Trẻ sơ sinh bị ọc sữa khắc phục như thế nào?
Trong 6 tháng đầu đời, việc trẻ sơ sinh bị ọc sữa diễn ra khá thường xuyên. Trẻ có thể ọc ra sữa mới bú xong, hoặc cũng có thể ọc ra sữa vón cục, đã được tiêu hóa một phần ở trong dạ dày. Vậy tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa có gì đáng lo ngại không, bài viết sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn.
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa khắc phục như thế nào?
Trong 6 tháng đầu đời, việc trẻ sơ sinh bị ọc sữa diễn ra khá thường xuyên. Trẻ có thể ọc ra sữa mới bú xong, hoặc cũng có thể ọc ra sữa vón cục, đã được tiêu hóa một phần ở trong dạ dày. Vậy tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa có gì đáng lo ngại không, bài viết sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn.
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ọc sữa
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nguyên nhân chính là do sự tống xuất sữa từ dạ dày lên thực quản đến miệng và ra ngoài, có thể do sinh lý hoặc bệnh lý.
Khi ăn, thức ăn từ miệng qua thực quản xuống đến dạ dày.. Bình thường, tâm vị đóng kín ngăn thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
Bất kỳ nguyên nhân nào, do sinh lý hay do bệnh lý, làm rối loạn hoạt động co thắt của các cơ ống tiêu hóa, rối loạn nhu động hoặc sự tắc nghẽn ống tiêu hóa, có thể khiến ống tâm vị bị đột ngột mở, gây ra hiện tượng nôn ọc.
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa do sinh lý
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hoạt động co bóp của các cơ đường tiêu hóa đôi lúc không đồng bộ gây nên sự rối loạn nhu động ruột và trẻ bị ọc sữa. Ngoài ra, tâm vị trẻ không đóng kín, cơ vòng thực quản dưới không siết chặt làm cho sữa từ dạ dày trào lên thực quản. Nếu trẻ quấy khóc, vặn vẹo thân mình, rặn đi tiêu... sẽ làm tăng áp lực trong bụng và trẻ ọc sữa.
Thông thường khi trẻ bú, sẽ nuốt một lượng hơi vào trong dạ dày. Nếu cho bú không đúng cách, lượng hơi nuốt vào dạ dày nhiều, dạ dày chứa một lượng lớn vừa sữa vừa hơi, áp suất tăng sẽ dễ dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa. Nếu khoảng cách các cữ bú quá ngắn, trẻ bú quá nhanh hoặc quá lâu, lượng sữa quá nhiều cũng gây nên ọc sữa.
Ở trẻ non tháng cũng thường khi xảy ra hiện tượng ọc sữa nhưng sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu chúng ta chăm sóc đúng cách và điều trị nâng đỡ thích hợp.
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa do bệnh lý
Nếu mẹ đã có biện pháp khắc phục những nguyên nhân do sinh lý nhưng tình trạng ọc sữa, nôn trớ ở trẻ vẫn cứ tiếp diễn hoặc nếu trẻ sơ sinh bị ọc sữa, nôn trớ kèm theo một số dấu hiệu khác thì mẹ cần lưu ý bởi rất có thể bé bị một bệnh lý nào đó.
Trong trường hợp trẻ bị bệnh, nhiễm trùng hô hấp hay tiêu hóa,cũng có thể dẫn đến trẻ sơ sinh bị ọc sữa. Trong trường hợp này, ngoài hiện tượng ói, trẻ còn có thể có các dấu hiệu khác kèm theo như ho, chảy mũi, sốt hoặc tiêu phân bất thường...
Một số trẻ mắc chứng hẹp phì đại môn vị cũng thường xuyên bị ói do sữa đi qua môn vị khó khăn. Thông thường trẻ không ọc sữa những ngày đầu sau sinh. Hiện tượng trẻ ọc sữa xuất hiện từ tuần thứ 2 trở đi. Lúc đầu trẻ chỉ hay trớ sữa, sau đó ọc sữa dữ dội (nôn vọt), sau mỗi lần bú là ọc sữa. Đặc biệt, trẻ thường ọc sau bú (có nghĩa là không ọc tức thì ngay sau bú) và không bao giờ ọc ra dịch vàng hay dịch xanh. Trong trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ chuyên khoa nhi khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong trường hợp lồng ruột, trẻ đột ngột nôn ói nhiều kèm theo là khóc thét từng cơn dữ dội, xanh tái, có thể đi tiêu nhày máu sau đau bụng khoảng 6 giờ. Bệnh này thường gặp ở trẻ trai bụ bẫm, dưới 24 tháng tuổi, nhiều nhất ở trẻ 3 – 6 tháng tuổi. Đây là 1 cấp cứu ngoại khoa. Vì vậy, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi trẻ có biểu hiện ọc sữa liên tục mặc dù không bú cũng ọc, hoặc ói ra rồi bú, bú xong lại ói ra thì rất có thể trẻ bị các dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp tá tràng, thực quản,...
Trẻ đột nhiên ói, khi đang bú bình thường thì bỗng nhiên khóc thét lên, bụng có thể nổi phồng lên thì có thể trẻ bị một số bệnh đường tiêu hóa như tắc ruột, lồng ruột hay gặp ở những trẻ sau 3 tháng tuổi.
Trẻ bị ọc sữa kèm theo giật mình, vặn mình, thậm chí co giật, quấy khóc ban đêm thì là do trẻ bị thiếu canxi.
Có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ sơ sinh bị ọc sữa, trong đó có những nguyên nhân không do bệnh mà chúng ta có thể loại bỏ được. Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân gây ọc sữa cần có sự can thiệp điều trị kịp thời.
2. Biểu hiện tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa
Trẻ sơ sinh có thể nôn trớ ọc sữa ở nhiều mức độ khác nhau. Có những trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều khi vừa mới bú xong, khi nấc cụt, ho hay vặn vẹo người. Một số trẻ sơ sinh bị ọc sữa sau khi bú, mẹ thay đổi tư thế hoặc có bé bú xong ngủ một giấc rồi dậy trớ ra sữa vón cục đã tiêu hóa dở.
Điển hình mẹ quan sát thấy là trẻ sơ sinh ọc sữa rất nhiều như vòi nước chảy, trớ như vòi rồng, khiến người lớn hoảng hốt. Nhưng có một số trẻ thì biểu hiện nhẹ hơn, chỉ trớ lên tới cổ xong trẻ tự nuốt xuống hoặc chỉ trớ một chút ra khóe miệng. Những trường này dễ bỏ sót, phải quan sát cẩn thận mới phát hiện được.
Khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa trở thành trào ngược dạ dày thực quản sẽ có những biểu hiện cụ thể như sau:
- Mức độ nhẹ: Ho, sặc khi bú, bé hay nằm cong lưng do axit dịch vị dạ dày trèo lên thực quản, ọc sữa thường xuyên, hay ợ hơi, chán ăn, chậm tăng cân, rối loạn giấc ngủ, ban đêm ngủ không yên giấc.
- Mức Độ nặng: Khóc thét khi đang nằm ngủ, kích thích quấy khóc nhiều, khó cho bé ăn, khó nuốt, bé từ chối ăn phải ép ăn, hơi thở bé chua, có mùi acid, thường xuyên đi tiêu phân lỏng hoặc táo bón.
Những biến chứng của tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp phải ở trẻ nếu không được điều trị đó là suy dinh dưỡng, viêm thực quản, hẹp thực quản...
3. Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa
Mẹ ngay lập tực đặt bé xuống nằm nghiêng 1 bên để sữa trào ra ngoài qua khóe miệng. Làm như thế để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa lên mũi hay vào vòi tai bé, sẽ dễ bị viêm tai giữa. Sau đó mẹ cần nhỏ hay hút và rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý.
Sau 30 phút mẹ có thể cho bé ăn lại. Không cho ăn lại ngay lập tức vì bé còn hoảng sợ và dễ bị nôn tiếp.
Các vỗ lưng ợ hơi có thể giúp hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa:
- Tư thế 1: Bế bé theo tư thế thẳng, đầu và mặt tựa vào vai mẹ. Nhẹ nhàng xoa phía sau lưng cho bé dễ chịu. Nếu bé không phản ứng gì mẹ có thể vỗ nhẹ sau lưng. Thực hiện, nhấc cao tay rồi vỗ nhẹ lại cho bé là được. Đế đề phòng bé bị ọc sữa và nôn trớ, mẹ có thể kê thêm 1 chiếc khăn chuyên dùng để chăm sóc trẻ sơ sinh trên vai trước khi thực hiện.
- Tư thế 2: Đặt bé với tư thế nằm úp trên đùi mẹ. Tư thế này giúp bé vừa có thể ngủ ngon, vừa được mẹ xoa nhẹ lưng để giải phóng khí đang mắc kẹt trong dạ dày.
- Tư thế 3: Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, sau khi cho bé bú được tầm 60ml sữa, mẹ có thể giữ bé bằng hai tay, một tay đặt trước ngực, một tay đặt sau lưng bé. Khi mẹ dịu dàng nhấc bé lên, khí trong người bé sẽ hoàn toàn được giải phóng, qua đó ngừa được việc bé nôn trớ, đầy hơi.
- Tư thế 4: Nếu không dùng những cách trên, mẹ có thể thử bế bé lên vai với một tay giữ phần mông và khum tay còn lại xoa hoặc vỗ nhẹ lên lưng trong khoảng 5-15 phút. Nếu bé có dấu hiệu ợ hơi ra ngoài là thành công.
4. Một số biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa
Sữa mẹ là sữa tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì vậy tốt nhất nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp, không nên bú sữa mẹ qua bình. Thời gian trẻ bú mẹ trực tiếp vừa đủ để dạ dày trẻ giãn ra đúng mức, giúp dạ dày đủ chứa lượng sữa bú vào. Khi trẻ bú mẹ trực tiếp, sữa trong vú mẹ không tự động chảy vào miệng trẻ liên tục mà sữa chỉ vào miệng trẻ khi trẻ có động tác mút vú. Vì vậy, trẻ nuốt sữa dễ dàng hơn và ít bị rối loạn nhu động thực quản.
Khi bú mẹ nên cho trẻ bú tư thế ngồi đối với những trẻ sơ sinh bị ọc sữa thường xuyên. Dùng hai ngón tay kẹp núm vú lại để làm sữa chảy chậm hơn nếu mẹ nhiều sữa, tránh bé bú quá nhanh nuốt phải nhiều không khí sẽ dễ bị nấc cụt và ọc sữa hơn.
Ngoài ra, khi sữa mẹ vắt ra bình thì hầu như lượng kháng thể quý giá trong sữa mẹ bị giảm đi. Mặc khác, khi bú bằng bình, phải đảm bảo vấn đề vệ sinh bình sữa đúng cách tránh nhiễm trùng.
Nếu vì lý do nào đó, trẻ không bú được sữa mẹ hoặc không bú trực tiếp vú mẹ được, cần cho trẻ bú đúng cách:
- Lỗ núm vú phù hợp với miệng trẻ, tránh trường hợp quá nhỏ làm cho trẻ phải gắng sức khi bú. Ngược lại nếu lỗ núm vú quá to, sữa xuống quá nhiều làm trẻ nuốt không kịp, trẻ dễ bị sặc, ói khi bú.
- Không đặt bình sữa nằm ngang, sữa ngập trong núm vú tránh cho trẻ bú vừa sữa vừa hơi.
- Bình sữa chuẩn, Pha sữa đúng cách.
- Tư thế bú: không cho trẻ bú khi nằm. Cần bế trẻ khi cho bú, đầu vai hơi cao, tránh gập cổ khi bú.
- Nếu bé đang uống sữa theo công thức của bác sĩ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc pha sữa công thức đặc hơn một chút cho phù hợp, sẽ giảm thiểu tần suất trẻ bị ọc sữa. Lưu ý, không tự tiện thay đổi công thức pha sữa cho trẻ khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.
Sau khi cho trẻ bú xong, bế trẻ để thực hiện vỗ ợ hơi. Tránh việc trẻ quấy khóc trước, trong và sau khi bú. Không cười đùa nô giỡn quá nhiều với trẻ sau khi bé bú xong.
Trong trường hợp trẻ thiếu vi chất, đặc biệt là canxi và vitamin D, trẻ thường đổ mồ hôi, quấy khóc, vặn vẹo thân mình làm cho trẻ dễ bị ọc sữa. Trong trường hợp này, ngoài việc chăm sóc đúng cách, cần bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ.
Khói thuốc lá, nhân tố gây ra và khiến cho tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa càng trầm trọng hơn bởi khói thuốc kích thích cơ thể tiết axit - dịch vị trong dạ dày. Vì vậy hãy để trẻ tránh xa khói thuốc lá.
Trẻ nên được ở trong môi trường thoáng mát. Tư thế nằm đầu, vai, mông thẳng, đầu cao khoảng 15 - 30 độ. Có thể cho trẻ nằm nghiêng, đặc biệt là nghiêng trái. Có thể tạo cho trẻ một cái “kén” và đặt trẻ nằm trong kén giống như tư thế trẻ trong bụng mẹ.
Mặc bỉm, tã lỏng, thông thoáng để giúp giảm áp lực lên vùng bụng của trẻ. Không thay bỉm, tã cho trẻ sau khi ăn bởi đặt trẻ nằm ngửa hoặc để trẻ vặn mình trong khi thay tã càng dễ gây ra tình trạng ọc sữa.
Với trẻ non tháng, cần bổ sung vi chất đầy đủ. Nên massage bụng trẻ trước mỗi cữ bú.
Còn khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa, các bậc phụ huynh nên giữ bình tĩnh, không bế thốc trẻ lên mà nghiêng người trẻ sang bên, nhẹ nhàng nâng trẻ lên, lấy khăn lau miệng trẻ. Nếu trẻ ọc sữa qua mũi miệng, không nên dùng miệng hút sữa trong mũi, nên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, vệ sinh miệng trước, mũi sau.
Nếu những biện pháp trên vẫn không giúp khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để có những biện pháp xử lý kịp thời.
5. Những trường hợp cần đưa trẻ đi bệnh viện
Nếu trẻ đang hoàn toàn khỏe mạnh, đột nhiên nôn ói dữ dội kèm theo quấy khóc nhiều, có thể có các dấu hiệu bất thường khác (là các dấu hiệu mà bình thường không ghi nhận được ở trẻ), chúng ta nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khám bệnh.
Nếu trẻ nôn ói kèm theo các dấu hiệu bệnh lý như sốt, ho, chảy mũi hay đi phân bất thường... cũng cần đưa trẻ đi khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa nhi.
Nếu trẻ nôn ói mà ảnh hưởng đến sự phát triển về cân nặng, chiều cao hay sự nôn ói làm trẻ “sợ” bú cũng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa.
Nếu tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa không cải thiện sau khi đã điều trị hỗ trợ, chăm sóc đúng cách, thì cũng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa.
- Xem thêm:
- Khi nào mẹ bắt đầu cho trẻ sơ sinh uống nước?
- Có thể cho trẻ sơ sinh uống nước không?
- 6 cách mẹ nên biết để xử lý khi bé bị ọc sữa