó có HIV.
Chuyển phôi giả vào bên trong tử cung để xác định chiều sâu của khoang tử cung, điều này sẽ giúp quá trình đưa phôi thật vào trong tử cung thuận lợi và chính xác hơn.
Đánh giá khoang tử cung giúp kiểm tra tình trạng tổng thể của khoang tử cung, phát hiện u, nhiễm trùng (nếu có).
Bước 2: Kích thích trứng
Người vợ sẽ được các bác sĩ kích thích buồng trứng liên tục trong khoảng từ 10 đến 12 ngày. Trong thời gian này, người vợ sẽ được siêu âm và xét nghiệm máu để theo dõi sự phát triển của nang noãn. Một khi nang noãng đạt yêu cầu, người vợ sẽ được tiêm mũi kích rụng trứng. Mũi thuốc này phải được tiêm đúng giờ.
Bước 3: Chọc hút trứng và lấy tinh trùng
Chọc hút trứng: Khi trứng đạt yêu cầu, việc chọc hút trứng qua đường âm đạo sẽ được tiến hành sau 36 giờ kể từ khi tiến hành mũi thuốc kích rụng trứng. Thời gian chọc hút trứng sẽ được kéo dài trong khoảng 15 đến 20 phút và người vợ được gây mê nên không có cảm giác đau đớn. Sau khi trọc hút trứng sau người vợ sẽ được theo dõi tình hình sức khỏe tại bệnh viện từ 2 đến 3 giờ.
Lấy tinh trùng: Trong thời gian chọc hút trứng thì người chồng cũng được lấy tinh trùng (hoặc lấy tinh trùng đông lạnh đã được chuẩn bị trước đó) để cấy phôi.
Bước 4: Tạo phôi
Trứng và tinh trùng đã được lấy ra từ vợ và chồng sẽ được chuyển vào phòng labo để tiến hành thụ tinh và tạo phôi. Phôi sau đó được nuôi ở trong một môi trường đặc biệt trong khoảng 2 đến 5 ngày. Cùng thời gian ngày, người vợ sẽ được sử dụng thuốc dạng uống và dạng đặt để chuẩn bị cho quá trình cấy phôi vào tử cung.
Bước 5: Chọn phôi để cấy vào tử cung và chọn phôi để trữ đông
Sau khi phôi được nuôi dưỡng thành công, các bác sĩ sẽ thông báo cho hai vợ chồng về chất lượng phôi. Hai vợ chồng sẽ thống nhất về việc sử dụng phôi, nế phôi còn dư có thể bảo quản đông lạnh để sử dụng trong những lần sau.
Bước 6: Chuyển phôi vào bên trong tử cung
Bác sĩ sẽ kiểm tra tử cung của người vợ để đảm bảo: độ dày của niêm mạc tử cung, chất lượng tử cung, và đảm bảo các yếu tố thuận lợi cho phôi phát triển khi được cấy vào. Khi chất lượng tử cung đảm bảo, phôi sẽ được chuyển vào bên trong tử cung. Quá trình chuyển phôi sẽ xảy ra 2 khả năng:
Chuyển phôi tươi, tức là ngay sau khi tạo phôi: thực hiện khi sức khỏe của người vợ đáp ứng đủ các điều kiện về mặt sức khỏe.
Chuyển phôi trữ đông: các bác sĩ sẽ siêu âm và dùng thuốc theo dõi niêm mạc trong vòng từ 14-18 ngày bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo. Căn cứ vào đó, các bác sĩ sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để chuyển phôi.
Sau khi chuyển phôi thành công, người vợ sẽ nằm tại bệnh viện để được theo dõi từ 2 đến 4 giờ. Trong 2 tuần đầu tiên khi phôi được chuyển vào tử cung, người vợ sẽ được sử dụng các loại thuốc nội tiết tố và sinh hoạt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Bước 7: Thử thai
Sau 2 tuần chuyển phôi, người vợ sẽ đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm nồng độ beta hCG trong máu. Nếu nồng độ beta hCG ở mức 25 IU/l thì được xác định là đã có thai (nồng độ này có thể dao động tùy thuộc vào cơ địa mỗi người) Sau đó, người mẹ tiếp tục được theo dõi trong 2 ngày:
Nồng độ beta hCG tăng 1,5 lần: thai nhi đang phát triển, người mẹ tiếp tục dùng thuốc dưỡng thai và đợi đến đợt khám sức khỏe lần sau để được siêu âm, xác định túi thai và tim thai.
Nồng độ beat hCG không biến đổi, hoặc biến đổi rất ít: theo dõi thêm. Trong trường hợp sau khi theo dõi, nồng độ beta hCH < 25IU/l tức là IVF đã không thành công.
Cần chuẩn bị gì trước khi thụ tinh trong ống nghiệm?
Thụ tinh trong ống nghiệm là một quá trình dài hơi, tốn nhiều công sức, tiền bạc. Vì vậy trước khi thực hiện IVF, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị:
Chuẩn bị tâm lý
Trên thực tế, tỷ lệ thành công của IVF có thể đạt từ 50% đến 60%. Chính vì thế, trước khi thực hiện IVF, các cặp vợ chồng cần xác định một điều rằng: “Mình có thể phải thực hiện IVF nhiều hơn 1 lần mới có thể thành công”. Chính vì thế, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị tâm thế phải chiến đấu lâu dài đồng thời không nên quá lo lắng, bồn chồn, căng thẳng, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chuẩn bị sức khỏe
Trước khi thực hiện IVF, cả hai vợ chồng cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt, đi khám tổng thể để kiểm tra sức khỏe và chữa bệnh sớm (nếu có). Đồng thời, ăn uống đầy đủ, lành mạnh, ăn đủ dưỡng chất, hạn chế đồ ăn nhanh, cay nóng, đồ ăn dễ bị dị ứng và hạn chế bia, rượu, thuốc lá, các chất kích thích nói chung. Bên cạnh đó, các vợ chồng cần lên kế hoạch sinh hoạt thật khoa học, ngủ sớm, tập thể dục điều độ hoặc có thể đi du lịch để thư giãn tinh thần.
Chuẩn bị tài chính
IVF là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên trì cũng như sự chuẩn bị thật đầy đủ. Chuẩn bị tài chính đầy đủ là vấn đề hết sức quan trọng bởi chi phí cho một ca IVF dao động từ 50 triệu đến 90 triệu đồng. Không những thế, trong suốt quá trình này, cả hai vợ chồng có thể phải nghỉ phép một thời gian dài, làm giảm nguồn thu tài chính.
Lựa chọn bệnh viện uy tín để thực hiện IVF
Hiện nay, ở nước ta có khoảng 30 bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật IVF. Tỷ lệ thành công của IVF phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố: trình độ của đội ngũ y bác sĩ, chất lượng trang thiết bị, quy trình IVF,...Do vậy, các cặp vợ chồng có thể căn cứ vào các yếu tố sau để lựa chọn bệnh viện, trung tâm uy tín để thực hiện IVF:
- Tỷ lệ thành công cao.
- Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao và có nhiều năm kinh nghiệm về IVF.
- Máy móc, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng.
- Có sự kết hợp mật thiết giữa IVF với các khoa khác trong bệnh viện: Bởi vì IVF là một kỹ thuật cần sự hỗ trợ của rất nhiều các khoa liên quan như khoa Nhi, khoa Sản, khoa Nam học,..
Cuối cùng, hiểu đầy đủ về IVF là yếu tố quan trọng nhất giúp các vợ chồng có thể chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, thể chất và tài chính cho hành trình lâu dài ở phía trước.
Xem thêm:
- Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm có dành cho bạn?
- Nguyên nhân khiến sảy thai sau thụ tinh trong ống nghiệm
- Thụ tinh trong ống nghiệm tỷ lệ thành công ở Việt Nam là bao nhiêu?