Các bệnh về mắt và cách điều trị

Trong thời đại công nghệ, đôi mắt thường xuyên tiếp xúc nhiều với phương tiện điện tử, môi trường ô nhiễm...khiến các bệnh về mắt ngày càng gia tăng và phổ biển. Sau đây là một số bệnh về mắt và cách điều trị

Các bệnh về mắt và cách điều trị Các bệnh về mắt và cách điều trị

Các bệnh về mắt thường gặp hiện nay

Các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) là những rối loạn mắt rất phổ biến làm mắt không thể tập trung rõ ràng các hình ảnh từ thế giới bên ngoài, làm mờ tầm nhìn, đôi khi làm thị lực suy yếu, nhìn đôi; tầm nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng; gây nhức đầu; mỏi mắt. Ba bệnh phổ biến nhất là cận thị, viễn thị, loạn thị. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.

Thoái hóa điểm vàng (hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm) là bệnh rối loạn về mắt gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn, nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Xảy ra ở những người lớn tuổi nên còn được gọi chung là bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa. Bệnh có hai loại: thoái hóa điểm vàng dạng khô và thoái hóa điểm vàng dạng ướt.

Tăng nhãn áp (hay còn gọi là bệnh glaucoma) rất thường gặp ngày nay. Thần kinh thị giác mang hình ảnh từ võng mạc đến não của bạn, từ đó giúp bạn nhìn thấy thế giới xung quanh. Bệnh chính là tình trạng gia tăng áp suất trong mắt do chất dịch trong mắt tiết ra không đều, có thể gây tổn thương thần kinh thị giác và dẫn đến mù lòa. Bệnh ảnh hưởng đến 1 trong số 50 người ở độ tuổi trên 40.

Đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Thủy tinh thể giống như một thấu kính mà chúng ta nhìn xuyên qua, được cấu tạo chủ yếu từ nước, protein và một số chất hóa học khác. Dần theo tuổi tác, các chất protein này sẽ kết đám và cản trở đường đi của ánh sáng. Khi thủy tinh thể bị đục càng nhiều càng khó có thể nhìn rõ, dẫn đến mù lòa. Bệnh thường xảy ra đối với người lớn tuổi, có liên quan đến quá trình lão hóa.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng kết mạc, phần màng trong suốt giữa mí mắt và tròng trắng của mắt (phần trắng của nhãn cầu), bị sưng lên do viêm gây đỏ và đau nhức, là bệnh truyền nhiễm. Có thể đau mắt đỏ một hoặc cả hai mắt, không ảnh hưởng đến thị lực. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường bùng phát dịch vào mùa thu.

Bệnh loét giác mạc khá phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Giác mạc là một trong 2 phần quan trọng của mắt, là cửa sổ trong suốt, cho phép ánh sáng có thể đi qua mắt, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên có thể bị nhiễm bụi bẩn. Bệnh có thể nặng, nhẹ tùy mức độ, có thể bị đau nhiều, ảnh hưởng tới khả năng nhìn, chảy dịch từ mắt...Bệnh nặng gây biến chứng nguy hiểm như suy giảm hoặc mất thị giác vĩnh viễn.

Cách điều trị các bệnh về mắt hiện nay

Các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị)

Đeo kính mắt là cách đơn giản và an toàn nhất để điều chỉnh sai số khúc xạ và cho bạn tầm nhìn tối ưu.

Đeo kính áp tròng trong nhiều trường hợp cung cấp tầm nhìn rõ ràng hơn, tầm nhìn rộng hơn và thoải mái hơn. Đây là lựa chọn an toàn và hiệu quả nếu được trang bị và sử dụng đúng cách. Điều quan trọng là phải rửa tay và vệ sinh thấu kính theo hướng dẫn để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu có một số bệnh về mắt không thể đeo kính áp tròng, tham khảo ý kiến bác sĩ.

Phẫu thuật khúc xạ có nhiều loại nhằm thay đổi hình dạng của giác mạc vĩnh viễn, phục hồi khả năng tập trung của mắt bằng cách cho phép các tia sáng tập trung chính xác vào võng mạc để giúp cải thiện tầm nhìn.

Thoái hóa điểm vàng

Giai đoạn đầu nên kết hợp các loại vitamin, chất chống oxy hóa và kẽm cùng với bỏ thuốc lá, không giúp cho thị lực phục hồi như cũ nhưng có tác dụng ngăn không cho bệnh phát triển thêm. Giai đoạn cuối thoái hóa điểm vàng dạng khô không có cách điều trị nào có thể ngăn chặn việc mất thị lực.

Điều trị thoái hóa điểm vàng ướt bao gồm phẫu thuật bằng laser hoặc liệu pháp quang năng, không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn nhưng có thể làm chậm tốc độ mất thị lực.

Các phương pháp điều trị mới hơn bao gồm tiêm vào mắt một loại chất kháng thể monoclonal và nhân tố ngăn giãn mạch màng trong phát triển. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu ở mắt và bị đau.

Tăng nhãn áp

Điều trị bằng thuốc trước khi xem xét phẫu thuật, nếu thất bại bác sĩ sẽ thử phẫu thuật laser đầu tiên. Nếu phẫu thuật laser không giúp ích, bác sĩ sẽ chuyển qua dùng phương pháp phẫu thuật thông thường là cắt bè củng mạch, ngoài ra có thể được kết hợp thêm với phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể.

Ngoài phương pháp phẫu thuật, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm giảm áp lực. Điều trị bằng laser cũng có thể được sử dụng, nhưng thường ít hiệu quả hơn so với phẫu thuật cắt bè củng mạc.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Tăng nhãn áp

Đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá)

Nếu cảm thấy hài lòng về thị lực thì không cần phải phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Ở giai đoạn đầu, thị lực có thể được cải thiện bằng việc đeo kính.

Khi bệnh tiến triển nặng nên phẫu thuật, mắt sẽ được gây tê bằng thuốc nhỏ mắt và tiêm thuốc gây mê cho bệnh nhân. Sau đó thủy tinh thể bị đục sẽ được loại bỏ và thường được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Sau khi phẫu thuật nên hạn chế tối đa các hoạt động.

Phẫu thuật đục thủy tinh thể không bao giờ thực hiện trên cả hai mắt cùng một lúc. Bệnh nhân thường được phẫu thuật mắt yếu hơn trước để có thể nhìn bằng mắt khỏe hơn trong khi mắt được phẫu thuật bình phục.

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)

Với bệnh do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh, giảm cộm dưới mí mắt bằng cách chườm ấm. Bệnh thường đỡ hơn nhiều trong vòng 48 giờ sau điều trị và thường khỏi trong 1 tuần.

Với bệnh do virus, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt giúp tăng độ ẩm trong mắt kết hợp chườm ấm giảm sưng. Đau mắt đỏ do virus thường được cải thiện trong 1-2 tuần nhưng có thể kéo dài hơn.

Với bệnh do dị ứng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhỏ mắt giảm viêm kháng histamine và thuốc trị nghẹt mũi nhằm giảm các triệu chứng dị ứng. Chườm lạnh sẽ giúp đỡ ngứa. Đau mắt đỏ dị ứng có thể diễn ra theo mùa.

Bệnh loét giác mạc

Bác sĩ nhãn khoa có thể kê toa, kháng nấm hoặc thuốc kháng virus, kháng vi khuẩn để điều trị các vấn đề tiềm ẩn. Ngoài ra, có thể phải sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid. Các bác sĩ thường kê toa thuốc nhỏ mắt trong trường hợp mắt bị viêm và sưng lên.

Trường hợp nặng, có thể cần phải ghép giác mạc liên quan đến việc phẫu thuật cắt bỏ các mô giác mạc và thay thế bằng các mô của người hiến. Phẫu thuật này có thể gây ra các biến chứng sức khỏe trong tương lai, chẳng hạn như:

  • Thải ghép.
  • Có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp (tăng áp lực bên trong mắt).
  • Nhiễm trùng mắt.
  • Đục thủy tinh thể.
  • Phù giác mạc.

Để điều trị được các bệnh về mắt có kết quả cao, bạn cần phải xác định rõ nguyên nhân . Vì vậy nếu bạn có triệu chứng ở mắt hãy đến ngay Bệnh viện mắt Hà Nội 2 để khám và điều trị.