Bấm huyệt chữa tiểu đường như thế nào thì hiệu quả?
Bệnh tiểu đường rất dễ gây ra cho người bệnh những biến chứng nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ, hoại tử, các bệnh thần kinh,... Điều trị bệnh tiểu đường nếu chỉ dùng thuốc không thôi thì chưa đủ. Trong các phương pháp Đông y được coi là “bảo bối” chữa căn bệnh này, bấm huyệt chính là một giải pháp hữu hiệu.
Bấm huyệt chữa tiểu đường như thế nào thì hiệu quả?
Trong Đông y, tiểu đường hay còn gọi là chứng tiêu khát, phát sinh do nhiều nguyên nhân như ăn uống không hợp lý, lao lực quá độ, uống rượu bia, di truyền, tác động từ môi trường,... dẫn đến rối loạn công năng của các tạng phủ. Bệnh tồn tại ở hai dạng là Tiểu đường type I và Tiểu đường Type II, trong đó có đến hơn 90% người bệnh thuộc dạng type II. Bên cạnh việc dùng thuốc, ăn uống điều độ để trị bệnh thì có thể sử dụng các liệu pháp hỗ trợ như châm cứu, bấm huyệt, trà dược, luyện khí công dưỡng sinh,...
Liệu pháp bấm huyệt chung cho người bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường thường không có biểu hiện gì ở giai đoạn khởi bệnh. Người bệnh có thể bị phát hiện bệnh khi có các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều mà vẫn giảm cân, mờ mắt, ngứa da,...
Liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt Đông y thích hợp cho những bệnh nhân tiểu đường Type II có tác dụng làm giảm các tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Cách điều trị chung cho các bệnh nhân tiểu đường bằng bấm huyệt là tư âm, sinh tân, thanh nhiệt. Để bệnh nhân nằm sấp, ấn day huyệt Tụy du (Vị quản hạ du) ở dưới gai sau D8 đo ngang sang khoảng 1,5 phân, bấm hai bên Thận du, xát dọc huyệt Bàng quang kinh, xát ngang huyệt Tụy du và xát xiên Thận du khoảng 10 phút cho đến khi có cảm giác nóng lên. Chuyển sang tư thế nằm ngửa, day huyệt Trung quản, Khí hải, Lương môn và Quan nguyên, kết hợp xoa bụng trong vòng 10 phút rồi sau đó ấn day huyệt Tam âm giao, Huyết hải, Túc tam lý. Ở tư thế ngồi thì thực hiện làm thao tác nội công để xoa bóp đầu và tay.
Ngoài ra, theo Đông y, đối với mỗi thể trạng bệnh riêng thì cũng có thêm các thao tác bấm huyệt chữa tiểu đường riêng. Cụ thể:
Đối với thể táo nhiệt thương phế: Để bệnh nhân nằm ngửa, day ấn huyệt Nhân nghinh, Trung phủ, Liêm tuyền, Vân phi, bóp huyệt Kiên tỉnh kết hợp với xát ngực sườn.
Đối với thể Vị táo tân thương: Trong trạng thái bệnh nhân nằm sấp, day huyệt Vị du và Tỳ du. Sau đó để bệnh nhân nằm ngửa rồi dùng thủ pháp đẩy ngón tay cái ở huyệt Trung quản, Chương môn, Lương môn, Kỳ môn, Hành gian và Thái xung. Xay hai bên sườn khi bệnh nhân ngồi.
Đối với thể thận âm hư: Bệnh nhân nằm sấp, day ấn huyệt Mệnh môn và Chí thất, xát dọc huyệt Bát liêu rồi xát ngang huyệt Thận du và Mệnh môn.
Cách tự bấm huyệt chữa tiểu đường
Ngoài phương pháp bấm huyệt nhờ chuyên gia thì bệnh nhân tiểu đường cũng có thể tự bấm huyệt cho mình. Nhưng giải pháp này chỉ thực sự có hiệu quả khi bạn đã hiểu rõ về vị trí cũng như công dụng của các huyệt trên cơ thể. Các huyệt được dùng trong điều trị tiểu đường là Tụy du, Phế du, Tỳ du, Túc tam lý, Thái khê và Quan nguyên.
Thao tác bấm huyệt Tụy du: cách đốt sống lưng thứ 8 khoảng 1,5 tấc sang cả 2 bên, huyệt này có công dụng điều tiết công năng tuyến tụy. Bạn vòng tay ra sau lưng, lấy ngón giữa của tay trái bấm vào huyệt Tụy du bên phải từ 1 đến 2 phút và đổi bên ngược lại cũng làm tương tự.
Thao tác bấm huyệt Phế du: Để xác định được vị trí của huyệt này, bạn bắt chéo tay qua cổ sang nửa lưng đối diện, vị trí đầu ngón tay giữa cách cột sống khoảng 1,5 tấc chính là huyệt Phế du. Cách day huyệt phế du khá đơn giản, bạn dùng ngón tay giữa của bàn tay phải day ấn huyệt bên trái và ngược lại trong vòng 1 – 2 phút.
Thao tác bấm huyệt Tỳ du: vị trí của Tỳ du là nằm ở hai bên đốt xương sống thứ 11 một khoảng 1,5 tấc. Hai tay bạn vòng ra sau lưng và nắm thành quyền, dùng hai ngón tay cái day ấn vào huyệt tỳ du trong 1 - 2 phút. Huyệt này có tác dụng thanh tiết tà nhiệt ở tam tiêu.
Thao tác bấm huyệt Thận du: Dưới đốt sống thắt lưng 2 một khoảng 1,5 tấc sang hai bên là vị trí của huyệt này. Vòng tay ra sau lưng, bàn tay nắm lại thành quyền rồi dùng 2 gồ xương của ngón tay cái để day ấn huyệt Thận du.
Thao tác bấm huyệt Túc tam lý: huyệt này nằm ở cách mắt đầu gối 3 tấc và cách 1 tấc về phía ngoài so với bờ xương ống chân. Người bệnh có thể tự dùng ngón tay cái để day huyệt này mỗi bên khoảng 1 phút.
Thao tác bấm huyệt Thái khê: dùng ngón tay day vào vị trí chính giữa nối bờ sau mắt cá trong của chân và mép trong gân gót mỗi bên 1 đến 2 phút.
Một số lưu ý khi dùng liệu pháp bấm huyệt điều trị bệnh tiểu đường
Tùy vào mỗi thể trạng hay type bệnh mà liệu pháp bấm huyệt mang đến các tác dụng khác nhau. Không nên bấm quá nhiều lần trong ngày bởi có thể sẽ gây ra việc hạ đường huyết quá mức cần thiết. Nên kiểm tra lượng đường huyết trước và sau ki bấm huyệt để kiểm soát được tình trạng bệnh cũng như hiệu quả của các thao tác.
Nếu bệnh nhân đang trong quá trình sử dụng thuốc điều trị tiểu đường thì vẫn có thể bấm huyệt nhưng không được ngừng dùng thuốc. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đã lưu ý, việc bấm huyệt kèm theo một chế độ ăn hợp lý, tâm trạng tốt và lao động vừa phải là điều vô cùng quan trọng. Bệnh nhân nên hạn chế các thức ăn có lượng đường và dầu mỡ cao, không để tình trạng căng thẳng, lo lắng kéo dài và nên chăm luyện tập thể dục thể thao hợp lý.
Phương pháp bấm huyệt trong Đông y có tác dụng rất tốt với bệnh nhân tiểu đường, không chỉ làm giảm và ngăn chặn các biến chứng xấu của bệnh mà còn giúp người bệnh duy trì được sức khỏe, thể lực tốt.
Chú ý: Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, người đọc cần cân nhắc trước khi áp dụng.