Triệu chứng và cách điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Hiện nay, các bệnh lý tim mạch là một trong những bệnh mãn tính có tỉ lệ tử vong hàng đầu thế giới. Trong đó đáng chú ý nhất là bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ (hay còn gọi là bệnh mạch vành). Hiểu biết về bệnh cũng như các phương pháp điều trị phù hợp là cách tốt nhất để phòng ngừa biến chứng xảy ra.
Triệu chứng và cách điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Thế nào là bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ?
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hay được gọi bệnh động mạch vành, là tình trạng gây ra do động mạch vành (hệ thống mạch máu nuôi tim) bị hẹp làm hạn chế cung cấp máu và các chất dinh dưỡng cho tim.
Việc giảm cung cấp máu đồng nghĩa với giảm cung cấp oxy cho cơ tim, điều này gây tổn thương cơ tim, giảm khả năng bơm máu, gây ra loạn nhịp tim nghiêm trọng. Khi bất ngờ tắc nghẽn động mạch vành nặng có thể dẫn đến một cơn nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm.
Bệnh có thể diễn tiến mạn tính hay cấp tính. Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ làm giảm chất lượng sống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao
- Tuổi tác và giới tính: bệnh hay gặp ở nam giới trên 45 và nữ giới trên 55 tuổi. Với phụ nữ dưới 55 tuổi, chưa mãn kinh, buồng trứng sẽ tiết ra nội tiết tố bảo vệ lớp nội mạc mạch máu và giúp giảm các thành phần mỡ máu một cách hiệu quả. Do đó phụ nữ dưới 55 tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Nghiện hút thuốc lá, nghiện rượu.
- Mắc các bệnh mãn tính khác như cao huyết áp, tiểu đường hoặc rối loạn mỡ máu.
- Người lười ít vận động, béo phì, có lối sống tĩnh tại.
- Căng thẳng kéo dài.
Triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có 2 diễn tiến chính là mạn tính (bệnh thiếu máu cục bộ mạn hay còn gọi là suy động mạch vành mạn hoặc đau thắt ngực ổn định) và cấp tính (hội chứng vành cấp). Triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là đau thắt ngực, chia làm 2 loại: đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định.
Đau thắt ngực ổn định
- Đau thắt ngực, xuất hiện khi gắng sức như khi đi lên lầu cao hoặc xách đồ nặng, có thể phụ thuộc vào thời tiết, sau ăn cơm, sau xúc động, sau giao hợp...
- Vị trí đau ở vùng sau xương ức, có thể hơi lệch sang trái. Cơn đau có thể lan lên cổ, vai, hàm, thượng vị và lan dọc bờ trong của tay trái.
- Tính chất cơn đau: siết chặt, đè ép, co thắt, nghẹt thở, nóng bỏng, xoắn vặn, nặng ngực...
- Thời gian: thường vài phút (dưới 20 phút).
- Số lần xuất hiện các cơn đau thay đổi theo từng bệnh nhân, có khí rất thưa (1 - 2 cơn/năm) nhưng cũng có khi đau thường xuyên. Đau giảm đáng kể khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc nitroglycerin.
- Dấu hiệu kèm theo: hồi hộp, lo âu, khó thở, vã mồ hôi.
Đau thắt ngực không ổn định
Khi một nhánh động mạch của tim bị hẹp nặng gây tắc đột ngột, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.
- Đau không thể dự đoán được, dù không làm việc nặng hoặc gắng sức vẫn xuất hiện cơn đau.
- Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện vào sáng sớm hoặc từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối, đau dữ dội có thể xuất hiện trong lúc đang nghỉ ngơi, vị trí đau sau xương ức hoặc ngực trái và hướng lan là lên cổ, hàm dưới, vai trái. Ví dụ lúc trước làm việc nhà không có vấn đề gì, nhưng dạo gần đây khi làm lại đau ngực, hụt hơi, không thở nổi... nên đi khám ngay.
- Đau thắt ngực đột nhiên thay đổi tính chất so với trước đây, cường độ đau tăng dần, tần suất xuất hiện dày lên, thời gian kéo dài hơn, không thuyên giảm khi dùng thuốc nitroglycerin.
Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp: hai hàm cứng khít lại, khó mở miệng. Cồn cào, khó chịu ở vùng sát dưới mỏm xương ức và trên rốn gây ra buồn nôn. Tê tay trái. Nghẹt thở, ho.
Các phương pháp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ trước hết phải giải quyết nguyên nhân gây bệnh là xơ vữa mạch. Mục tiêu điều trị chính là làm chậm tiến triển mảng xơ vữa và ngăn ngừa biến chứng ở động mạch vành, tăng lưu thông máu, cải thiện triệu chứng, giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Phương pháp điều trị được lựa chọn tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh, điều trị nội khoa kết hợp ngoại khoa và chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp.
Điều trị nội khoa bằng thuốc: việc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ tuy không thể chữa khỏi nhưng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chức năng tim. Một số nhóm thuốc thường được sử dụng cho bệnh lý này bao gồm:
- Thuốc chẹn beta (hay còn gọi là Beta-blocker): giảm huyết áp, giảm nhịp tim.
- Thuốc chẹn kênh canxi: giãn mạch, giảm huyết áp và cải thiện tuần hoàn mạch vành.
- Nhóm thuốc lợi tiểu: giảm huyết áp, giảm thể tích tuần hoàn giúp cải thiện triệu chứng như phù, khó thở.
- Bên cạnh đó vẫn phải duy trì các thuốc điều trị bệnh mãn tính đi kèm (nếu có) gồm: thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn lipid máu, thuốc chống đông, thuốc điều trị đái tháo đường...
Điều trị ngoại khoa: can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là phương pháp được sử dụng trong trường hợp không đáp ứng với thuốc, mạch vành bị tắc hẹp nặng làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh. Hoặc trường hợp mức độ tắc hẹp không nhiều nhưng mảng xơ vữa không ổn định, nguy cơ gây cơn nhồi máu cơ tim cao cũng có thể cân nhắc điều trị theo phương pháp này. Các phương pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định khi thật cần thiết vì nó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
- Can thiệp nong mạch, đặt stent mạch vành là kỹ thuật giúp tái lưu thông máu qua động mạch vành. Phương pháp được thực hiện bằng cách mở rộng lòng mạch bị hẹp, đặt một khung lưới vào chỗ bị tắc hẹp (stent) để giữ cho lòng mạch không bị hẹp trở lại. Sau đặt stent mạch vành, bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông để dự phòng huyết khối suốt đời.
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành áp dụng khi bệnh thiếu máu cơ tim nặng, mạch vành bị tổn thương quá nghiêm trọng, ở nhiều vị trí và không thể can thiệp nong mạch, đặt stent được. Phẫu thuật được thực hiện bằng cách tách một phần động mạch hoặc tĩnh mạch của chính cơ thể người bệnh để làm cầu nối bắc qua vị trí mạch vành bị tắc hẹp.
Phương pháp điều trị không dùng thuốc – thay đổi lối sống
- Chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bệnh nhân đang điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ giảm đáng kể nguy cơ biến chứng nhồi máu cơ tim. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm dầu mỡ, chất béo động vật và muối.
- Tập thể dục đều đặn và vừa sức giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu cơ tim và tránh cơn nhồi máu. Nên đi bộ tối thiểu 5 buổi/tuần, 30 - 40 phút/ngày, nếu được hãy tăng dần thời gian tập lên tùy thuộc vào sức của bạn.
- Bỏ thuốc lá, tránh xa ma túy và đồ uống có cồn cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị thiếu máu cơ tim.
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ về bệnh, chọn cho mình lối sống lành mạnh và phương pháp điều trị phù hợp là cách hiệu quả giúp bạn đẩy lùi bệnh tật.
Xem thêm:
- Bệnh thiếu máu cơ tim nguy hiểm thế nào?
- Thực phẩm tốt cho người bị bệnh thiếu máu cơ tim