Thuốc cholestyramin - “Bạn thân” của người bị cholesterol
Cholestyramin là một trong những loại thuốc thường được dùng để kiểm soát cholesterol máu. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người chưa biết rõ về nó. Do đó, để giúp quý bạn đọc sử dụng cholestyramin một cách an toàn và hiệu quả, HoiBenh xin cung cấp những thông tin hữu ích và cần thiết về loại thuốc này.
Thuốc cholestyramin - “Bạn thân” của người bị cholesterol
Cholestyramin là loại thuốc gì?
Cholestyramin là một loại thuốc có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, đặc biệt là LDL - một loại cholesterol có hại cho sức khoẻ con người. Cholesterol trong máu cao có liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc bệnh tim và xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, cholestyramin còn được sử dụng để điều trị ngứa do tắc nghẽn đường mật một phần.
Tên thương mại của cholestyramin
Prevalite, Locholest, Locholest Light, Questran, Questran Light, Questran Light Packets, Prevalite Packets, Questran Packets, Cholestyramine Light.
Các chế phẩm và hàm lượng của cholestyramin
Gói bột
- Gói 5 gam bột chứa 4 gam cholestyramin.
- Gói 5,5 gam bột chứa 4 gam cholestyramin.
- Gói 5,7 gam bột chứa 4 gam cholestyramin.
- Gói 6,4 gam bột chứa 4 gam cholestyramin.
- Gói 9 gam bột chứa 4 gam cholestyramin.
Hộp bột
- Hộp 210 gam bột với 4 gam bột/liều.
- Hộp 231 gam bột với 4 gam bột/liều.
- Hộp 378 gam bột với 4 gam bột/liều.
Công dụng của cholestyramin
Việc sử dụng cholestyramin là liệu pháp bổ trợ cho chế độ ăn kiêng nhằm mục đích giảm cholesterol máu ở bệnh nhân tăng cholesterol máu nguyên phát (tăng LDL cholesterol) và không đáp ứng hoàn toàn với chế độ ăn kiêng.
Ngoài ra, cholestyramin còn hữu ích trong việc giảm LDL cholesterol ở những bệnh nhân bị tăng triglyceride máu. Tuy nhiên nó không được chỉ định đầu tay đối với những trường hợp bệnh nhân chỉ tăng triglyceride máu mà LDL cholesterol không tăng. Cholestyramin cũng đã được chứng minh là có khả năng ngăn chặn sự tiến triển, thậm chí có thể làm thoái lui tình trạng xơ vữa mạch vành.
Bên cạnh đó, cholestyramin còn giúp giảm ngứa liên quan đến tình trạng tắc nghẽn đường mật một phần.
Chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng cholestyramin
Chống chỉ định cholestyramin
- Dị ứng với cholestyramin.
- Tắc nghẽn trong đường tiêu hóa như dạ dày hoặc ruột.
Thận trọng sử dụng cholestyramin
Để đảm bảo sử dụng cholestyramin an toàn, bạn cần báo cho bác sĩ nếu bạn có các tình trạng sau đây:
- Táo bón mạn tính
- Rối loạn chức năng tuyến giáp
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh thận
- Bệnh gan
- Bệnh động mạch vành
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
- Một số chế phẩm của cholestyramin có chứa phenylalanine nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nếu bạn mắc bệnh phenylketone niệu (PKU).
Tác dụng phụ của cholestyramin
Tương tự như hầu hết các loại thuốc khác, cholestyramin cũng có một số tác dụng phụ nhất định. Các tác dụng phụ của cholestyramin được phân loại theo hệ thống các cơ quan như sau:
Hệ tiêu hóa
- Rất thường gặp (từ 10% trở lên): Táo bón
- Ít gặp (từ 0,1% đến 1%): Kích thích lưỡi, kích thích vùng quanh hậu môn, khó chịu ở bụng, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ợ nóng, khó tiêu, lở loét đường tiêu hoá
- Hiếm gặp (dưới 0,1%): Tắc ruột
- Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Chảy máu trực tràng, đau trực tràng, tiêu phân đen, trĩ chảy máu, xuất huyết tiêu hoá đối với những người có tiền sử loét tá tràng, khó nuốt, nấc cụt, cảm giác chua ở miệng, viêm tụy, rối loạn chức năng gan, viêm túi thừa, vôi hoá túi mật, chảy máu răng, sâu răng, bào mòn men răng.
Hệ tim mạch
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Đau thắt ngực (đặc biệt là đau thắt ngực nặng lên sau bữa ăn), đau cách hồi, viêm động mạch, huyết khối, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim.
Cơ xương khớp
Thường gặp (1% đến 10%): Loãng xương.
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Đau lưng, viêm khớp, đau cơ, đau khớp.
Huyết học
Ít gặp (0,1% đến 1%): Chảy máu
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Thời gian prothrombin (PT) tăng hoặc giảm, thiếu máu, giảm prothrombin máu.
Chuyển hóa
Ít gặp (0,1% đến 1%): Chán ăn, nhiễm toan máu, thiếu vitamin A, thiếu vitamin K.
Da
Ít gặp (0,1% đến 1%): Phát ban, kích ứng da.
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Vết bầm máu dưới da, u vàng (xanthoma) ở bàn tay và ngón tay, mày đay.
Hệ thần kinh
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Nhức đầu, dị cảm, ngất, chóng mặt, ù tai, buồn ngủ, đau dây thần kinh đùi.
Mắt
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Đục rìa giác mạc (Arcus juvenilis), viêm màng bồ đào, quáng gà.
Hệ tiết niệu
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Tiểu máu, khó tiểu, tiểu nhiều.
Hệ hô hấp
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Hen phế quản, khò khè, khó thở.
Tình dục
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Tăng ham muốn tình dục.
Các tác dụng phụ khác
Tác dụng phụ chưa được báo cáo tần suất: Sụt cân, tăng cân, sưng hạch, phù.
Ngoài ra, theo một số nghiên cứu trên động vật thì cholestyramin đã được xác định là nguyên nhân gây ra khối u. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu rằng cholestyramin có gây ra khối u ở người hay không.
Liều dùng của Cholestyramin
Liều thông thường ở người lớn đối với chứng tăng cholesterol máu
- Liều ban đầu: 4 gam (1 gói hoặc muỗng đo liều lượng) uống 1 hoặc 2 lần một ngày.
- Liều duy trì: 8 đến 16 gam (2 đến 4 gói hoặc muỗng đo liều lượng) chia làm 2 lần uống một ngày.
- Liều tối đa cho phép: 24 gam (6 gói hoặc muỗng đo liều lượng) mỗi ngày.
Liều thông thường ở người lớn đối với ngứa do tắc nghẽn đường mật một phần
- Liều ban đầu: 4 gam (1 gói hoặc muỗng đo liều lượng) uống 1 hoặc 2 lần một ngày.
- Liều duy trì: 8 đến 16 gam (2 đến 4 gói hoặc muỗng đo liều lượng) chia làm 2 lần uống một ngày.
- Liều tối đa cho phép: 24 gam (6 gói hoặc muỗng đo liều lượng) mỗi ngày.
Lưu ý
- Tăng liều cholestyramin nên tăng dần dần cùng với việc đánh giá định kỳ nồng độ cholesterol máu trong khoảng thời gian tối thiểu là 4 tuần.
- Mặc dù việc sử dụng cholestyramin thường được khuyến cáo là 1 hoặc 2 lần một ngày, tuy nhiên loại thuốc này vẫn có thể được sử dụng đến 6 lần một ngày.
- Đối với bệnh nhân bị táo bón từ trước, nên bắt đầu với 4 gam (1 gói hoặc 1 muỗng đo liều lượng) uống 1 lần mỗi ngày và trong 5 đến 7 ngày.
- Sau đó, tăng lên 2 lần mỗi ngày cùng với việc theo dõi táo bón và cholesterol máu, ít nhất 2 lần, khoảng cách giữa các lần cách nhau từ 4 đến 6 tuần.
- Nếu liều ban đầu được dung nạp tốt, có thể tăng liều khi cần: thêm 1 liều/ngày trong một tháng với sự theo dõi định kỳ nồng độ cholesterol máu.
Liều thông thường ở trẻ em đối với chứng tăng cholesterol máu
- Liều thông thường: 240 mg/kg/ngày, chia làm 2 đến 3 lần uống.
- Liều tối đa cho phép: không quá 8 gam/ngày.
Lưu ý
- Hiện nay, liệu trình sử dụng cholestyramin vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh cho trẻ em.
- Những tác dụng phụ của cholestyramin khi sử dụng lâu dài cũng như hiệu quả của nó trong việc duy trì mức cholesterol thấp ở trẻ em vẫn chưa được biết rõ.
Theo dõi khi sử dụng cholestyramin như thế nào?
- Nồng độ cholesterol máu nên được theo dõi thường xuyên sau vài tháng đầu sử dụng cholestyramin và nên theo dõi định kỳ sau đó.
- Đo nồng độ triglyceride máu cũng nên được thực hiện định kỳ để phát hiện xem có những thay đổi gì khi dùng cholestyramin hay không.
Cholestyramin với phụ nữ có thai
- Phân loại an toàn cho thai kỳ theo Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA): loại B2. Các loại thuốc được phân loại B2 chỉ nên sử dụng hạn chế ở phụ nữ mang thai, thuốc có thể không gây ra dị tật cũng như các tác hại khác cho thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật không được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, nhưng dựa vào các dữ liệu có sẵn cho thấy không có bằng chứng về sự gia tăng nguy cơ gây hại cho thai nhi khi bà mẹ sử dụng cholestyramin trong thai kỳ.
- Phân loại an toàn cho thai kỳ theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA): loại C. Các thuốc được phân loại C đã được nghiên cứu trên động vật cho thấy có ảnh hưởng đối với thai. Tuy nhiên, không có nghiên cứu đầy đủ trên người, nhưng dựa vào lợi ích mang lại thì vẫn có thể sử dụng các thuốc loại C ở phụ nữ mang thai, mặc dù vẫn có thể có những nguy cơ tiềm ẩn.
- Cholestyramin còn có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thu các vitamin tan trong dầu ngay cả khi có cố gắng bổ sung thêm vitamin dạng viên bằng đường uống. Chính vì thế khi sử dụng cholestyramin thì việc bổ sung vitamin trong thai kỳ như thông thường có thể không đầy đủ.
Cholestyramin với phụ nữ đang cho con bú
- Cholestyramin có thể sử dụng được ở phụ nữ cho con bú, nhưng cần thận trọng và theo dõi chặt chẽ trong quá trình sử dụng. Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh được cholestyramin có bài tiết vào sữa mẹ. Hơn nữa, theo các chuyên gia lý giải thì cholestyramin là một loại thuốc không thể hấp thu và đi vào máu của bà mẹ nên sẽ không thể tồn tại trong sữa mẹ.
- Mặc dù vậy, một điều cần lưu ý là do cholestyramin thường ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các vitamin tan trong dầu nên có thể khiến bà mẹ không nhận đủ lượng vitamin này và do đó không thể cung cấp đầy đủ cho con bú qua sữa mẹ.
Các tương tác liên quan đến cholestyramin
Tương tác giữa cholestyramin với các loại thuốc khác
Bạn cần báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng do cholestyramin có thể tương tác với rất nhiều loại thuốc khác nhau. Các tương tác này có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả cũng như làm tăng hoặc giảm tác dụng phụ của cholestyramin và các thuốc dùng chung. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để hiểu rõ hơn về những tương tác này. Cholestyramin có thể tương tác với các loại thuốc phải kể đến như:
- Aquaphor
- Aspirin
- Atorvastatin
- Cyanocobalamin
- Diphenhydramine
- Duloxetine
- Diclofenac
- Digoxin (digitalis)
- Cholecalciferol
- Axit béo omega-3
- Loperamide
- Furosemide
- Levothyroxine
- Lomotil
- Pregabalin
- Metoprolol
- Norco
- Clopidogrel
- Albuterol
- Pantoprazole
- Stevia
- Acetaminophen
- Axit ascorbic
- Warfarin
- Alprazolam
- Ondansetron
- Cetirizine
- Thuốc tránh thai đường uống
- Penicillin G
- Phenobarbital
- Phenylbutazone
- Propranolol
- Spironolactone
- Tetracycline
Tương tác giữa cholestyramin với vitamin và khoáng chất
Việc sử dụng cholestyramin cùng với các chế phẩm có chứa vitamin tổng hợp với khoáng chất có thể làm giảm hấp thu các vitamin tổng hợp và khoáng chất vào cơ thể. Vitamin tổng hợp và khoáng chất nên được uống ít nhất 4 giờ trước khi bạn dùng cholestyramin. Nếu bác sĩ của bạn kê toa các loại thuốc này cùng nhau, bạn có thể sẽ cần điều chỉnh liều hoặc thực hiện xét nghiệm để sử dụng an toàn và hiệu quả các loại thuốc này.
Tương tác giữa cholestyramin với các bệnh lý
Cholestyramin có thể tương tác với 5 bệnh lý sau đây:
Cholestyramin với bệnh lý tắc nghẽn đường mật hoàn toàn
Việc sử dụng cholestyramin không có bất kỳ hiệu quả nào ở những bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật hoàn toàn (tình trạng không có dịch mật được bài tiết vào ruột). Thông thường, cholestyramin kết hợp với dịch mật trong ruột để tạo thành một phức hợp không hòa tan được thải qua phân, điều đó sẽ loại bỏ một phần dịch mật từ vòng tuần hoàn mật - ruột, nhờ vậy giúp làm giảm cholesterol máu. Do đó, cholestyramin sẽ hoàn toàn không hiệu quả nếu dịch mật không được bài tiết vào ruột (bệnh lý tắc nghẽn đường mật hoàn toàn)
Cholestyramin với táo bón
Việc sử dụng cholestyramin có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng táo bón từ trước. Táo bón có thể làm nặng thêm bệnh trĩ. Bên cạnh đó, táo bón cũng khiến cơ thể phải gắng sức mỗi khi đi vệ sinh nên có thể làm nặng thêm bệnh mạch vành. Do đó, điều trị bằng cholestyramin nên thận trọng ở những bệnh nhân bị táo bón, bệnh trĩ hoặc bệnh mạch vành. Liều lượng cholestyramin nên được tăng dần theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như nhà sản xuất để giảm thiểu nguy cơ táo bón và bệnh nhân nên được bổ sung thêm chất lỏng và thực phẩm giàu chất xơ trong quá trình sử dụng cholestyramin. Thỉnh thoảng sử dụng các thuốc làm mềm phân cũng có thể được bác sĩ chỉ định. Nếu táo bón nặng nề hơn trong quá trình sử dụng cholestyramin hoặc đáp ứng điều trị không đạt được như mong muốn ở liều khuyến cáo tối đa hàng ngày, nên cân nhắc điều trị kết hợp hoặc thay thế bằng một loại thuốc khác.
Cholestyramin với rối loạn chuyển hoá
Cholestyramin có thể gây ra tình trạng nhiễm toan máu và tăng clorua máu khi sử dụng lâu dài. Do đó, điều trị bằng cholestyramin nên thận trọng ở những đối tượng là trẻ em, bệnh nhân suy thận hoặc suy giảm thể tích tuần hoàn.
Cholestyramin với bệnh lý Phenylketone niệu (PKU)
Một số chế phẩm cholestyramin có chứa thành phần là phenylalanine. Đây là một chất chống chỉ định sử dụng ở bệnh nhân mắc bệnh lý Phenylketone niệu nhằm mục đích ngăn ngừa sự tích luỹ phenylalanine trong cơ thể. Vì khi phenylalanine tích luỹ nhiều trong cơ thể có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Các chế phẩm cholestyramin có chứa phenylalanine phải kể đến là:
- Questran Light chứa 16,8 mg phenylalanine mỗi liều.
- LoCholest Light chứa 22,4 mg phenylalanine mỗi liều.
Trong khi đó, các chế phẩm cholestyramin như Questran và LoCholest thì không có chứa phenylalanine.
Cholestyramin với bệnh lý thiếu axit folic/vitamin
Cholestyramin có thể cản trở sự hấp thu axit folic và các vitamin tan dầu như vitamin A, D và K. Sử dụng lâu dài cholestyramin có thể làm tăng tình trạng chảy máu do thiếu vitamin K - một chất cần thiết để tổng hợp các yếu tố đông máu. Thiếu máu cũng có thể xảy ra do giảm axit folic máu. Bổ sung vitamin và axit folic bằng đường uống có thể được xem xét khi điều trị bằng cholestyramin kéo dài, đặc biệt ở những bệnh nhân bị thiếu axit folic hoặc thiếu vitamin từ trước, mắc bệnh thiếu máu hoặc các bệnh lý dễ chảy máu.
Những lưu ý cho bạn khi sử dụng cholestyramin
Bạn nên sử dụng cholestyramin như thế nào?
- Bạn cần thực hiện theo tất cả các hướng dẫn trên nhãn thuốc của nhà sản xuất cũng như sự chỉ định của bác sĩ.
- Bạn không nên sử dụng cholestyramin với liều lượng lớn hơn hoặc thời gian lâu hơn so với khuyến cáo.
- Mặc dù cholestyramin thường được sử dụng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng cholestyramin đến 6 lần mỗi ngày trong một số trường hợp.
- Không dùng trực tiếp cholestyramin dạng bột khô, luôn luôn pha với nước hoặc các chất lỏng khác trước khi uống. Thông thường, bạn nên pha 1 gói (1 liều) hoặc 1 muỗng đo liều lượng với 60 đến 180 ml nước hoặc đồ uống không có ga khác và khuấy đều để cholestyramin tan hết. Bạn cũng có thể trộn cholestyramin dạng bột khô với nước súp lỏng hoặc trái cây có độ ẩm cao như táo hoặc dứa nghiền.
- Đo lường lượng bột cholestyramin bằng muỗng đo liều lượng đi kèm (muỗng của nhà sản xuất). Không sử dụng bất kỳ loại muỗng hoặc cốc đo nào khác vì có thể gây sai lệch liều lượng.
- Cholestyramin có hiệu quả tốt nhất khi bạn dùng chung với bữa ăn. Tuy nhiên, lịch trình sử dụng cholestyramin còn phụ thuộc vào những loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng. Cholestyramin không nên dùng trong vòng 1 giờ sau hoặc 4 đến 6 giờ trước khi bạn sử dụng các loại thuốc khác để tránh cản trở sự hấp thu của chúng.
- Cholestyramin có thể ảnh hưởng đến răng của bạn. Nhấm nháp hỗn hợp cholestyramin từ từ hoặc giữ cholestyramin trong miệng quá lâu có thể dẫn đến đổi màu răng, mòn men răng hoặc sâu răng. Do đó, bạn nên đánh răng thường xuyên trong quá trình sử dụng cholestyramin.
- Bạn nên uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón khi sử dụng cholestyramin.
- Cholestyramin chỉ là một phần của kế hoạch điều trị tăng cholesterol máu hoàn chỉnh, bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và kiểm soát cân nặng.
- Bạn cần lưu trữ cholestyramin ở nhiệt độ phòng, tránh độ ẩm và nhiệt độ cao.
Bạn cần làm gì nếu bạn bỏ lỡ một liều cholestyramin?
Nếu bạn bỏ lỡ một liều cholestyramin thì bạn hãy dùng liều đó ngay khi nhớ ra.
Bỏ qua liều đã quên trong trường hợp gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo và không được dùng thêm cholestyramin để bù liều vì có thể gây ra quá liều.
Điều gì xảy ra nếu tôi bị quá liều cholestyramin?
Các tình trạng có thể xảy ra khi quá liều cholestyramin bao gồm đau dạ dày nghiêm trọng và táo bón.
Khi nào bạn cần đến cơ sở y tế khi sử dụng cholestyramin?
Bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu bạn xuất hiện các phản ứng dị ứng khi sử dụng cholestyramin như sau:
- Nổi mày đay.
- Khó thở.
- Sưng ở vùng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Ngoài ra, bạn cũng cần đến cơ sở y tế sớm để được xử trí khi xuất hiện các dấu hiệu sau đây:
- Táo bón liên tục hoặc ngày càng nặng.
- Đau dạ dày nghiêm trọng.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu.
- Phân có màu đen như hắc ín hoặc phân có máu.
- Da dễ bầm tím.
- Có hiện tượng chảy máu bất thường ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể.
Xem thêm:
- Mẹo đơn giản để giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể
- Lời khuyên để kiểm soát hàm lượng cholesterol cao trong máu
- Thuốc hạ Cholesterol có liên quan đến ung thư?