Bệnh bại não ở trẻ em - nguyên nhân và cách phòng ngừa
Bại não ở trẻ em là một bệnh lý về thần kinh nặng nề do não bộ bị tổn thương, bệnh để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh có biểu hiện như thế nào và đâu là nguyên nhân và cách phòng ngừa?
Bệnh bại não ở trẻ em - nguyên nhân và cách phòng ngừa
Bại não ở trẻ em là một bệnh lý về thần kinh nặng nề do não bộ bị tổn thương, bệnh để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh có biểu hiện như thế nào và đâu là nguyên nhân và cách phòng ngừa?
Bệnh bại não là gì?
Bệnh bại não là các rối loạn vận động do tổn thương não không tiến triển, xảy ra vào giai đoạn trước khi sinh, trong khi sinh, sau khi sinh đến 5 tuổi, biểu hiện bằng các bất thường về vận động và tư thế thân mình. Tỷ lệ bệnh vào khoảng 2/1000 trẻ sinh ra sống, bệnh có tỷ lệ mắc ở trẻ trai cao hơn trẻ gái (1.35/1).
Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bại não ở trẻ, được chia thành ba nhóm chính sau:
Yếu tố nguy cơ trước sinh
- Bệnh của mẹ: Mẹ bị sảy thai trước đó, dị tật bẩm sinh, ngộ độc thai nghén, chậm phát triển trí tuệ, tiếp xúc hóa chất-thuốc trừ sâu, nhiễm virus trong 3 tháng đầu mang thai, bị chấn thương, dùng thuốc khi mang thai, bị bệnh tuyến giáp trạng, bị đái tháo đường khi mang thai v.v...có nguy cơ có con mắc bại não.
- Bệnh của con: Thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, dị tật não, vòng rau cuốn cổ, tư thế thai bất thường.
Yếu tố nguy cơ trong sinh
- Đẻ non (dưới 37 tuần)
- Cân nặng khi sinh thấp (dưới 2.500g)t
- Ngạt hoặc thiếu ôxi não khi sinh: Trẻ đẻ ra không khóc ngay, tím tái hoặc trắng bệch phải cấp cứu.
- Các thủ thuật trong khi sinh: forcep, giác hút ...
- Vàng da nhân não sơ sinh: Trẻ bị vàng da sơ sinh ngay từ ngày thứ 2 sau sinh, vàng đậm không được theo dõi và điều trị kịp thời có thể xuất hiện bỏ bú, tím tái và duỗi cứng chi (dấu hiệu tổn thương não).
Yếu tố nguy cơ sau sinh
- Chảy máu não - màng não sơ sinh.
- Nhiễm khuẩn thần kinh: Viêm não, viêm màng não.
- Thiếu ôxi não do suy hô hấp nặng: Suy hô hấp nặng phải thở ôxi, thở máy.
- Chấn thương sọ não: Do ngã, tai nạn, đánh đập.
- Các nguyên nhân khác gây tổn thương não: Co giật do sốt cao đơn thuần, ỉa chảy mất nước nặng...
Phân loại thể bệnh
Dựa vào đặc điểm lâm sàng của từng thể bệnh mà bại não được chia ra thành 5 thể, bao gồm:
- Bại não thể co cứng.
- Bại não thể múa vờn.
- Bại não thể thất điều.
- Bại não thể nhẽo.
- Bại não thể phối hợp.
Dấu hiệu chung cho tất cả các thể bại não
- Chậm phát triển vận động: chậm lẫy, ngồi bò, đứng, đi, khiếm khuyết về sử dụng bàn tay trong cầm nắm thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- chậm phát triển kĩ năng giao tiếp sớm:
- Kỹ năng tập trung: không quay đầu đáp ứng với âm thanh, đồ chơi có màu sắc, nhìn vào mặt mẹ-người thân.
- Kỹ năng bắt chước-lần lượt: hóng chuyện, biểu lộ tình cảm, không quay đầu theo tiếng động.
- Kỹ năng chơi: với cầm đồ vật, phối hợp tay-mắt, thích thú với trò chơi có tính xã hội.
- Kỹ năng giao tiếp cử chỉ: thể hiện nét mặt, dùng mắt để thể hiện vui thích.
- Chậm phát triển ngôn ngữ: chậm hiểu lời nói, khó phát âm, khó giao tiếp ...
- Chậm phát triển trí tuệ: khả năng học và tiếp thu kém, học hành rất khó khăn.
- Rối loạn điều hòa cảm giác: một số trẻ bị rối loạn điều hòa cảm giác như khi ta sờ nhẹ vào má, chạm tóc búp bê... vào người trẻ khiến trẻ phản ứng dữ dội (giật thột người, co cứng toàn thân, khóc thét...)
- Liệt các dây thần kinh sọ não với biểu hiện: lác mắt, sụp mí, mù, điếc, méo miệng...
- Biểu hiện khác:
- Cong vẹo cột sống.
- Động kinh.
- Các phản xạ nguyên thủy bất thường:
- Nhấc bổng trẻ lên, quan sát thấy hai chân của trẻ duỗi cứng và bắt chéo vào nhau.
- Đặt trẻ đứng quan sát thấy hai chân duỗi cứng, nhón gót.
- Đặt nằm sấp, trẻ không nâng đầu.
Dấu hiệu phát hiện sớm bại não khi 6 tháng tuổi
Một trẻ bị một vài yếu tố nguy cơ nói trên khi 6 tháng tuổi có:
4 dấu hiệu chính:
- Trẻ có cơn co cứng hoặc/và chân duỗi cứng khi đặt đứng;
- Trẻ không kiểm soát đầu cổ hoặc/và không biết lẫy hoặc/và nằm sấp không ngẩng đầu;
- Hai tay trẻ luôn nắm chặt;
- Hai tay trẻ không biết với cầm đồ vật.
Bốn dấu hiệu phụ:
- Không nhận ra khuôn mặt mẹ.
- Ăn uống khó khăn.
- Không đáp ứng khi gọi hỏi.
- Khóc nhiều suốt ngày đêm sau sinh.
Một số dấu hiệu khác:
- Mềm nhẽo sau sinh.
- Không nhìn theo đồ vật.
- Không quay đầu theo tiếng động.
- Co giật.
Cần được khám bác sỹ nhi, thần kinh, phục hồi chức năng ngay để chẩn đoán xác định bại não.
Điều trị:
Hiện nay, việc điều trị bại não còn nhiều khó khăn, cần có sự kết hợp giữa nhiều chuyên ngành khác nhau, cũng như phối hợp với trẻ và gia đình nhằm lập kế hoạch cụ thể thích hợp cho từng trường hợp. Việc điều trị đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả thầy thuốc và gia đình. Mục tiêu điều trị là giúp trẻ đạt được khả năng vận động và trí tuệ một cách tối đa, cần có sự phối hợp tích cực của các chuyên khoa gồm: nhi khoa, phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, mắt, tâm thần ... Việc điều trị nên được thực hiện sớm, sẽ đem lại kết quả khả quan. Các phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay:
Vật lý trị liệu
Ngay sau khi được chẩn đoán bại não, trẻ cần được điều trị vật lý trị liệu càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm giúp giảm co cứng cơ, tăng khả năng vận động của khớp.
Một trong các phương pháp vật lý trị liệu áp dụng trong điều trị bại não hiện nay là phương pháp sử dụng oxy cao áp, phương pháp này có hiệu quả cải thiện về trí tuệ và vận động ở một số trường hợp.
Sử dụng thuốc:
Việc sử dụng thuốc trong điều trị bại não mang tính chất hỗ trợ cho vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là chính. Các thuốc được sử dụng làm giảm bớt mức độ co cứng của cơ và làm giảm các cử động bất thường. Một số loại thuốc được sử dụng như Botox, Baclofen giúp giảm co cứng cơ, giúp cho việc tập phục hồi chức năng được thuận lợi.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp bại não có chỉ định phẫu thuật do có tình trạng co cứng hai chi dưới nặng nề. Mục đích của việc phẫu thuật là cắt bỏ chọn lọc một số nhánh thần kinh chi phối hoạt động chi, làm giảm tình trạng co cứng cũng như cải thiện chức năng vận động. Phẫu thuật thường được thực hiện khi trẻ 2 đến 7 tuổi.
Phục hồi chức năng
Đây là biện pháp quan trọng nhất.
Mục đích điều trị:
- Giúp trẻ có thể vận động được, thực hiện được các công việc tự phục vụ.
- Đối với trường hợp nặng, tập luyện cho trẻ nhằm mục đích thực hiện được các thao tác quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân.
- Đối với những trường hợp bại não nhẹ, mục tiêu điều trị hướng đến giúp trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân, vui chơi, học tập.
Yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của việc điều trị là vai trò của bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Nếu những đối tượng này tin tưởng, quyết tâm và có những kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng thực hành thì đứa trẻ sẽ có khả năng điều trị thành công cao hơn, việc điều trị không chỉ được thực hiện tại các trung tâm phục hồi chức năng mà còn có thể thực hiện ngay tại gia đình.
Các phương pháp phục hồi chức năng cho trẻ bại não:
- Vận động trị liệu: Sử dụng các bài tập vận động tùy theo thể bệnh để giúp trẻ giảm các mẫu vận động bất thường, tăng khả năng vận động bình thường.
- Hoạt động trị liệu: Sử dụng các bài tập hoạt động trị liệu, các trò chơi giúp trẻ có thể thực hiện được các hoạt động theo sự phát triển của lứa tuổi.
- Ngôn ngữ trị liệu: Giúp trẻ kiểm soát các cơ của lưỡi, hàm, tập phát âm được. Ngôn ngữ trị liệu cần được tiến hành trước tuổi trẻ đến trường và tiếp tục trong suốt thời gian đi học.
- Chăm sóc: Trẻ nhỏ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, cung cấp đủ dinh dưỡng, đủ ánh sáng, được giao tiếp với các trẻ khác và người lớn.
- Giáo dục hướng nghiệp: Đối với trẻ đã lớn, mức độ bại não nhẹ, việc giáo dục hướng nghiệp giúp cho trẻ có thể độc lập và hòa nhập với gia đình và xã hội.
Phòng ngừa bại não ở trẻ em Việt Nam:
- Khám thai thường quy có thể phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ.
- Trong sản khoa, đỡ đẻ, thực hiện các thủ thuật trong đẻ đúng kỹ thuật, cần tiên lượng tốt, ra chỉ định mổ lấy thai kịp thời để tránh tình trạng trẻ bị ngạt.
- Nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh là biện pháp tích cực nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ bại não.
- Theo dõi, chăm sóc trẻ sơ sinh, phát hiện vàng da sớm và có chỉ định điều trị chiếu đèn hoặc thay máu kịp thời.
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.
- Khám theo dõi thường quy trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hàng quý trong 12 tháng đầu đời có thể phát hiện sớm bại não.
Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh bại não. Các nhà khoa học đang tiến hành các nghiên cứu mới với hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm ra biện pháp điều trị và phương pháp để ngăn ngừa bệnh bại não. Các nghiên cứu liên quan đến tế bào gốc, sử dụng các tế bào này để thay thế các tế bào não bị tổn thương bằng các tế bào khỏe mạnh có thể là niềm hy vọng mới cho các bệnh nhân bại não.
Xem thêm:
- Bệnh bại não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị
- Những điều cần biết về bệnh bại não trẻ em
- Những thông tin mới nhất về điều trị bại não bằng tế bào gốc