Xạ trị và hóa trị trong điều trị ung thư
Xạ trị và hóa trị là 2 phương pháp phổ biến đang được sử dụng trong điều trị ung thư hiện nay. Vậy xạ trị và hóa trị là gì? Xạ trị và hóa trị gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như thế nào? Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.
Xạ trị và hóa trị trong điều trị ung thư
Hỏi : "Thưa bác sĩ, chồng tôi hiện đang bị ung thư vòm họng. Tôi rất lo lắng cho tình trạng của chồng tôi. Tôi được biết hiện đang có 2 phương pháp điều trị là xạ trị và hóa trị. Xin bác sĩ giải thích giúp tôi về đặc điểm của hai phương pháp điều trị này. Vợ chồng tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ của bệnh viện Vinmec".
(Phạm Thị Anh, Từ Sơn, Bắc Ninh)
Bác sĩ trả lời: Chào chị Phạm Thị Anh, rất cảm ơn chị đã chia sẻ và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Sau đây chúng tôi sẽ giúp chị tìm hiểu về 2 liệu pháp xạ trị và hóa trị, cùng các tác dụng phụ khi điều trị.
1. Xạ trị là gì?
Xạ trị hay còn gọi là phương pháp bức xạ, phương pháp này sử dụng các hạt hoặc sóng năng lượng cao giúp tiêu diệt các tế bào ung thư đang tồn tại trong cơ thể. Bức xạ được đưa vào cơ thể bằng các thiết bị đặc biệt. Bức xạ có thể ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh, tuy nhiên sự ảnh hưởng này không quá mức nghiêm trọng bởi vì các tế bào bình thường có thể tự sửa chữa, còn tế bào ung thư thì không thể.
2. Hóa trị là gì?
Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị là liệu pháp “toàn thân” có nghĩa là nó hoạt động trên toàn cơ thể có mục đích ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Các loại thuốc được sử dụng sẽ thay đổi phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn ung thư kết hợp với tuổi tác và sức khỏe của người bệnh. Mục tiêu chính của hóa trị là giúp ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư đến các bộ phận khác của cơ thể.
3. Cách thức thực hiện xạ trị và hóa trị
Cách thực hiện hóa trị: Bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú tại bệnh viện, hoặc văn phòng bác sĩ hợp pháp, thậm chí là tại nhà theo các cách sau:
- Tiêm vào cơ, tĩnh mạch, hoặc động mạch
- Uống
- Tiêm vào cơ thể
Tuy nhiên dù sử dụng phương pháp nào thì bệnh nhân phải được sự cho phép của bác sĩ có chuyên môn, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lời dặn của bác sĩ.
Cách thực hiện xạ trị: Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định xạ trị từ bên ngoài hay bên trong hoặc xạ trị hệ thống. Và phương pháp này bắt buộc phải sử dụng tại bệnh viện.
- Xạ ngoài: Dùng máy để hướng trực tiếp chùm bức xạ tới vùng khối u.
- Xạ trị trong: Tia xạ được đưa vào bên trong cơ thể bệnh nhân bằng cách cấy phóng xạ vào trong hoặc là tiếp giáp với khối u.
- Xạ trị hệ thống: Người bệnh sẽ nuốt hoặc tiêm thuốc phóng xạ vào máu để có thể điều hướng tới các tế bào ung thư.
4. Tác dụng phụ không mong muốn của hóa trị và xạ trị
Cả hai phương pháp này đều gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho bệnh nhân tiến hành điều trị.
- Hệ miễn dịch của người bệnh sẽ bị suy giảm, khiến cho bệnh nhân dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời bệnh nhân cũng không còn khả năng sinh ra kháng thể để có thể chống lại tế bào ung thư.
- Thiếu máu: Khi thiếu máu bệnh nhân sẽ không đủ chỉ số máu để tiếp tục tiến hành theo phác đồ điều trị. Vì vậy phải truyền máu cho bệnh nhân mới có thể tiếp tục phác đồ được.
- Buồn nôn, nôn: Nguyên nhân là do chức năng của hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. Hệ tiêu hóa suy yếu làm cho việc hấp thu dinh dưỡng cũng giảm đi đáng kể. Điều này sẽ khiến cho bệnh nhân bị thiếu chất trầm trọng và sẽ khiến sức khỏe của bệnh nhân bị giảm sút nhanh chóng và nghiêm trọng.
- Chán ăn, mệt mỏi: Không thể ăn được dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Làm sức khỏe của bệnh nhân giảm sút.
- Bệnh nhân bị rụng tóc tạm thời nhất là bệnh nhân sử dụng phương pháp hóa trị
- Bị đau rát da xung quanh vùng xa: Đây là tác dụng phụ cấp tính đối với bệnh nhân
Kết luận: Qua bài viết này, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hy vọng các bạn đã có những kiến thức về phương pháp xạ trị và hóa trị trong việc điều trị ung thư. Mọi vấn đề về bệnh ung thư các bạn có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn hoặc liên hệ với chúng tôi TẠI ĐÂY để được giải đáp các thắc mắc sớm nhất.
Xem thêm:
- Xạ trị và hóa trị khác nhau như thế nào?
- Ung thư cổ tử cung và các nguyên nhân gây bệnh
- Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư vòm họng