Bại não ở trẻ em có chữa được không?
Ở Việt Nam, cứ 1000 trẻ được sinh ra thì có 1,8 trẻ bị chẩn đoán bị bại não, tỉ lệ này tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Bại não ở trẻ em hoàn toàn có thể phòng tránh từ sớm. Các chuyên gia Vinmec luôn khuyên cha mẹ nên phòng tránh bại não trẻ em từ sớm.
Bại não ở trẻ em có chữa được không?
1. Bại não ở trẻ em và những điều cần biết
1.1 Bại não ở trẻ em là gì?
Bại não là thuật ngữ được dùng để mô tả nhóm các bệnh mãn tính, do tổn thương ở 1 hoặc nhiều vùng não bộ, ảnh hưởng đến khả năng vận động và phối hợp cơ bắp ở trẻ. Bại não có thể xảy ra trong quá trình phát triển thai nhi, trước, trong hoặc sau khi sinh.
Bệnh bại não không tiến triển theo thời gian trẻ lớn lên, không lây giữa các trẻ, hiện nay y học có nhiều phương pháp luyện tập và vật lý trị liệu để cải thiện chức năng vận động cho trẻ.
Tại các nước phát triển, bại não mắc ở khoảng 1,8 – 2,3 trẻ trên 1000 trẻ sơ sinh sống, ở Việt Nam tỷ lệ này khoảng 1,8 trẻ, chiếm 32% tổng số trẻ tàn tật. Tỷ lệ bé trai mắc bại não nhiều hơn so với bé gái.
1.2 Nguyên nhân bại não ở trẻ em
Những nguyên nhân phổ biến gây bại não trẻ em là:
- Nhau thai bất thường, không đủ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho thai nhi.
- Mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng lây lan từ mẹ sang con (Rubella) trong thời gian thai kỳ.
- Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.
- Trẻ đẻ thiếu tháng hoặc nhẹ cân.
- Thiếu oxy trong quá trình sinh, sau khi sinh hoặc vàng da nặng sau khi sinh.
- Chấn thương não bộ khi mang thai, trong khi sinh hoặc trong những năm đầu đời.
- Nhiễm trùng nghiêm trọng những năm đầu đời.
1.3 Dấu hiệu của bại não ở trẻ em
Có thể phát hiện trẻ bị bại não qua các dấu hiệu sau:
Dấu hiệu sớm
Dấu hiệu bại não sớm khởi đầu thường từ trước 18 tháng tuổi, cha mẹ có thể nhận thấy trẻ không phát triển những kỹ năng vận động thông thường. Ví dụ như trẻ chậm bò, chậm lẫy, chậm biết đi hơn so với trẻ khác hay mốc phát triển bình thường.
Ngoài ra, trẻ bị các biểu hiện của giảm trương lực cơ: chi mềm nhũn, buông thõng, hoặc tăng trương lực cơ như vận động cứng nhắc, trẻ cứng đờ...
Dấu hiệu lâm sàng
- Thể co cứng (70-80% các trường hợp): Các cơ trẻ cứng nhắc, thường xuyên co cứng, có thể là hai chân hoặc nửa người, thường gặp là nửa người trái.
- Thể loạn trương lực (10-20% các trường hợp): Trẻ xuất hiện những vận động bất thường ở tứ chi, ở mặt, lưỡi và cơ phát âm như nói khó, mặt nhăn nhó, chảy nước dãi... Các vận động bất thường này thường mất khi trẻ ngủ.
- Thể thất điều (5-10% các trường hợp): Trẻ bước đi loạng choạng, khó khăn, khó thực hiện chính xác động tác, thường bị run tay, run chân.
Biểu hiện khác của bại não
Trẻ cũng có thể bị rối loạn chức năng giác quan như mất ngửi, giảm thị lực, điếc. Đôi khi bị bất thường về hô hấp, chậm phát triển tâm thần, co giật...
Nhìn chung, bại não là tình trạng bệnh theo trẻ suốt đời, bệnh sẽ không diễn biến nặng thêm. Hầu hết trẻ bị bại não cũng có tuổi thọ bình thường, trẻ lớn lên có trí thông minh giống trẻ bình thường, nếu có phác đồ điều trị từ sớm.
2. Bại não ở trẻ em có chữa khỏi được không?
Bại não ở trẻ em có chữa khỏi được không là thắc mắc của hầu hết phụ huynh có trẻ bị bại não, rất tiếc là y học hiện nay chưa thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh, nhưng có thể hoàn toàn giảm bớt, khắc phục các triệu chứng, khuyết tật bằng phương pháp tư vấn tâm lý và phẫu thuật, vật liệu trị liệu PT hoặc trị liệu vận động OT.
Vật lý trị liệu sẽ giúp trẻ phát triển cơ bắp khỏe mạnh bình thường, thực hiện được các động tác như ngồi, giữ thăng bằng, đi bộ.
Trị liệu vận động sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động, như trẻ có thể tự xúc, ăn thức ăn, mặc quần áo hay tập viết bình thường.
Trị liệu ngôn ngữ hỗ trợ trẻ có thể học kỹ năng nói.
Có những trường học đặc biệt được mở ra hoặc các dịch vụ xã hội được phát triển đặc biệt dành riêng cho trẻ bại não, sẽ hỗ trợ trẻ có thể phát triển bình thường và điều trị tốt hơn.
Điều trị bại não trẻ em càng sớm, ngay khi xuất hiện dấu hiệu bệnh của trẻ sẽ có khả năng phục hồi càng cao.
Xem thêm:
- Bệnh bại não thể co cứng: Triệu chứng và cách điều trị
- Bệnh bại não trẻ em: Chữa trị bằng cách nào hiệu quả?
- Những thông tin mới nhất về điều trị bại não bằng tế bào gốc