Xét nghiệm HIV rất nhiều lần đều âm tính thì đã an toàn chưa?
Chào Bác sĩ!
Tôi là nam giới, 35 tuổi. Hiện đang công tác trong một đơn vị quân đội. Tôi xin trình bày về nguy cơ HIV như sau:
Tối ngày 4/4/2016, tôi có đi ăn cưới bạn, sau khi ăn uống xong, bạn tôi có rủ đi uống cafe. Bạn tôi cầm lái và có va chạm giao thông với một thanh niên săm trổ đầy người, có trở theo 2 cô gái ăn chơi chắc là gái gọi. Chúng tôi có ẩu đả, trước đó tầm 5-6 giờ, tay tôi có vết xước, do tôi rửa xe máy, vết xước da dài tầm 2cm, sâu 1mm, rộng 1mm. Vết xước ở ngón giữa bàn tay phải đốt thứ 3 giáp mu bàn tay có rỉ máu và dịch trước đó.
Tôi đấm vào mặt khiến đối tượng bị chảy máu mũi và miệng, máu có bắn vào tay và người tôi. Do trời tối và còn hơi men nên tôi không để ý hay nghĩ gì tới HIV mà vẫn cùng bạn đi uống nước. Tầm một giờ sau, tôi mới về nhà thay đồ bị dính máu và rửa tay sơ qua rồi đi ngủ.
Sau nguy cơ tầm 2 tuần, tôi bị ngứa toàn thân. Tôi lên mạng đọc thì ra triệu chứng của HIV, lúc này tôi rất stress và triệu chứng ở đâu ùn ùn kéo về rất nhiều. Người tôi rất mệt mỏi đau nhức toàn thân và tôi mất ngủ do suy nghĩ về HIV. Tầm 3 tuần liền sau đó, tôi có các triệu chứng tiếp theo là nổi nhiều mụn đỏ như muỗi trích đầy ngực bụng và cánh tay (khám da liễu bác sĩ bảo bị viêm nang lông). Sau đó, tôi bị đau khớp, sốt nhẹ về chiều, lúc nóng, lúc lạnh. Ngoài ra,tôi còn cảm thấy chán ăn, sụt cân, đi ngoài phân nát, zona, hạch hốc vai sưng to, lưỡi trắng toát, nước bọt trắng như sữa, sẹo thâm đen, móng chân đổi màu xám, vã mồ hôi như tắm mặc dù tôi không làm gì nặng. Tôi buồn ngủ và ngủ rất nhiều, càng ngủ càng mệt. Chân tay tê mỏi, run rẩy, cơ thể tôi yếu đi rất nhiều.
Các triệu chứng của tôi kéo dài đến nay đã 9,5 tháng mà không khỏi. Mặc dù, tôi đã đi khám tất cả các chuyên khoa mà không phát hiện ra bệnh gì.
Tôi muốn được bác sĩ tư vấn, liệu tôi đã an toàn chưa? Có rơi vào trường hợp chậm sinh kháng thể không? Tôi có bị bệnh đau dạ dày mạn tính, đã cắt amidan cách đây 10 năm và uống thuốc dạ dày hàng ngày có ảnh hưởng chậm sinh kháng thể không? Trước nguy cơ, tôi rất khỏe. Các triệu chứng của tôi đã đi thăm khám nhiều nơi và chữa trị nhưng không khỏi. Người tôi hiện giờ rất mệt và yếu. Vợ con tôi cũng có những triệu chứng lạ nên tôi rất lo mình đã lây bệnh cho vợ con. Con gái tôi 4 tuổi bị loét miệng, lưỡi, bị viêm da tiếp xúc dị ứng, ho dai dẳng, sốt cao uống hạ sốt không giảm, nôn, tiêu chảy phải cấp cứu ở bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Bác sĩ làm một loạt xét nghiệm không tìm ra nguyên nhân. Vợ tôi cũng thường xuyên bị đau đầu, cảm cúm, ho, đau họng, chán ăn, chậm kinh và có kinh thì chỉ 2 ngày là hết. Trước đó chưa bị các triệu chứng như trên bao giờ. Vợ và con tôi đều làm xét nghiệm HIV sau khi có những triệu chứng lạ vào khoảng 4-6 tháng sau đó. Tôi xin được bác tư vấn, liệu gia đình tôi có an toàn không? Và tôi có rơi vào trường hợp chậm sinh kháng thể không?
Triệu chứng của tôi và vợ con càng ngày càng nặng. Hiện tại, tôi rất mệt, ngứa lòng bàn tay, bàn chân và suốt ngày buồn nôn. Tôi có làm thêm vài xét nghiệm HIV khác nữa, xét nghiệm lần cuối cách nguy cơ 11,5 tháng, xét nghiệm HIV combi PT tại Medlatec chỉ số S/Co:0.59 cao hơn các lần trước rất nhiều. Tôi trình bày hơi dài mong bác thông cảm.
Cảm ơn Bác sĩ!
Theo Bác sĩ Hà Văn Chấn, thông thường người có những bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch sẽ sinh kháng thể chậm, ví dụ như: bệnh ung thư phải dùng hóa trị dài ngày, bệnh tự miễn phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, người ghép tạng phải dùng thuốc chống thải ghép, các cơ địa mà có miễn dịch kém như bệnh nhân xơ gan nặng, bệnh suy thận mãn, bệnh tiểu đường, người già... thì kháng thể có thể tạo ra chậm hơn so với người trẻ, khỏe mạnh và không mắc các bệnh lý nêu trên.
Qua xét nghiệm, bạn đã an toàn với HIV. Các triệu chứng bạn nêu, bạn hãy tìm hiểu về các biểu hiện của bệnh suy nhược thần kinh.
- Bệnh nhân thường kêu ca phàn nàn, mệt mỏi, dai dẳng tăng lên sau một cố gắng trí óc hoặc một cố gắng tối thiểu về thể lực. Tự nhiên đau mỏi cơ bắp, khả năng làm việc sút kém, chóng mệt, hiệu quả thấp.
- Bệnh nhân kém kiên nhẫn, không chịu nổi khi phải chờ đợi, dễ kích thích, nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức. Khi có ý định làm việc gì bệnh nhân muốn nôn nóng làm ngay nhưng khó làm, lại mau chán, mệt mỏi hay bỏ cuộc.
- Bệnh nhân dễ xúc động, mủi lòng, dễ khóc, lo lắng, mất tự chủ, khí sắc giảm.
- Đau đầu: bệnh nhân đau âm ỉ lan tỏa toàn bộ đầu, có cảm giác như đội mũ, thắt khăn chặt, đau đầu tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng.
- Mất ngủ: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không say, hay có mộng, dễ đánh thức và khó ngủ lại, đôi khi mất ngủ trắng đêm, nếu mất ngủ kéo dài thấy quầng mắt bị thâm, sáng dậy bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ngáp vặt.
- Giảm trí nhớ: bệnh nhân giảm cả trí nhớ gần và trí nhớ xa nhưng đặc biệt là trí nhớ gần, học hành sút kém và khó tiếp thu cái mới.
- Rối loạn thần kinh thực vật như hay hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, khó thở, toát mồ hôi, có từng cơn nóng bừng hay lạnh toát, run chân tay, run mi mắt, giảm hoạt động tình dục, di mộng tinh ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
Các triệu chứng trên kéo dài có tính dai dẳng, hay tái phát, nghỉ ngơi thư giãn hồi phục ít hay không hồi phục. Nếu là hội chứng suy nhược thần kinh bệnh nhân còn thấy biểu hiện bệnh lý ở các cơ quan như gan, dạ dày, thần kinh, tim mạch... Vậy suy nhược thần kinh có 1 số biểu hiện triệu chứng như bạn đã nêu trên.
Chúc sức khỏe!