Theo Đông y, phải làm gì để hết đau thần kinh tọa?
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh đau thần kinh tọa khác nhau, cả tây y lẫn đông y, cả truyền thống lẫn hiện đại... Tuy nhiên, để lựa chọn được một phương pháp điều trị an toàn mà tiết kiệm, có lẽ Đông y được ưu ái và đánh giá cao hơn.
Theo Đông y, phải làm gì để hết đau thần kinh tọa?
Đau thần kinh tọa là bệnh mà rất nhiều người gặp phải hiện nay, gây nên nhiều khó chịu cho người bệnh trong đời sống, mà biến chứng của bệnh còn nghiêm trọng hơn. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh khác nhau, cả tây y lẫn đông y, cả truyền thống lẫn hiện đại... Tuy nhiên, để lựa chọn được một phương pháp điều trị an toàn mà tiết kiệm, có lẽ Đông y được ưu ái và đánh giá cao hơn.
Bệnh đau thần kinh tọa
Thần kinh tọa hay còn gọi là thần kinh hông là một dây thần kinh lớn của cơ thể được tạo nên bởi các rễ thần kinh từ đốt sống thắt lưng L3, L4, L5 và đốt sống cùng S1. Dây thần kinh tọa chi phối các động tác của chân, góp phần làm nên các động tác đi lại, đứng ngồi của cơ thể. Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo vùng phân bố của dây thần kinh tọa và các nhánh của nó.
Đau thần kinh tọa có bệnh danh Đông y là “tọa điến phong” hay “tọa cốt phong”... “Phong” trong hội chứng bệnh lý này nhằm mô tả tính chất thay đổi và di chuyển của đau.
Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh
Đau dây thần kinh tọa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là lứa tuổi 30–60, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Mang vác và lao động nặng ở tư thế sai, gò bó, rung xóc, chấn thương, các động tác thay đổi tư thế đột ngột... là những yếu tố thường xuyên nhất làm khởi phát bệnh.
Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng làm thúc đẩy sự xuất hiện và tái phát bệnh đau thần kinh tọa. Một số triệu chứng, vấn đề khác như các chứng bệnh: bệnh tiểu đường, táo bón, cảm cúm, nóng sốt, bệnh về tim mạch, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm... cũng là một trong những nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa.
Lý luận của Đông y thì lại cho rằng: Thận tàng tinh chủ cốt tủy; Can (gan) tàng huyết chủ về cân (gân); Khí huyết lưu thông giúp nuôi dưỡng tạng phủ và tránh được sự xâm nhập của tà khí vào trong cơ thể. Vì vậy theo Đông y, đau thần kinh tọa thường do các nguyên nhân chính như sau:
- Cảm thụ ngoại tà: Chủ yếu là do phong, hàn, thấp, nhiệt kết hợp với nhau thành phong hàn, phong thấp, thấp nhiệt, hàn thấp xâm nhập vào cơ thể, lưu trệ ở vùng thắt lưng hông làm cho khí huyết vận hành không thông mà phát bệnh.
- Khí trệ huyết ứ: Thường gặp khi bị chấn thương làm tổn thương kinh mạch, khí huyết làm cho huyết ứ trệ không thông mà gây bệnh. Một số trường hợp do bệnh lâu ngày làm khí huyết vận hành không thông cũng gây ra bệnh.
- Can thận hư tổn: Ở người lớn tuổi, lao động quá sức, cơ thể suy nhược hoặc sinh hoạt tình dục quá độ thường thấy chứng năng can thận hư tổn. Khi đó các đốt sống, đĩa đệm dễ dàng bị thoái hóa, biến dạng... gây ra bệnh đau thần kinh tọa.
Đông y cho rằng, “Yêu vi thận chi phủ, thận hư tắc yêu thống” tức là thận tàng tinh chủ cốt sinh tủy, lưng là nơi trú ngụ của thận. Khi thận hư tổn thì sẽ đau mỏi lưng, gân cốt dễ thoái hóa, biến dạng chèn ép vào rễ thần kinh. Ngoài ra, khi chính khí hư tổn, phong hàn thấp tà sẽ dễ dàng xâm nhập vào kinh lạc rồi kết tụ tại các khớp xương, làm cho khí huyết ngưng trệ từ đó mà gây đau nhức.
Triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa
Khi bị đau thần kinh tọa người bệnh thường có các triệu chứng:
- Đau thắt lưng, lan dọc xuống hai bên hông và mông. Đau eo bên phải sẽ lan xuống gây nhói hông phải và mông phải, đau eo trái thì hông trái và mông trái sẽ bị đau. Sau đó đau nhức từ mông xuống bắp chân và lan xuống tận các ngón chân theo đường đi của dây thần kinh tọa.
- Cơn đau có thể ở giữa cột sống hoặc nhiều khi lệch một bên lưng.
- Cứng cột sống nên nghiêng người, cúi người thường khó khăn và bị đau rất nhiều. Các cử động ở ngón chân, mũi chân không linh hoạt.
- Khi cơ thể bị va chạm mạnh thì cơn đau sẽ tăng lên hoặc khi ho, hắt hơi hay khi cười thì lưng lại đau nhói.
- Cơn đau lan từ vùng lưng chạy dọc xuống mông và đùi tới gót chân hoặc nhiều khi lại chạy ngược lại.
Cơn đau thường liên tục, có khi bộc phát sau khi đi hoặc đứng nhiều, nhưng cũng có thể giảm hay hết đau khi nằm nghỉ... Mức độ đau có thể thay đổi từ đau âm ỉ cho tới đau dữ dội không chịu được.
Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột, có thể hết sau vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm gây ảnh hưởng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống. Đau thần kinh tọa do chèn ép nặng vào rễ thần kinh tọa hoặc do cơ thể hư nhược không nuôi dưỡng được gân cơ có thể dẫn đến teo cơ vùng mông và chân.
Điều trị bệnh đau thần kinh tọa
Điều trị theo Tây Y
Đau dây thần kinh tọa có thể được điều trị bằng nhiều biện pháp khác nhau.
- Với vật lý trị liệu − Mát xa liệu pháp − Thể dục trị liệu: Người bệnh được tác động cơ học bằng cách kéo giãn cột sống (đa phần điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm phải áp dụng phương pháp kéo giãn cột sống), nắn cột sống, chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, đắp sáp nến. Xà đơn treo người nhẹ, bơi, một số bài tập cơ lưng giúp tăng cường sức mạnh cột sống. Đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống, giảm áp lực cũng như tránh tái phát bệnh.
- Dùng thuốc điều trị: Thuốc Tây y điều trị đau dây thần kinh tọa thường là các loại thuốc giảm đau như Aspirine, thuốc kháng viêm không steroide, thuốc có chứa Corticoid hoặc Novocain nhằm phong bế rễ thần kinh ngoài màng cứng hay trong màng cứng, kết hợp với bổ sung vitamin B12. Một số dòng thuốc giãn cơ cũng thường được áp dụng như Myolastan, thuốc an thần Xanax, Seduxen...
- Điều trị ngoại khoa: Tiêu nhân bằng Iniprol hoặc Hexatrione. Nếu thất bại, bệnh nhân đau không thể chịu được dù đã uống thuốc giảm đau thì sẽ tiến hành phẫu thuật. Có 2 hình thức phẫu thuật: dùng laser hoặc phẫu thuật hở.
Điều trị theo Đông Y
Đông y dùng thuốc điều trị đau thần kinh tọa chú trọng biện chứng luận trị theo nguyên tắc là trị bệnh phải tìm ra gốc của bệnh (nguyên nhân gây bệnh); bệnh cấp tính thì trị ngọn trước (giảm đau trước); bệnh tiến triển chậm, lâu ngày thì trị vào gốc của bệnh.
Để điều trị từ gốc của bệnh, đầu tiên phải phục hồi chức năng chủ gân cốt của gan thận, bổ khí huyết, thông kinh hoạt lạc. Đau thần kinh tọa do ngoại tà xâm phạm kinh lạc như hàn thấp, phong thấp hoặc thấp nhiệt thì phải tán hàn trừ thấp hoặc khu phong trừ thấp hoặc thanh nhiệt lợi thấp, chỉ thống. Đau thần kinh tọa nguyên nhân do khí trệ huyết ứ thì phải lý khí, hoạt huyết, hóa ứ. Còn đau thần kinh tọa do can thận hư tổn thì phải tư bổ can thận, cường cân kiện cốt.
Bệnh đau thần kinh tọa có thể được chữa trị bằng các phương pháp như châm cứu, hoặc dùng các bài thuốc nam... mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
- Phương pháp châm cứu: Phương pháp châm cứu này sẽ châm cứu vào các huyệt trên vùng thắt lưng tương ứng với các rễ thần kinh và các huyệt nằm dọc theo các đường đi của dây thần kinh. Có thể sử dụng thêm các huyệt tại chỗ hoặc xa vùng đau với các thủ pháp khác nhau, tùy theo tính chất hàn nhiệt, trạng thái hư thực của từng người bệnh. Quá trình điều trị đau thần kinh tọa bằng phương pháp này thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần, giữa các quá trình có thể nghỉ 5 đến 7 ngày.
- Xoa bóp bấm huyệt: Dùng các thủ pháp như day, ấn dọc theo đường đi của thần kinh tọa có tác dụng thả lỏng cơ, giúp khí huyết lưu thông tốt hơn, giảm đau nhức. Cũng có thể kết hợp với châm cứu để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn.
- Dùng thảo dược đắp chườm vùng lưng và chân đau: Phương pháp này bằng việc sử dụng nước ấm nóng, muối rang và lá ngải cứu hay lá cúc tần sao nóng thêm ít dấm, hoặc dán cao giảm đau và đắp vào vùng đau của bệnh nhân.
- Tập luyện phục hồi sinh lý cột sống và chi bị bệnh: Sử dụng phương pháp tập thể dục với 5 điểm trụ như sau: Để cho người bệnh nằm ngửa trên giường sau đó dùng 5 điểm tỳ xuống mặt giường là đầu, hai khuỷu tay và hai gót chân, người bệnh sẽ ưỡn cong lưng lên khỏi mặt giường. Mỗi ngày tập 1-2 lần, mỗi lần nâng hạ khoảng 50 đến 100 lượt trong khoảng 15-30 phút.
- Hoặc có thể sử dụng phương pháp 3 điểm như sau: Sau khi người bệnh tập bài 5 điểm ở trên đã quen, lúc này khối cơ lưng đã có chút khỏe hơn thì nên sử dụng 3 điểm là đầu và hai gót chân làm điểm tỳ, phương pháp tập nâng hạ cơ thể tương tự như phương pháp 5 điểm đã nêu.
- Phương pháp tập xà đơn: Người bệnh sử dụng xà đơn để tập luyện như sau: đu người và kéo xà ra sau gáy, lưng ưỡn cong. Tùy theo điều kiện và sức khỏe, thể trạng người bệnh mà tự điều chỉnh thời gian và cường độ tập phù hợp.
Người bệnh có thể kết hợp cùng với một vài động tác khác như sau: đi thụt lùi ở đường phẳng hoặc có thể khiêu vũ cũng có thể giúp tăng cường sức khối cơ cạnh sống, giảm chèn ép rễ thần kinh và phục hồi chức năng cột sống.
Khi mắc bệnh đau thần kinh tọa người bệnh cần lưu ý:
Không nên bơi lội để tránh nhiễm lạnh, ẩm, ảnh hưởng xấu đến việc chữa trị. Trong khi điều trị đau thần kinh tọa bệnh nhân cần phải có chế độ ǎn uống sinh hoạt hợp lý, cần bỏ rượu, thuốc lá, những người béo thì cần có chế độ giảm cân, tránh những cǎng thẳng quá mức về tâm lý. Không nên nằm đệm quá dày hay quá mềm.
Để điều trị hiệu quả bệnh đau thần kinh tọa, hết đau trước hết phải biết nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới đưa ra được biện pháp trị liệu hợp lý, có thể kết hợp nhiều phương pháp tùy từng tình trạng bệnh lý cụ thể. Hơn hết, việc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể như gan, thận và dạ dày...
Hy vọng rằng những thông tin dưới đây mà HoiBenh cung cấp thật sự hữu ích cho bạn đọc. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Bài viết được Bác sĩ Đông Y bảo trợ thông tin
Hiền Trần