Tìm hiểu ung thư tuyến nước bọt - căn bệnh ít được biết đến

Ung thư tuyến nước bọt là một trong những bệnh ung thư ít được biết đến. Tuy nhiên, với những biểu hiện khá cụ thể và việc điều trị ung thư tuyến nước bọt sớm đem lại hiệu quả tốt thì bạn nên bổ sung cho mình những thông tin cần thiết về bệnh lý này.

Tìm hiểu ung thư tuyến nước bọt - căn bệnh ít được biết đến Tìm hiểu ung thư tuyến nước bọt - căn bệnh ít được biết đến

Ung thư tuyến nước bọt là một trong những bệnh ung thư ít được biết đến. Tuy nhiên, với những biểu hiện khá cụ thể và việc điều trị ung thư tuyến nước bọt sớm đem lại hiệu quả tốt thì bạn nên bổ sung cho mình những thông tin cần thiết về bệnh lý này.

Ung thư tuyến nước bọt là gì?

Ung thư tuyến nước bọt là một thuật ngữ được dùng để mô tả các khối u ác tính ảnh hưởng đến tuyến nước bọt bên trong miệng hoặc gần miệng.

Thông thường, ung thư có thể xuất hiện trong 3 tuyến nước bọt chính bao gồm:

  • Các tuyến mang tai (bên trong mỗi má).
  • Các tuyến dưới hàm (ở vùng sàn miệng).
  • Các tuyến dưới lưỡi (phía dưới của lưỡi).

Bên cạnh đó, ung thư cũng có thể xảy ra ở các tuyến nước bọt nhỏ hơn. Các tuyến này nằm trong vòm miệng (phía trên) hoặc sàn miệng (phía dưới), niêm mạc lưỡi và môi, mặt trong của má, các xoang, mũi và thanh quản.

Khoảng 50% khối u tuyến nước bọt là ung thư. 50% còn lại chỉ là khối u lành tính. Các khối u lành tính thường phát triển chậm và không có khả năng lây lan sang các mô xung quanh. Các khối u ác tính (ung thư) thì ngược lại phát triển khá nhanh và có thể lây lan đến nhiều mô xung quanh cũng như lây lan xa hơn (di căn). Tuy nhiên, một khối u tuyến nước bọt lành tính nếu không được điều trị tốt vẫn có thể dẫn đến ung thư.

vicare.vn-tim-hieu-ung-thu-tuyen-nuoc-bot-can-benh-it-duoc-biet-den-body-1

Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt là gì?

Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh lý này, nhưng nam giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.

Tuy chưa rõ nguyên nhân nhưng một số nghiên cứu đã nhận ra rằng bạn có nhiều khả năng sẽ bị mắc bệnh nếu bạn:

  • Từ 55 tuổi trở lên.
  • Hút thuốc hoặc sử dụng rượu bia thường xuyên.
  • Có xạ trị ở vùng đầu hoặc cổ.
  • Tiếp xúc với các chất phóng xạ.
  • Làm việc trong một số ngành nghề bao gồm sản xuất ống nước, sản xuất sản phẩm cao su, khai thác amiăng và làm đồ da...

Ung thư tuyến nước bọt có lây không?

Cũng giống như các loại ung thư khác, ung thư tuyến nước bọt không lây do các tế bào ung thư chỉ tồn tại được trong cơ thể của chính người mắc bệnh, không thể sống khi đi qua cơ thể của những người khác.

Các triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt là gì?

Một số ít bệnh nhân sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân có thể phát hiện ra bệnh dựa vào một khối u không đau ở vị trí tuyến nước bọt.

Nếu khối u tuyến nước bọt này là ác tính (ung thư) thì bạn có nhiều khả năng sẽ gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Yếu cơ hoặc tê ở mặt, cổ, hàm hoặc miệng.
  • Đau dai dẳng ở mặt, cổ, hàm hoặc miệng.
  • Khó mở rộng miệng hoặc khó cử động các cơ vùng mặt.
  • Khó nuốt.
  • Chảy máu từ miệng.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, nhất là khi các triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần thì bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để được khám và chẩn đoán kịp thời.

vicare.vn-tim-hieu-ung-thu-tuyen-nuoc-bot-can-benh-it-duoc-biet-den-body-2

Làm thế nào để chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt?

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh lý này thông qua hỏi bệnh và thăm khám.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán để giúp phát hiện ung thư. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): dùng kỹ thuật quét bằng tia X để cung cấp hình ảnh về những cấu trúc bên trong tuyến nước bọt.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong tuyến nước bọt, rõ nét hơn so với chụp cắt lớp vi tính.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): kỹ thuật này sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ để xác định sự hiện diện của khối ung thư. Đây là một phương pháp rất nhạy trong việc phát hiện ung thư tại tuyến nước bọt, nhưng giá thành hiện tại vẫn còn khá cao.
  • Sinh thiết bằng kim nhỏ: là một thủ thuật thu thập mẫu mô và mẫu dịch từ khối u ở tuyến nước bọt để kiểm tra tính chất của khối u một cách chi tiết trong phòng thí nghiệm.

Ung thư tuyến nước bọt được điều trị như thế nào?

Đầu tiên, các bác sĩ thường sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u tại tuyến nước bọt cho bạn.

Sau phẫu thuật, bạn có thể sẽ được xạ trị (điều trị bằng tia phóng xạ) tại vị trí nghi ngờ bị ảnh hưởng bởi ung thư và các hạch bạch huyết liên quan. Tia phóng xạ giúp tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật, nhằm làm cho ung thư không có khả năng quay trở lại.

Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tiến hành hóa trị liệu (điều trị bằng hóa chất) nếu ung thư đã lan từ tuyến nước bọt đến các mô khác bên ngoài vùng đầu và cổ.

Ung thư tuyến nước bọt có thể ngăn ngừa được không?

Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp nào để ngăn ngừa bệnh lý này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn có thể chủ động làm giảm nguy cơ xuất hiện căn bệnh này bằng cách tránh một số yếu tố rủi ro nhất định, chẳng hạn như hút thuốc lá, uống rượu bia quá mức, tiếp xúc thường xuyên với tia xạ cũng như các hóa chất độc hại.

Bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt sống được bao lâu?

Thời gian sống đối với bệnh lý này phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn hiện tại của bệnh, cũng như phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân và phương pháp điều trị được áp dụng.

Tuy nhiên nhìn chung, đối với hầu hết các trường hợp bị ung thư tuyến nước bọt thì có đến 70 trong 100 bệnh nhân (khoảng 70%) sẽ sống từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán. Tỷ lệ sống có thể cao hơn nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm và thấp hơn trong những giai đoạn muộn.

Do đó, đòi hỏi bạn không nên chủ quan mà cần phải tầm soát bệnh lý này sớm, nhất là khi bạn có các yếu tố nguy cơ hoặc có các triệu chứng nghi ngờ. Hiện nay, tại Việt Nam có một số cơ sở y tế đã thực hiện khám, tầm soát và điều trị ung thư tuyến nước bọt cũng như nhiều bệnh lý ung thư khác với chất lượng cao và chi phí hợp lý như: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội...

(HoiBenh chuyển ngữ từ Cleveland Clinic - Cancer Research UK)

Xem thêm:

  • Ung thư tuyến nước bọt sống được bao lâu?
  • Ung thư tuyến nước bọt có lây không?