Tìm hiểu đái tháo đường và biến chứng tim mạch
Trong số các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây nên, biến chứng tim mạch là phổ biến và cũng nguy hiểm nhất. Không chỉ gây tăng huyết áp, xơ vữa mạch mà nó còn có thể gây suy tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong. Để duy trì sức khỏe, người bệnh cần hiểu rõ về căn bệnh đái tháo đường và biến chứng tim mạch.
Tìm hiểu đái tháo đường và biến chứng tim mạch
Đái tháo đường là một căn bệnh đang ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay và gây ra rất nhiều những biến chứng cho người bệnh. Trong số các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây nên, biến chứng tim mạch là phổ biến và cũng nguy hiểm nhất. Không chỉ gây tăng huyết áp, xơ vữa mạch mà nó còn có thể gây suy tim, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong. Để duy trì sức khỏe, người bệnh cần hiểu rõ về căn bệnh đái tháo đường và biến chứng tim mạch.
1. Bệnh đái tháo đường và biến chứng tim mạch
Đái tháo đường là một bệnh nội tiết chuyển hoá, đặc trưng bởi sự tăng nồng độ glucose trong máu. Bệnh tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, não, thận, thần kinh và tim mạch. Trong số các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây nên, biến chứng tim mạch là phổ biến nhất. Nguyên nhân tử vong do biến chứng tim mạch chiếm tới 70% ở các bệnh nhân đái tháo đường. Chính vì vậy, việc hiểu biết đặc điểm về bệnh lý cũng như những biểu hiện lâm sàng của biến chứng tim mạch sẽ góp phần giúp phòng ngừa và hạn chế sự tiến triển của bệnh tim mạch ở các bệnh nhân đái tháo đường.
Bệnh đang có xu hướng tăng rất nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây và đang trở thành mối quan tâm rất lớn cho toàn xã hội bởi những hậu quả nặng nề do bệnh để lại.
2. Cơ chế của biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường
Cơ chế gây biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường khá phức tạp. Nhưng có thể hiểu đơn giản đây là hậu quả của tổn thương mạch máu và tổn thương thần kinh tự chủ. Bệnh đái tháo đường sẽ gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Lớp nội mạc là lớp tế bào trong cùng của thành mạch, nơi tiếp xúc trực tiếp giữa thành mạch và các thành phần của máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn, nó sẽ làm cho các phân tử cholesterol dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc. Từ đó sẽ hình thành mảng vữa xơ động mạch, hoặc mảng xơ vữa đã hình thành thì tiến triển rất nhanh dẫn đến hẹp dần lòng mạch, gây nên các biểu hiện lâm sàng của bệnh thiếu máu cục bộ mạn tính ở cơ quan tổ chức.
Bên cạnh đó, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính các tế bào tiểu cầu, tạo thành những cục huyết khối trong lòng mạch, làm tắc mạch cấp tính, gây nên các biểu hiện lâm sàng của thiếu máu cục bộ cấp tính của tổ chức như cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não,... đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh.
Tùy theo vị trí của mạch máu bị thương tổn mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu tổn thương động mạch mắt, sẽ gây nên giảm thị lực rồi dẫn đến mù lòa. Nếu tổn thương ở động mạch thận sẽ dẫn đến suy thận, tăng huyết áp. Tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử; tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não và tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cà nhắc cách hồi, hoại tử đầu chi,...).
3. Dấu hiệu và các biến chứng tim mạch thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp vừa là hệ quả vừa là yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường. Mạch máu bị xơ vữa chít hẹp có thể làm tăng áp lực trong lòng mạch khiến huyết áp tăng cao. Huyết áp tăng cao cũng làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch khác.
- Bệnh mạch vành: Đây là nhóm biến chứng chiếm tỉ lệ cao nhất trong các biến chứng tim mạch của bệnh đái tháo đường. Nếu không được điều trị và phòng ngừa sớm, tim sẽ yếu dần gây suy tim.
- Bệnh mạch máu não: Ngoài gây tổn thương các mạch máu nuôi tim, đái tháo đường còn ảnh hưởng tới mạch máu nuôi dưỡng não, khiến tế bào não bị thiếu oxy và dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Bệnh động mạch ngoại biên: Biến chứng này không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể khiến người bệnh bị đau đớn thường xuyên và dễ loét bàn chân, đoạn chi.
Đa số các biến chứng tim mạch do đái tháo đường không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Vì vậy các chuyên gia thường khuyên người bệnh nên chủ động thăm khám định kỳ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, thừa cân, huyết áp, mỡ máu cao... Trong một số trường hợp, người bệnh có thể thấy các triệu chứng như:
- Đau cách hồi: Cơn đau xuất hiện khi đi bộ, hết khi nghỉ ngơi, sau đó lại tái phát khi người bệnh tiếp tục di chuyển.
- Tim đập nhanh khi nghỉ ngơi.
- Thường xuyên bị choáng váng, chóng mặt.
- Đau thắt ngực: Cơn đau có thể lan từ vùng xương ức lên cằm, sang vai và cánh tay trái.
Khi có các dấu hiệu này, bạn nên tới bệnh viện để được khám và điều trị sớm.
4. Các yếu tố làm tăng mức độ của biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường
Các yếu tố này khi kết hợp với bệnh đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ gây biến chứng tim mạch lên nhiều lần. Càng nhiều yếu tố kết hợp, tỷ lệ biến chứng tim mạch càng tăng mạnh. Các yếu tố đó gồm:
- Tuổi cao (từ 60 tuổi trở lên, càng cao tuổi, nguy cơ càng tăng).
- Huyết áp cao.
- Rối loạn lipid máu (tăng cholesterol, triglycerid máu hoặc kết hợp).
- Béo phì (đặc biệt là béo bụng).
- Nghiện thuốc lào, thuốc lá.
- Tình trạng ít vận động.
- Tiền sử gia đình có người tử vong vì nhồi máu cơ tim.
Trong đó có 2 yếu tố là tuổi tác và tiền sử gia đình là không thể thay đổi được. Còn lại các yếu tố khác đều có thể tác động vào để làm giảm nguy cơ gây biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.
5. Nguyên tắc điều trị biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường
Phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu theo khuyến cáo của Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói và nồng độ HbA1c. Tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh lý kết hợp; nhìn chung phải đảm bảo lượng đường máu lúc đói ≤ 7,0 - 7,5 mmol/l và HbA1c ≤ 6,5 - 7%. Đây là vấn đề mấu chốt nhất, nếu không kiểm soát tốt được nồng độ đường glucose trong máu, sẽ không thể khống chế được các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Điều trị toàn diện, không những điều trị các biến chứng như bệnh mạch vành hay bệnh mạch máu não mà phải kết hợp với xử lý các yếu tố nguy cơ đi kèm, đặc biệt là tăng huyết áp, hút thuốc là và rối loạn lipid máu.
Theo dõi thường xuyên và định kỳ, kịp thời phát hiện các biến chứng để xử trí sớm và triệt để.
6. Phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường
- Kiểm soát đường huyết, mỡ máu, huyết áp: Chỉ số tối ưu là HbA1c dưới 7%, huyết áp dưới 130/80 mmHg, mỡ máu LDL-C dưới 2,6 mmol/l. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc khác nhau.
- Ăn uống lành mạnh: Người bệnh nên ăn giảm các thực phẩm nhiều đường, nhiều dầu mỡ, muối và các chất kích thích như bánh kẹo ngọt, đồ chiên rán, thịt mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, rượu, bia, thuốc lá... Nên bổ sung nhiều rau xanh vào thực đơn hàng ngày để giảm hấp thu chất béo và giảm cholesterol máu.
- Giữ cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc biến chứng tim mạch. Do đó, bạn nên giảm 5 - 10% cân nặng nếu bị thừa cân bằng cách dùng đĩa hoặc bát nhỏ để tính toán lượng calo trong mỗi bữa ăn. Ngoài ra nên kết hợp tập thể thao 30 phút/ngày để có một cơ thể khỏe mạnh
- Sử dụng thảo dược hỗ trợ: Bên cạnh thuốc hạ đường huyết, việc kết hợp các thảo dược thiên nhiên sẽ giúp hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng của đái tháo đường và tăng cường chức năng tim mạch hiệu quả.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm đái tháo đường và những yếu tố nguy cơ khác.
Biến chứng tim mạch là biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất ở bệnh nhân đái tháo đường. Do vậy, không chỉ những bệnh nhân đái tháo đường mà cả những người khỏe mạnh cũng cần có một kiến thức nhất định về căn bệnh này, đồng thời cần có một lối sống lành mạnh để có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cũng như biến chứng tim mạch của bệnh.
Xem thêm:
- 8 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường tuýp 2
- 5 người nổi tiếng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
- Bệnh tiểu đường type 1 có nguy hiểm như bạn nghĩ?