Tại sao mất ngủ, trầm cảm, béo phì là những bệnh thường gặp của người làm ban đêm?
Xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo việc tăng ca ban đêm là một hiện tượng bình thường hay gặp trong cuộc sống. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp loại công việc ban đêm là một nguyên nhân gây ung thư do sự phá vỡ nhịp của đồng hồ sinh học. Vậy ngoài ung thư ra, những bệnh thường gặp của người làm ban đêm là bệnh gì?
Tại sao mất ngủ, trầm cảm, béo phì là những bệnh thường gặp của người làm ban đêm?
Xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo việc tăng ca ban đêm là một hiện tượng bình thường hay gặp trong cuộc sống. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp loại công việc ban đêm là một nguyên nhân gây ung thư do sự phá vỡ nhịp của đồng hồ sinh học. Vậy ngoài ung thư ra, những bệnh thường gặp của người làm ban đêm là bệnh gì?
Những bệnh thường gặp của người làm ban đêm
Bất kì dù con người, thực vật hay động vật cũng đều có một đồng hồ sinh học riêng của mình. Nó giúp điều khiển giấc ngủ, thói quen, cảm xúc của cơ thể. Khi không tuân theo quy tắc của đồng hồ sinh học nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mỗi người.
Làm ca đêm thường bắt đầu vào lúc từ 11h đêm hôm trước đến 7h sáng hôm sau, đây chính là thời gian con người dùng để nghỉ ngơi, hồi phục cơ thể bằng giấc ngủ sau một ngày lao động vất vả. Việc làm ca đêm khiến cơ thể vận hành trái với tự nhiên, dẫn đến tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như:
- Mất ngủ: làm việc ban đêm khiến bạn phải chuyển sang ngủ nghĩ vào ban ngày. Tuy nhiên giấc ngủ ban ngày không sâu như ban đêm vì dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng, tiếng ồn, làm bạn dễ bị thức giấc., chất lượng giấc ngủ kém. Mặt khác, các nhà nghiên cứu phát hiện những người làm việc theo ca có mức serotonin thấp hơn so với người không làm việc theo ca, do đó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ (Serotonin là một hormone giúp bạn thư giãn, ngủ ngon hơn)
- Trầm cảm: nhịp đồng hồ sinh học bị thay đổi làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở người làm việc ban đêm. Làm việc ban đêm sẽ làm bạn hạn chế các mối quan hệ với anh em họ hàng, bạn bè, hạn chế các hoạt động ngoài trời, các trò vui chơi giải trí dẫn đến tình trạng stress thường xuyên, căng thẳng và mệt mỏi.
- Béo phì: Hàm lượng leptin - một loại hormone có tác dụng điều hòa khẩu vị, sẽ giảm xuống vào ban đêm, khiến bạn cảm thấy đói hơn và dẫn đến ăn nhiều hơn, do đó làm việc vào ban đêm sẽ cần nạp thêm năng lượng, lâu dần các mô mỡ trong cơ thể sẽ dày lên trông thấy gây ra hiện tượng tăng cân, béo phì. Mặt khác, theo Boldsky, tăng cân tỷ lệ thuận với thời gian ngủ. Nếu bạn không ngủ ít nhất 6 tiếng vào ban đêm, quá trình chuyển hóa chất béo của cơ thể sẽ bị xáo trộn và có xu hướng tăng lên.
- Bệnh tiểu đường: làm việc vào ban đêm sẽ làm phá hỏng sự cân bằng nội tiết tố của cơ thể. Điều này có thể khiến bạn không dung nạp glucose cũng như quá trình sản xuất insulin trong cơ thể cũng giảm xuống, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Bệnh tim mạch: việc cơ thể ít được nghỉ ngơi do nhịp sinh học thay đổi đảo lộn, mất ngủ sẽ gây áp lực lên tim, dẫn đến ngừng tim và đột quỵ.
Dự phòng giảm mức độ ảnh hưởng do làm ca đêm
Vì đặc thù công việc, có thể bắt buộc bạn phải làm việc ban đêm thường xuyên. Điều này hoàn toàn không tốt đối với sức khỏe của bản thân vì nó trái với nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng có thể có các biện pháp dự phòng mức độ ảnh hưởng của nó:
Tạo được giấc ngủ sâu sau ca làm việc
- Phòng ngủ nên được bài trí có rèm tối màu, không gian yên tĩnh, thoáng mát.
- Bố trí thời gian ngủ sau ca làm việc một cách hợp lý: Theo khuyến cáo, bạn nên ngủ 5-6 giờ vào buổi sáng sau ca làm việc và 2 tiếng trước khi bắt đầu ca làm việc mới.
- Nên tắt điện thoại, chuông báo thức, tránh đọc sách hay hoạt động thể lực trước khi đi ngủ.
Bố trí các bữa ăn hợp lý
- Bữa sáng (sau khi tan ca): không nên để bụng đói đi ngủ, hoặc ăn quá no vì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Bạn nên lựa chọn một số thực phẩm dễ tiêu hóa, mà năng lượng trung bình như 1 ổ bánh mỳ, 1 dĩa bánh cuốn... không được sử dụng các đồ ăn uống có chứa cafein như trà, cà phê hay sô cô la....
- Bữa trưa (sau khi thức dậy): đây là bữa chính nên lựa đầy đủ các nhóm thực phẩm để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
- Bữa tối (trước khi vào ca đêm): đây là bữa rất quan trọng, cần cung cấp đầy đủ năng lượng để cơ thể có thể đủ sức làm việc, bữa này nên ăn đầy đủ các nhóm chất như cơm, thịt cá, rau củ. Có thể uống thêm cà phê để giữ được tỉnh táo, tuy nhiên nên uống cà phê trước 8-9h tối, để tránh xảy ra hiện tượng mất ngủ vào sáng hôm sau.
- Bữa phụ: giữa ca có thể nghỉ ngơi nạp thêm ít năng lượng, có thể lựa chọn như phở, cháo cá hay 1 nửa chiếc bánh mì kẹp.
Những bệnh thường gặp của người làm ban đêm là những bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của con người. Hi vọng qua bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn và biết cách hạn chế những ảnh hưởng không tốt của nó.
Xem thêm:
- Cảnh báo làm việc đêm thường xuyên dễ mắc ung thư
- Mất ngủ - nỗi ám ảnh của tuổi trung niên
- Căng thẳng do công việc, hay cáu gắt, đêm khó ngủ phải làm gì?