Thực dưỡng chữa ung thư trong mắt Giám đốc bệnh viện K
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư lan truyền trên mạng, không ít trường hợp bỏ BV để chạy theo các phương pháp này, tuy nhiên không mang lại hiệu quả.
Thực dưỡng chữa ung thư trong mắt Giám đốc bệnh viện K
Ông kể, trước đây có phong trào chữa ung thư bằng thuốc ”tiên tiên dịch”. Bộ Y tế đã phải yêu cầu BV đi tìm hiểu, cho thấy phần lớn bệnh nhân không qua khỏi. Một số trường hợp quay trở lại BV điều trị nhưng đã ở giai đoạn muộn hơn.
Hay nhiều trường hợp khác bỏ sang dùng thuốc nam, thuốc bắc cũng không qua khỏi, làm lỡ cơ hội vàng điều trị bệnh nếu áp dụng các biện pháp điều trị chính thống.
Phương pháp thực dưỡng
Mới đây, các bệnh nhân ung thư tiếp tục truyền nhau phương pháp điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dương.
Theo ông Thuấn, phương pháp này cũng như một hình thức ăn chay, nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường.
Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng thì đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả có thể giúp dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng.
”Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư, là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả”, lời ông Thuấn.
Không ăn thịt, đường, sữa
Nhiều bệnh nhân không uống sữa, không ăn thịt vì sợ sẽ ”nuôi” tế bào ung thư. PGS Thuấn cho rằng, kiêng kỵ này không có cơ sở khoa học.
Ông cho biết, với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.
”Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày”, ông Thuấn khuyến cáo.
Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo đó là chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng.
Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.
Kiềm hoá cơ thể
Xuất phát từ quan niệm cho rằng tế bào ung thư chỉ sống được trong môi trường axit, phong trào kiềm hoá máu vào cơ thể, dùng sodium bircarbonate vì rẻ tiền và dễ uống xuất hiện.
Để kiềm hoá cơ thể, những người theo phong trào này cho rằng chỉ cần thay đổi những hoạt động hàng ngày, tư tưởng, ăn 100% thực phẩm tạo kiềm, nếu PH = 8,5, tế bào ung thư sẽ chết.
Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Cho đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư.
Ông Thuấn cho biết, trước những thông tin lan truyền, người dân và bệnh nhân cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế, các hiệp hội ung thư uy tín.
Đặc biệt bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng.
”Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống”, ông Thuấn khuyên.
Theo Vietnamnet
>>>Xem thêm: Y học cổ truyền có chữa được bệnh ung thư không?
>>>Xem thêm: Liệu pháp chữa ung thư máu bằng tế bào miễn dịch