Vì sao chị em nên cân bằng pH âm đạo?
Vùng kín của chị em phụ nữ rất dễ bị vi khuẩn, vi nấm tấn công, khu vực này lại cực kỳ nhạy cảm. Độ pH âm đạo là một vũ khí của cơ thể giúp bảo vệ vùng kín khỏi những tác nhân gây hại. Liệu chị em đã biết rõ về pH âm đạo, vì sao chị em nên cân bằng PH âm đạo, tìm hiểu cũng HoiBenh trong bài viết dưới đây.
Vì sao chị em nên cân bằng pH âm đạo?
Vì sao chị em nên cân bằng pH âm đạo?
Bình thường, niêm mạc âm đạo có khả năng tự bảo vệ khỏi những tác nhân vi khuẩn, vi nấm gây bệnh cho cơ thể với điều kiện độ pH tại vùng kín cân bằng. Sự cân bằng vi hệ trong môi trường pH cân bằng, sẽ tạo nên một hàng rào bảo vệ tự nhiên, chống lại tác nhân gây bệnh.
Khi có tác động khiến pH âm đạo mất cân bằng, hàng rào bảo vệ hoạt động kém hiệu quả, khiến vi sinh vật gây hại dễ dàng tấn công gây viêm nhiễm.
Khi bị viêm nhiễm phụ khoa, làm pH âm đạo trở nên mất cân bằng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công, tạo nên vòng xoắn bệnh lý.
Khi pH mất cân bằng, việc thụ thai sẽ khó khăn hơn, cản trở tinh trùng vào thụ thai, vì tinh trùng sẽ bị tiêu diệt nhiều khi vừa vào tới âm đạo.
Vi khuẩn tấn công vào cơ quan sinh sản, có thể gây viêm nhiễm nấm ngứa âm đạo, âm hộ, viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến... gây ngứa ngáy khó chịu, ra khí hư có mùi hôi, tanh, đau rát khi quan hệ hoặc khi bình thường... ảnh hưởng đến cuộc sống quan hệ vợ chồng cũng như cuộc sống hằng ngày. Khiến chị em phụ nữ mất tự tin, mệt mỏi.
Độ pH âm đạo như thế nào là bình thường?
Hệ vi sinh vật tại âm đạo rất đa dạng, có cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn không có lợi. Hệ vi khuẩn có lợi sẽ bảo vệ âm đạo, chung sống hòa bình với cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại khác. Trong này có Lactobacillus sp, chiếm khoảng 50 - 80% vi hệ tại âm đạo, chúng chuyển hóa Glycogen thành acid lactic. Làm môi trường âm đạo có tính acid, khiến pH tại vùng này cân bằng từ 3,8 - 4,5 đây là pH sinh lý của âm đạo, hay còn gọi là pH cân bằng.
Với độ pH sinh lý này, đã tạo nên cơ chế bảo vệ một cách tự nhiên của hệ sinh dục nữ, chống lại tác nhân từ bên ngoài tác động vào cũng như vi khuẩn tại âm đạo.
Nguyên nhân nào dẫn đến mất cân bằng pH âm đạo
- Sử dụng kháng sinh, điều trị nấm, corticoid kéo dài, liều cao.
- Có thói quen thụt rửa âm đạo sâu vào bên trong.
- Sử dụng các thuốc tránh thai, thuốc điều trị nội tiết tố, thuốc liên quan đến hormone.
- Thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khi ở tuổi trung niên, tiền mãn kinh.
- Một số bệnh lý mãn tính gây thay đổi nhiều vấn đề trong cơ thể như: đái tháo đường, suy giảm miễn dịch...
- Có khối u, khối polyp trong âm đạo, có viêm lộ tuyến...
- Bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa trị xạ.
- Dùng biện pháp tránh thai: dùng thuốc, màng ngăn tránh thai, thuốc diệt tinh trùng, dụng cụ tránh thai...
- Cơ quan sinh dục bị viêm nhiễm, vi nấm, tăng khả năng mất cân bằng pH âm đạo.
Một số biện pháp giúp cân bằng và duy trì pH âm đạo bình thường
Để giữ cân bằng cho pH âm đạo bình thường, chị em có thể thực hiện một số phương pháp dưới đây.
Giữ vệ sinh khu vực âm đạo đúng cách.
- Bạn nên lau khô vùng sinh dục sau khi đi vệ sinh, nếu có thể có thể rửa qua với nước sạch sau khi đi vệ sinh.
- Khi vệ sinh nên rửa ở phần bên ngoài, phần môi bé, môi lớn nên được chú ý rửa nhẹ nhàng, tránh tổn thương cũng như tồn đọng chất dịch của cơ thể.
- Không rửa sâu vào bên trong. Khu vực âm đạo có cơ chế bảo vệ riêng, nó sẽ tự đẩy chất bẩn ra ngoài, bạn chỉ cần rửa bên ngoài âm hộ mà không nên rửa trong âm đạo. Tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.
Tránh để ẩm ướt vùng kín:
- Nên lau khô vùng sinh dục sau khi rửa, hạn chế để ẩm ướt. Môi trường để ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công.
- Không nên thường xuyên ngâm mình trong nước.
- Không nên ngâm mình quá lâu trong nước.
- Không nên mặc quần lót bị ẩm ướt, chưa khô.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên trong thời gian hành kinh, cách 3 - 4 tiếng thay một lần.
- Không nên mặc băng vệ sinh quá nhiều ngày liên tục, dễ gây bí, hôi, dễ sinh vi khuẩn phát triển.
Thay quần lót thường xuyên, nhất là khi bị ướt. Giặt quần lót sạch sẽ, thay hằng ngày, phơi quần lót dưới ánh sáng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn. Không mặc quần lót đang ẩm.
Tránh mặc quần lót, quần dài chật chội, bó sát cơ quan sinh dục, quần cứng, không co giãn. Nên chọn loại quần lót thoáng mát, vải mềm, thấm mồ hôi, rộng rãi.
Không lạm dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ. Dung dịch vệ sinh có độ pH được tính toán để phù hợp với vùng kín, tuy nhiên không nên lạm dụng nhiều, sẽ làm mất độ pH của vùng kín.
Có dấu hiệu viêm nhiễm, ra khí hư trắng đục, nhiều, hôi, tanh, hoặc khí hư có màu vàng, xanh, thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy, rát khó chịu. Nhất là sau khi quan hệ cảm thấy đau, rát, ra máu nhiều. Nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa, để kịp thời kiểm tra điều trị.
Vùng kín của chị em phụ nữ thường rất nhạy cảm, vi khuẩn rất dễ tấn công khu vực này. Độ pH âm đạo đóng vai trò quan trọng trong vấn đề bảo vệ cơ quan sinh sản, ngăn ngừa vi khuẩn, nấm xâm nhập vào cơ thể. Qua bài viết này, chị em đã hiểu được vì sao chị em nên cân bằng pH âm đạo để bảo vệ sức khỏe. Chúc chị em luôn luôn xinh đẹp, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.
Xem thêm:
- Cơ thể chị em như thế nào nếu ngừng quan hệ tình dục?
- Vùng kín hay phát ra tiếng kêu nguyên nhân là gì?
- Sử dụng cốc nguyệt san có làm rách màng trinh không?