Cách điều trị u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là căn bệnh không quá lạ lẫm, tuy nhiên, áp lực phải đối mặt với việc điều trị u nang buồng trứng khiến tất cả phụ nữ vô cùng lo sợ.
Cách điều trị u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một căn bệnh không hề lạ lẫm đối với phụ nữ. Với các triệu chứng dễ nhầm với nhiều bệnh phụ khoa khác như đau bụng vùng bụng dưới, đau trong khi có kinh, khi giao hợp, cương ngực, buồn nôn và nôn... khiến nhiều phụ nữ không biết mình có bị u nang buồng trứng hay không? Hầu hết mỗi người đều e ngại khi đi khám phụ khoa hoặc có một sự ám ảnh khi phải đối diện với bệnh tật, cũng như nỗi lo sợ đơn thuần như việc có thể phải phẫu thuật. Thấu hiểu những nỗi lo lắng đó, trong bài viết này, HoiBenh sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về cách chẩn đoán và điều trị u nang buồng trứng.
1. Chẩn đoán u nang buồng trứng
Thông thường, u nang buồng trứng được chẩn đoán tình cờ qua thăm khám phụ khoa định kỳ hay siêu âm bụng. Chẩn đoán chính xác u nang buồng trứng bao gồm thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng trong đó có siêu âm. Siêu âm giúp xác định kích thước, vị trí, hình dạng và cấu tạo của u nang (u rắn hay chứa dịch). Ngoài ra còn có chụp X quang bụng không chuẩn bị (khi chưa xác định được nguyên nhân đau), chụp tử cung - buồng trứng có cản quang, nội soi ổ bụng.
Đối với phụ nữ có thai, theo PGS.BS Nguyễn Đức Hinh - Phó giám đốc Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương - Hiệu trưởng trường đại học Y Hà Nội cho biết: chẩn đoán u nang buồng trứng khá đơn giản ở giai đoạn đầu thai kỳ nhưng càng về sau càng trở nên khó khăn do tử cung to ra. Do đó, các bà mẹ mang thai cần quan tâm đến việc siêu âm chẩn đoán trong ba tháng đầu thai kỳ
2. Điều trị u nang buồng trứng?
Điều trị u nang buồng trứng rất đa dạng, tùy thuộc vào loại u đó là lành tính hay ác tính, u cơ năng hay thực thể, sự phát triển của u đến đâu và thể trạng của người phụ nữ (đang trong thời kỳ mang thai hay không có thai) v.v... Có thể không cần điều trị trong trường hợp đó là u cơ năng. Nếu u nang không tự hết hoặc to lên, bác sĩ có thể chỉ định điều trị để làm khối u nhỏ lại hoặc cắt bỏ khối u.
- Điều trị bằng thuốc tránh thai: Với u nang buồng trứng tái phát, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai uống để làm ngừng rụng trứng và ngăn ngừa sự phát triển của những u nang mới. Thuốc tránh thai uống cũng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Nguy cơ ung thư buồng trứng thường cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.
- Mổ nội soi: Nếu u nang nhỏ và xét nghiệm loại trừ ung thư, bác sĩ có thể tiến hành mổ nội soi để cắt bỏ khối u.
- Mổ mở: Nếu u nang lớn, bác sĩ có thể tiến hành cắt khối u qua đường mổ lớn ở bụng. Khối u sẽ được sinh thiết ngay và nếu xác định khối u là ung thư thì bác sĩ có thể tiến hành cắt tử cung hoàn toàn (cắt bỏ cả tử cung và hai buồng trứng)
- Với phụ nữ có thai: Nếu u to sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi, gây chèn ép vào tử cung, sẽ kích thích tử cung co bóp và dễ sẩy thai. Hơn nữa, nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự bình chỉnh tử cung của thai nhi. Thông thường đến tháng thứ 7 hay thứ 8, đầu thai nhi phải quay xuống dưới để dễ ra ngoài khi sinh. Nếu u lớn, có thể chèn vào tử cung, ép tử cung vào thành bụng khiến thai nhi không thể quay đầu được, gây đẻ khó, thậm chí phải mổ lấy thai. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, nội soi cắt bỏ u nang buồng trứng nên thực hiện khi thai được 13 - 14 tuần. Kỹ thuật này đem lại hiệu quả cao và an toàn vì ít gây sang chấn, đảm bảo sự an toàn của thai nhi cũng như sự phát triển của thai nhi về sau này. Hơn nữa, bệnh nhân mất ít máu, thời gian bệnh nhân xuất viện nhanh, thường là sau 24 giờ.
3. Phòng ngừa u nang buồng trứng
Không thể phòng ngừa được u nang buồng trứng. Tuy nhiên, khám phụ khoa định kỳ có thể phát hiện sớm u nang buồng trứng (nhất là đối với phụ nữ đã mãn kinh hoặc sau khi mang thai). U nang buồng trứng lành tính thường không trở thành ung thư. Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể rất giống với u nang buồng trứng. Do đó việc đi khám để tiếp nhận chẩn đoán tầm soát là rất quan trọng, đồng thời việc mô tả rõ ràng những biểu hiện chi tiết có thể giúp bác sĩ sớm tìm ra vấn đề như: thay đổi chu kỳ kinh nguyệt; đau vùng bụng dưới liên tục, chán ăn, sụt cân không giải thích được, chướng bụng....