TS Bùi Văn Giang: 10 năm nghiên cứu kỹ thuật nút thông động mạch cảnh xoang hang điều trị bệnh cho người Việt

Một trong các công trình vừa nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh và được đánh giá cao là công trình ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị thông động mạch cảnh xoang hang do TS. BS Bùi Văn Giang – Phó Trưởng bộ môn chẩn đoán hình ảnh- trường Đại học Y Hà Nội thực hiện.

TS Bùi Văn Giang: 10 năm nghiên cứu kỹ thuật nút thông động mạch cảnh xoang hang điều trị bệnh cho người Việt TS Bùi Văn Giang: 10 năm nghiên cứu kỹ thuật nút thông động mạch cảnh xoang hang điều trị bệnh cho người Việt

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH-CN

Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) vừa tổ chức lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH-CN. Trong đó Cụm công trình Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Một đề tài trong cụm công trình vừa nhận được giải thưởng đợt này là công trình ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị thông động mạch cảnh xoang hang do TS. BS Bùi Văn Giang – Phó Trưởng bộ môn chẩn đoán hình ảnh- trường Đại học Y Hà Nội đứng đầu.

Nói về GS.TS Phạm Minh Thông - Trưởng khoa X Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời Trưởng bộ môn chẩn đoán hình ảnh Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là Chủ trì của cụm công trình vừa đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, TS Giang chia sẻ, với sự nhiệt tình cùng quyết tâm cao, GS Thông đã tập hợp được một đội ngũ y bác sĩ đầy lòng nhiệt huyết, đồng lòng dốc sức nghiên cứu mang đến những kỹ thuật, phương pháp điều trị mới mang lại lợi ích cho người bệnh.

Về công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị thông động mạch cảnh xoang hang, TS Giang cho biết, đây là đề tài TS đã làm để bảo vệ luận án tiến sĩ, nghiên cứu được thực hiện trong suốt 10 năm trên đối tượng là bệnh nhân ở Việt Nam. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Văn Giang về nghiên cứu vừa đoạt giải thưởng này.

vicare.vn-ts-bui-van-giang-1

TS Bùi Văn Giang


Phóng viên: Xin chúc mừng ông và nhóm nghiên cứu đã vừa có 1 trong 3 cụm công trình vừa đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2016. Thưa ông, xuất phát từ ý tưởng nào mà ông đã thực hiện nghiên cứu kỹ thuật nút thông động mạch cảnh xoang hang?

TS. BS Bùi Văn Giang: Xuất phát từ thực tế, trước đây, khi kỹ thuật này chưa xuất hiện ở Việt Nam, trong khi đó bệnh nhân mắc bệnh lại rất đông, thậm chí số bệnh nhân mắc bệnh tại Việt Nam còn đông hơn cả ở các nước phát triển. Lúc đó, tại Việt Nam số ca tai nạn xe máy rất nhiều, chấn thương vùng đầu rất phổ biến do thời đó chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, nhưng bác sĩ chúng tôi bất lực nhìn người bệnh vì chưa có kỹ thuật và trang thiết bị còn rất hạn chế để điều trị cho bệnh nhân.

Vỡ động mạch thường xuất hiện sau một chấn thương sọ não, nó có thể xuất hiện triệu chứng ngay, nhưng cũng có thể xuất hiện một vài tháng sau chấn thương sọ não, bao gồm mắt lồi lên, kết mạc cương tụ, đỏ, nhãn cầu lồi ra ngoài, tai nghe ù ù như cối xay lúa.

Tôi còn nhớ, hồi đó GS Thông rất quyết tâm triển khai kỹ thuật này, ông đã vận động bằng mọi cách tìm mua trang thiết bị, hoặc xin hỗ trợ từ nước ngoài. Còn bác sĩ chúng tôi được học kỹ thuật này ở nước ngoài.

Phóng viên: Xin ông mô tả kỹ hơn về kỹ thuật can thiệp nội mạch trong chẩn đoán và điều trị thông động mạch cảnh xoang hang?

TS. BS Bùi Văn Giang: Thông động mạch cảnh xoang hang là bệnh lí thường gặp sau chấn thương, động mạch bị vỡ chảy máu vào xoang tĩnh mạch với biểu hiện bên ngoài là làm mắt lồi lên, kết mạc cương tụ, tai ù đi, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Trên thế giới đã áp dụng việc nút động mạch bằng nhiều vật liệu khác nhau, và tại Việt Nam lựa chọn phương pháp nút bằng bóng, tức là đưa 1 dây nhỏ đầu mang quả bóng, đến chỗ vỡ bơm quả bóng lên đóng đường thông đó lại. Ngay sau can thiệp bệnh nhân sẽ giảm ngay các triệu chứng của bệnh. Kỹ thuật này thay thế hoàn toàn phẫu thuật trong điều trị bệnh thông động mạch cảnh xoang hang do chấn thương, nó có nhiều ưu việt hơn so với mổ mở là ít biến chứng, bệnh nhân hồi phục nhanh. Hiện nay trên thế giới sử dụng nhiều vật liệu hiện đại nhưng chúng ta vẫn lựa chọn kỹ thuật bơm bóng vì giá thành không cao trong khi kết quả rất tốt vì các bác sĩ Việt chúng ta thành thạo và có nhiều kinh nghiệm hơn.

Phóng viên: Trong quá trình nghiên cứu ông và nhóm của mình có gặp khó khăn gì không, và ông đã vượt qua các khó khăn đó như thế nào?

TS. BS Bùi Văn Giang: Khó khăn thì rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến là kỹ thuật, chúng tôi phải mời các chuyên gia nước ngoài sang, hoặc tìm hướng đi học kỹ thuật ở nước ngoài. Khó khăn nữa là thiếu các trang thiết bị cần thiết để tiến hành can thiệp. Để giải quyết những khó khăn này, một mặt GS Thông đã bằng mọi cách tìm mua hoặc đi xin các trang thiết bị, mặt khác chúng tôi đã nhờ cậy GS người Pháp Herve Deramond hỗ trợ các vật tư cho các ca can thiệp đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi kỹ thuật này được đưa vào Việt Nam tôi đã làm đề tài tiến sĩ nghiên cứu áp dụng kĩ thuật này trên bệnh nhân Việt Nam.

Phóng viên: Hiện nay kỹ thuật nút thông động mạch cảnh xoang hang có phổ biến trong điều trị bệnh hay không? Nó đem lại lợi ích gì cho người bệnh thưa ông?

TS. BS Bùi Văn Giang: Hiện nay kỹ thuật này được áp dụng khá rộng rãi từ Bắc chí Nam. Hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương đều thực hiện được, một số bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã được chuyển giao kỹ thuật và thực hiện được như Bệnh viện Nghệ An.

Với các ca vỡ động mạch do chấn thương trước đây, bệnh nhân đều phải mổ với kỹ thuật lấy một miếng thịt tự thân của người bệnh thả vào động mạch. Tuy nhiên cách này mang tính may rủi nhiều hơn, vì có thể bít được hoặc không lỗ thông. Bên cạnh đó phẫu thuật đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Nhưng với kỹ thuật nút thông động mạch xoang hang này, là một kỹ thuật ít xâm lấn, tỷ lệ nút được rất cao, người bệnh có thể phục hồi nhanh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Thông tin về TS. Bùi Văn Giang

TS.BS Bùi Văn Giang

Năm 1993: Tốt nghiệp đại học

Năm 1994-1997: Học nội trú chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà nội

Năm 1999: Bắt đầu nghiên cứu những bệnh nhân đầu tiên về vỡ động mạch cảnh do chấn thương

Năm 2013: Làm Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn

Năm 2009: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài Nút thông động mạch cảnh xoang hang

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống