Đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không?

Đau đầu là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngày nay cuộc sống luôn tất bật, công việc căng thẳng, xung đột gia đình, do stress hay cảm nắng cũng là nguyên nhân gây nên đau đầu. Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc giảm đau mỗi khi bị đau đầu. Vậy đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không? Đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không?

Đau đầu là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngày nay cuộc sống luôn tất bật, công việc căng thẳng, xung đột gia đình, do stress hay cảm nắng cũng là nguyên nhân gây nên đau đầu. Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc giảm đau mỗi khi bị đau đầu. Vậy đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Đau đầu là bệnh gì?

Đau đầu là một trong các tín hiệu cảnh báo cơ thể bạn đã có dấu hiệu "quá tải" cả về thể lực và tinh thần. Những cơn đau đầu tới do nhiều nguyên nhân gây nên. Tuy nhiên chủ yếu do các nguyên nhân sau:

  • Do thay đổi áp suất không khí: Đôi khi, những cơn đau đầu đến thường do nguyên nhân bạn quá nhạy cảm với thời tiết hoặc các thay đổi áp suất không khí, tăng huyết áp, sốt hoặc thiếu oxy...
  • Do căng thẳng, stress: Khi bạn cảm giác quá stress và căng thẳng, bạn cũng thường bị đau đầu. Những cơn đau đầu này thường xảy ra ở thái dương. Chúng thường bắt đầu ở đằng sau đầu và cổ hoặc ở trán và lan tỏa ra khắp đầu.
  • Do rối loạn tuần hoàn não bộ: Bạn có thể chỉ cảm thấy đau ở một bên đầu và thường kèm theo buồn nôn, nôn mửa hoặc có các rối loạn thị giác. Nguyên nhân thường do có yếu tố di truyền hoặc các rối loạn tuần hoàn trong não.
  • Do bị dị ứng, nhiễm khuẩn: Đau đầu có khi khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cũng có thể chúng là triệu chứng của một số bệnh như dị ứng, nhiễm khuẩn hoặc uống quá nhiều rượu. Hiện tượng co thắt hoặc giãn nở mạch máu, cũng như các thay đổi áp suất trong đầu cũng có thể gây ra cơn đau đầu.

Một số loại thuốc giảm đau đầu

vicare.vn-dau-dau-co-nen-uong-thuoc-giam-dau-khong-body-1

Nhiều người thường tự mua thuốc về uống, thậm chí còn tự tăng liều để “hãm” cơn đau, có thể hiểu nôm na là thuốc đã “cắt” cơn đau đầu. Nhưng đó chỉ là trị triệu chứng chứ chưa trị nguyên nhân tận gốc gây đau đầu. Khi bị đau đầu có thể sử dụng một số thuốc giảm đau như: paracetamol, aspirin, ibuprofen... Khi dùng các thuốc này cần lưu ý:

Thuốc giảm đau thông thường paracetamol

Được dùng để giảm đau tạm thời trong điều trị chứng đau đầu nhẹ và vừa. Thuốc được dùng theo đường uống với các dạng thuốc như viên nén, viên sủi, gói thuốc bột. Khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng về liều lượng cho từng đối tượng, nhất là với trẻ em (tính theo liều mg/kg cân nặng...).

Nếu còn đau thì 4-6 giờ sau mới được uống nhắc lại. Không được dùng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc chỉ định, vì đau nhiều và kéo dài có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị có giám sát bởi thầy thuốc. Không uống rượu trong khi dùng thuốc vì uống rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol.

Thuốc giảm đau Aspirin

Đây là thuốc dùng để giảm các cơn đau nhẹ và vừa trong đó có đau đầu. Không dùng thuốc này cho trẻ em dưới 16 tuổi, người mẫn cảm với thuốc, người bệnh loét dạ dày tá tràng...

Uống thuốc khi thấy xuất hiện triệu chứng đau đầu, cứ 5-6 giờ có thể dùng nhắc lại (nếu vẫn còn đau). Thuốc được uống trong hoặc sau bữa ăn (hạn chế bất lợi của thuốc trên hệ tiêu hóa). Khi uống thuốc nếu thấy có các triệu chứng chóng mặt, ù tai, giảm thính lực hoặc thương tổn gan, phải ngừng thuốc. Đối với người cao tuổi, nên dùng với liều thấp nhất có hiệu lực và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Thuốc giảm đau không steroid như ibuprofen

Được dùng trong cơn đau đầu nhẹ và vừa. Nên dùng thuốc trong khi ăn hoặc sau bữa ăn (để tránh tình trạng rối loạn nhẹ về tiêu hóa do thuốc).

Một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc như: mỏi mệt, chướng bụng, buồn nôn, nôn, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn, mẩn ngứa, ngoại ban... Rối loạn thị giác như nhìn mờ là dấu hiệu chủ quan và có liên quan đến tác dụng có hại của thuốc nhưng sẽ hết khi ngừng dùng

Đau đầu có nên uống thuốc giảm đau không?

Nếu cứ đau đầu là uống thuốc giảm đau về lâu dài có thể bị hiệu ứng hồi ngược và nguy hiểm hơn là sau một thời gian uống thuốc thì triệu chứng đau đầu tái phát và khó điều trị hơn, chưa kể gặp các tác dụng phụ, tổn thương gan, thận... Lạm dụng thuốc giảm đau như dùng quá liều thuốc giảm đau có thể tạo nên tình trạng “kháng thuốc”, mất tác dụng của thuốc, cơn đau đầu không khống chế được nữa.

Một số thuốc trị đau đầu dùng không đúng cách, dùng quá liều sẽ trở thành thuốc độc. Một số loại thuốc giảm đau nếu dùng lâu dài sẽ bị “nghiện”, bị “quen” thuốc gây mất tác dụng giảm đau, khiến người bệnh muốn uống tăng liều khi bị cơn đau đầu hành hạ... điều đó rất nguy hiểm.

Một số loại thuốc trị cảm cúm khác có chứa paracetamol, nếu dùng cả thuốc đau đầu và cảm cúm (có paracetamol) cùng lúc thì có thể xảy ra quá liều, tăng độc tính. Nếu là người ăn uống thất thường, hay uống rượu thì việc này cực kỳ hại cho lá gan ở giai đoạn sớm.

Do đó, khi có các cơn đau đầu bất thường, cần phải đi khám bệnh để tìm nguyên nhân, không nên chủ quan chỉ uống vài viên thuốc giảm đau rồi thôi nhiều khi nguy hiểm tính mạng.

Cách giảm đau đầu hiệu quả tại nhà

Cùng với việc dùng thuốc bạn cũng cần chú ý đến những cách chữa bệnh hiệu quả không cần thuốc như thư giãn, massage, tập yoga, thể dục, châm cứu...

  • Có thể nằm ngủ ít phút, nằm nghe nhạc không nghĩ ngợi gì để giảm căng thẳng, cơn đau có đến cũng không dữ dội (nhưng không nằm lâu vì sẽ bị nặng đầu).
  • Các hiệu thuốc có một số sản phẩm như trà kinh giới, viên xông tinh dầu tràm, sả... dùng uống hoặc xông cũng nhanh làm dịu các cơn đau đầu, nhưng các bác sĩ nhắc nhở cần dùng đúng liều lượng thuốc - nước và đúng thời gian.
  • Uống trà gừng: Gừng có chất chống viêm có tác dụng làm giảm cơn đau.
vicare.vn-dau-dau-co-nen-uong-thuoc-giam-dau-khong-body-2
  • Massage vùng đầu, cổ và sống mũi: Nếu đang bị cơn đau đầu hành hạ, bạn nên massage vùng đầu, cổ, mũi thường xuyên. Phương pháp này sẽ giúp bạn thư giãn bản thân, giảm căng thẳng mệt mỏi.
  • Uống nước: Nghe có vẻ đơn giản nhưng rất nhiều cơn đau đầu bắt nguồn từ việc cơ thể bị mất nước.
  • Chườm túi nước nóng: Bạn có thể sử dụng một túi nước nóng và chườm về phía sau cổ, điều này sẽ giúp bạn giảm đau đầu do căng thẳng, stress. Đồng thời cũng giúp thư giãn các cơ bắp và hạn chế việc đau nhói ở vùng đầu.
  • Ngâm chân với nước ấm: Khi bị đau đầu, bạn có thể ngâm chân vào nước ấm 37oC. Cách này sẽ thúc đẩy, luân chuyển máu từ chân lên đầu và ngược lại.
  • Uống cafe: Vì một nguyên nhân thường thấy khác của đau đầu là do giãn nở mạch máu. Caffeine trong cà phê giúp siết lại mạch máu, đưa chúng trở về trạng thái bình thường.
  • Ăn đồ cay, ấm: Bạn có thể thêm một ít ớt vào đồ ăn khi bị đau đầu. Ớt có chứa capsaicin - một thành phần có khả năng lấn át nhận thức về cơn đau, giúp bạn tạm quên đi cơn đau đầu hiện tại. tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh dạ dày hoặc đang phải kiêng đồ cay nóng thì không nên áp dụng phương pháp này.
  • Thư giãn thường xuyên: Nếu có thể khi bị đau đầu bạn thường xuyên tập luyện các hình thức như yoga, thiền, hay cầu nguyện sẽ giúp thư giãn đầu tối ưu. Đây là một trong những cách để thoát khỏi những triệu chứng căng thẳng.

Tóm lại, khi bị đau đầu, trước tiên bạn nên dùng các biện pháp giảm đau không dùng thuốc như đã nêu. Nếu cảm giác đau nhiều, tái đi tái lại cần đến khám bác sĩ chuyên khoa, không nên lạm dụng thuốc giảm đau sẽ gây tổn hại đến sức khỏe.

Xem thêm:

  • Mầm bệnh từ miệng và ruột gây đau nửa đầu
  • Chứng đau nửa đầu và vi khuẩn trong miệng hoặc đường ruột
  • Đau nửa đầu ảnh hưởng đến quan hệ tình dục như thế nào?