Tết Thiếu Nhi, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ cách giúp trẻ ăn ngon hơn
Trong chương trình ngày Vi chất Việt Nam do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức nhân ngày Tết thiếu nhi 1/6, các chuyên gia dinh dưỡng đã cảnh báo tình trạng thiếu vi chất, đặc biệt là thiếu kẽm ở trẻ.
Tết Thiếu Nhi, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ cách giúp trẻ ăn ngon hơn
Ít quan tâm tới vi chất
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng thiếu kẽm ở Việt Nam qua kết quả của cuộc điều tra năm 2015 đáng báo động: có 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm – Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia - kẽm có vai trò rất lớn với sự phát triển của trẻ, đặc biệt trẻ trong độ tuổi tăng trưởng, kẽm tham gia rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Phòng khám dinh dưỡng cũng gặp nhiều trẻ đến khám bị thiếu kẽm dẫn tới tình trạng biếng ăn. Ngoài kém tăng trưởng, biếng ăn, kẽm cũng liên quan đến vấn đề rối loạn giấc ngủ của các cháu. Thiếu kẽm trẻ thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc, hay giật mình, ngủ không sâu.
Theo PGS Lâm, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân Việt Nam. Phòng chống thiếu vi chất là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 – 2020.
Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng gồm các giải pháp đồng bộ như: Bổ sung vi chất cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất. Tăng cường vi chất vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất một cách lâu dài và bền vững.
Nghị định số 09/2016/CP ngày 28/01/2016 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định 4 vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường gồm I-ốt, Sắt, Kẽm và Vitamin A, bổ sung vào những thực phẩm như muối ăn, bột mỳ, dầu thực vật.
Sau một năm kể từ khi Chính phủ ban hành nghị định 09/2016/NĐ-CP và Quyết định số 852/QĐ-BYT của Bộ Y tế vẫn còn một số doanh nghiệp chưa đồng thuận với lí do bổ sung vi chất vào thực phẩm làm ảnh hưởng tới cảm quan của sản phẩm và thời gian sử dụng sản phẩm ngắn, ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp.
Chính vì thế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia nâng cao truyền thông và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trong đó có kẽm.
Bổ sung vi chất trực tiếp vào thức ăn
TS Phan Bích Nga – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thiếu vi chất cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên bổ sung kẽm cho con bằng cách uống bổ sung kẽm hoặc ăn các thực phẩm giàu kẽm như các hàu, ngao, tôm, cua, các loại thịt như bò, gà, hạt ngũ cốc... Để muốn đủ kẽm nên hay ăn hải sản, khẩu phần ăn không thể thiếu là đạm động vật.
Đối với trẻ biếng ăn, để trẻ ăn ngon không phải là dễ, nhất là vào mùa hè nóng nực. TS Nga cho biết, các mẹ nên giữ mát cho con và đặc biệt không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt, các loại bim bim, đồ ăn nhanh vì nó gây chán ăn cho trẻ.
Đặc biệt, trong nước ngọt có ga có rất nhiều độc hại. Nó cung cấp năng lượng rỗng, không có các vi chất cần thiết cho trẻ. Năng lượng rỗng đó rất dễ gây lên tình trạng béo phì. Thường những trẻ thích uống nước ngọt có ga lại hay thích đồ ăn nhanh.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng PGS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đưa ra thông điệp tới các bậc phụ huynh. Cụ thể:
- Thứ nhất: Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
- Thứ hai: Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
- Thứ ba: Bữa ăn của trẻ có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D.
- Thứ tư: Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều Vitamin A.
- Thứ 5: Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
- Thứ sáu: Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Theo Infonet
Xem thêm:
- Phát động ngày Vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2017
- Thiếu vi chất dinh dưỡng: “Nạn đói” khó phát hiện