Vàng da ở trẻ sơ sinh có bị tái phát không?
Hiện nay tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ là một căn bệnh khá phổ biến. Rất nhiều bậc phụ huynh có con gặp tình trạng này đều có những thắc mắc như vàng da sơ sinh có nguy hiểm cho bé không, khỏi có nhanh không, hay vàng da ở trẻ sơ sinh có bị tái phát không?
Vàng da ở trẻ sơ sinh có bị tái phát không?
Mỗi một em bé được sinh ra đều là một bảo bối vô giá của mỗi cặp vợ chồng. Cha mẹ nào cũng đều mong con ra đời được khỏe mạnh, không bệnh tật. Thế nhưng có không ít những em bé không may mắn khi sinh ra lại tồn tại luôn trong mình một căn bệnh nào đó. Trong đó, tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ là một căn bệnh khá phổ biến. Rất nhiều bậc phụ huynh có con gặp tình trạng này đều có những thắc mắc như vàng da sơ sinh có nguy hiểm cho bé không, khỏi có nhanh không, hay vàng da ở trẻ sơ sinh có bị tái phát không?
1. Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Đây là một căn bệnh xảy ra khi trẻ có bilirubin (sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phân hủy hồng cầu bình thường) cao. Ở trẻ sơ sinh, các tế bào hồng cầu luôn được tạo mới và phá hủy, khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra hemoglobin, chất này sẽ được chuyển hóa tạo thành bilirubin. Tiếp đó, bilirubin sẽ được chuyển hóa tại gan và đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu. Nhưng do gan của trẻ sơ sinh làm việc còn yếu nên khi hồng cầu bị phá vỡ quá nhiều, đồng thời việc thải bilirubin không hiệu quả thì sẽ gây ra tình trạng tăng bilirubin trong máu, gây nên hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh. Đây được gọi là vàng da sơ sinh sinh lý.
Tình trạng vàng da sơ sinh gặp ở đa số trẻ sinh non và khoảng 25% trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên với trường hợp vàng da sơ sinh sinh lý thì hầu hết các dấu hiệu vàng da sẽ không còn sau 2 đến 3 tuần.
Còn một trường hợp nữa gọi là vàng da sơ sinh bệnh lý, thường có triệu chứng là tình trạng vàng da kéo dài hơn 3 tuần. Đối với những trường hợp này thì em bé có thể gặp những nguy cơ như bị điếc, bại não hoặc các dạng tổn thương não khác. Do đó, theo kiến nghị của các chuyên gia, tất cả trẻ sơ sinh đều phải được kiểm tra dấu hiệu vàng da trước và sau khi xuất viện vào ngày.
2. Làm thế nào để phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý?
Vàng da sơ sinh sinh lý:
- Xuất hiện sau 1 ngày tuổi.
- Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 1 tuần với trẻ non tháng.
- Mức độ vàng da nhẹ (vàng da vùng mặt, cổ, ngực). Tốc độ vàng da tăng chậm (cao nhất vào ngày 3 - 4 với trẻ đủ tháng, ngày 5 - 6 với trẻ thiếu tháng và sau đó giảm dần).
- Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bú yếu, lừ đừ...).
- Nồng độ bilirubin trong máu không quá 12 mg/dL ở trẻ đủ tháng và không quá 14 mg/dl ở trẻ non tháng.
- Tốc độ tăng bilirubin trong máu không quá 5% trong 24 giờ.
Vàng da sơ sinh bệnh lý:
- Vàng da xuất hiện sớm trước 24 - 36 giờ tuổi.
- Mức độ vàng da từ vừa đến nặng, vàng toàn thân.
- Tốc độ vàng da tăng nhanh.
- Vàng da kéo dài trên 1 tuần đói với trẻ đủ tháng hay trên 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng.
- Vàng da có kèm với bất kỳ dấu hiệu bất thường khác như nôn, bú kém, bụng chướng, nhịp tim bất thường, hạ thân nhiệt, sụt cân...
3. Vàng da sơ sinh ở trẻ điều trị như thế nào?
Chứng vàng da sơ sinh sinh lý thường diễn biến nhẹ và có thể tự hết vì khi bắt đầu lớn thì gan của em bé bắt đầu trưởng thành. Mẹ cho con bú thường xuyên (từ 8 đến 12 lần một ngày) sẽ giúp trẻ tăng cường đào thải bilirubin.
Bệnh vàng da sơ sinh bệnh lý nghiêm trọng hơn thì có thể cần các phương pháp điều trị khác. Liệu pháp trị liệu bằng chiếu đèn là phương pháp điều trị thông thường và có hiệu quả cao. Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng để phá vỡ bilirubin trong cơ thể của em bé. Với liệu pháp trị liệu này, bé sẽ mặc một cái tã và đeo kính bảo vệ mắt đặc biệt, sau đó được đặt trên một chiếc giường đặc biệt dưới ánh sáng màu xanh. Trong những trường hợp rất nặng, có thể sẽ cần phải truyền máu cho bé. Việc này sẽ thay thế máu bị hỏng của bé bằng các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, đồng thời cũng làm tăng số tế bào hồng cầu của bé và làm giảm mức bilirubin.
4. Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy cơ tái phát không?
Đối với vàng da sơ sinh sinh lý, bệnh có thể tự hết và không tái phát sau khoảng 3 tuần đến 1 tháng sau sinh. Việc cần làm lúc này là đưa cháu đi khám định kỳ để theo dõi sự phát triển thể chất, tâm sinh lý và chích ngừa như các trẻ khác. Tuy nhiên, có những trường hợp vàng da sơ sinh sinh lý có thể thể chuyển thành bệnh lý. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ vàng da bệnh lý có thể bị biến chứng nhiễm độc thần kinh, mà hậu quả rất nghiêm trọng là trẻ sẽ có nguy cơ tử vong, nếu sống sót cũng bị bại não suốt đời.
Tuy là một căn bệnh phổ biến nhưng vàng da sơ sinh sinh lý thực chất không có quá nhiều nguy hiểm với bé, còn tình trạng vàng da bệnh lý nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì cũng sẽ có thể không để lại hậu quả xấu cũng như nguy cơ tái phát. Vậy nên, ngay khi bé chào đời, cha mẹ nên đưa bé đi thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để có thể phát hiện kịp những bất thường ở trẻ, không chỉ ở căn bệnh vàng da mà còn nhiều căn bệnh khác nữa.
Xem thêm:
- Vàng da ở trẻ sơ sinh và cách điều trị
- Chỉ số Bilirubin và bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
- Trẻ sơ sinh bị vàng da mẹ nên ăn gì giúp con nhanh khỏi?