Vắc-xin bệnh dại có gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh không?
Tại Việt Nam, bệnh dại hiện vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng vắc-xin bệnh dại vẫn không ngừng tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều người khi bị chó cắn vẫn còn loay hoay không biết chích ngừa vắc-xin ngừa bệnh dại có cần thiết và gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh hay không?
Vắc-xin bệnh dại có gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh không?
Bệnh dại và vắc-xin phòng bệnh dại
Bệnh dại là căn bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại (rabies virus) gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền qua vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh dại lên vùng da và niêm mạc bị tổn thương. Đa số bệnh dại có nguồn truyền bệnh chính là chó.
Một khi bệnh nhân đã lên cơn dại thì đều dẫn đến hậu quả 100% tử vong. Triệu chứng điển hình, thường gặp của người bị bệnh dại là tăng kích thích, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, co thắt các cơ hô hấp, tăng tiết đờm dãi và liệt.
Điều đáng lo ngại nhất là bệnh dại chưa có thuốc đặc trị. Hiện nay chỉ có thể điều trị dự phòng bằng cách tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại. Vắc xin chủng ngừa có 2 hình thức là phòng ngừa chủ động trên vật nuôi hoặc trên người trong các trường hợp nghi mắc bệnh dại.
Thời điểm tốt nhất để tiêm ngừa vắc-xin bệnh dại
Các chuyên gia khuyến cáo, người bị chó, mèo cắn cần được tiêm vắc-xin bệnh dại càng sớm càng tốt để cứu sống tính mạng và tránh khỏi đau đớn có thể xảy ra.
Ngay sau khi bị chó dại cắn (hoặc nghi động vật bị dại cắn), nạn nhân cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch hay dung dịch sát khuẩn (xà phòng, iodine) ngay lập tức. Tiếp theo là cần đến bệnh viện, cơ sở y tế để tiêm phòng dại.
Thời gian vàng để can thiệp và điều trị dự phòng tốt nhất là trong vòng 24 – 48 giờ sau khi bị cắn. Nếu thời gian kéo dài, chậm trễ thì hiệu quả điều trị càng kém, bệnh nhân có nguy cơ cao về tế bào thần kinh bị tổn thương.
Vắc-xin phòng dại có gây hại không?
Hiện tại, vắc-xin bệnh dại chủ yếu được nhập khẩu và phổ biến nhất là 2 loại vắc xin Abhayrab (Ấn Độ) và Verorab (Pháp). Trong đó, vắc xin Verorab vẫn được sử dụng nhiều hơn. Khả năng miễn dịch của cơ thể được duy trì lâu dài sau khi được tiêm ngừa đầy đủ.
Vắc-xin dại có thể sử dụng an toàn đối với mọi lứa tuổi. Sau khi chủng ngừa vắc-xin bệnh dại, có khoảng 35 – 45% người có biểu hiện sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm, 5 – 15% có biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn nhưng các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất một vài ngày sau đó.
Nhiều người lo lắng khi tiêm vắc-xin dại vào người sẽ gây hại và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhất là hệ thần kinh. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm và thiếu chứng cứ xác thực. Với sự phát triển của công nghệ khoa học, vắc-xin bệnh dại thế hệ mới có chiết xuất từ tế bào thận khỉ, tế bào lưỡng bội người, tế bào vero tinh khiết, đồng thời virus dại đã được bất hoạt nên hoàn toàn không gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh.
Chính vì thế, mọi người có thể yên tâm và không cần lo lắng về vấn đề này. Ngược lại, cần tranh thủ thời gian để tiêm vắc-xin phòng dại ngay nhằm tránh tai biến đáng tiếc nguy hiểm tính mạng. Cần lưu ý, sau khi tiêm phòng 6 tháng cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích, làm việc nặng, sử dụng thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch bởi sẽ làm giảm hiệu quả của vắc xin. Phụ nữ mang thai, trẻ em cần thận trọng và tuân thủ chỉ định của bác sĩ, theo dõi chặt chẽ.
Vắc-xin bệnh dại có giá bao nhiêu và lịch tiêm phòng
Tiêm phòng vắc-xin bệnh dại được thực hiện tại các Trung tâm Y tế Dự phòng địa phương, Viện Pasteur, ... với mức giá khoảng 160.000 – 200.000 đồng/mũi tiêm đối với vắc xin Verorab.
Đây là vắc xin dịch vụ không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia nên người tiêm phải chịu chi phí này.
Liều dùng:
- Vắc-xin Verorab liều 0,5ml tiêm bắp sau khi hoàn nguyên (người lớn tiêm ở cùng cơ delta cánh tay, trẻ em ở mặt trước bên đùi). Tiêm 5 mũi cơ bản sau khi bị cắn theo lịch: 0, 3, 7, 14, 28 ngày (nếu tiêm dự phòng thì rút xuống còn 3 mũi theo phác đồ 0, 7, 21 ngày hoặc 0, 7, 28 ngày).
- Mũi nhắc: đối với trường hợp tiêm đủ 5 mũi thì sau 5 năm tiêm thêm 2 mũi theo lịch là 0 và 3 ngày. Còn lại điều trị dự phòng thì sau 1 năm tiêm nhắc mũi 4, sau đó cứ 5 năm tiếp theo tiêm 1 lần.
Bên cạnh đó, vắc-xin bệnh dại còn tiêm trong da liều 0,1ml áp dụng đối với người đã tiêm vắc xin nhưng chưa đủ liều, quá 5 năm nhưng chưa tiêm nhắc lại, chưa từng tiêm vắc xin phòng dại. Tiêm 2 liều tại 2 vị trí khác nhau vào ngày 0, 3, 7. Sau đó tiêm 1 liều vào ngày 28 và ngày 90.
Khi tiêm phòng tuyệt đối không tiêm vào lòng mạch máu, không tiêm vào bắp ở người rối loạn chảy máu, giảm tiểu cầu. Không tiêm trong da ở người bị khiếm khuyết miễn dịch, trẻ em bị cắn ở đầu, cổ, người đang dùng thuốc corticosteroid dài ngày, ...
Để tránh tình trạng thiếu hụt, khan hiếm vắc-xin, người bệnh cần chủ động liên hệ và đặt lịch trước. Điều này sẽ giúp bạn không bị gián đoạn phác đồ điều trị, tiêm không đủ liều.
Chủ động phòng chống bệnh dại
- Chó, mèo và động vật nuôi khác cần được tiêm phòng đầy đủ, tiêm nhắc lại mỗi năm theo đúng khuyến cáo của ngành thú y.
- Tuyệt đối không thả rông chó mèo ra ngoài đường. Khi chó ra ngoài phải đeo rọ mõm, xích cẩn thận để không cắn người.
- Không cho trẻ đến gần, trêu chọc hoặc đùa nghịch chó, mèo, nhất là khi chúng đang ăn.
- Cần theo dõi sát sao tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần để có hướng xử lý tiếp theo.
- Báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền để có biện pháp can thiệp đối với động vật bị dại.
- Tiêm vắc-xin bệnh dại đúng lịch, đủ mũi để phòng bệnh là cách an toàn nhất. Đặc biệt, không được dùng thuốc nam, đắp lá, nhờ thầy lang để chữa bệnh dại.
Xem thêm:
- Thời gian ủ bệnh dại ở người là bao lâu?
- Đừng nghĩ chỉ chó cắn mới bị bệnh dại, mèo cắn cũng có nguy cơ tử vong
- Bị chó cào vào chân, liệu có mắc bệnh dại không?