Tại sao bệnh bướu cổ phổ biến ở nữ giới có độ tuổi 30 trở lên?
Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp ở cổ phát triển to ra khiến cổ bị sưng. Đây là một trong những rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất. Bệnh thường vô hại nhưng cần điều trị những triệu chứng của nó. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nam giới từ 5 - 8 lần và thường phổ biến ở độ tuổi ngoài 30, tầm từ 36-55 tuổi.
Tại sao bệnh bướu cổ phổ biến ở nữ giới có độ tuổi 30 trở lên?
Lý do khiến nhiều phụ nữ mắc bệnh bướu cổ
Nguyên nhân chủ yếu gây bướu cổ là do thiếu I-ốt. Tuy nhiên ngày nay, có thêm nhiều nguyên nhân gây bệnh này, thường là rối loạn chức năng tuyến giáp do mất cân bằng hormone tuyến giáp. Các nguyên nhân thường gặp là:
- Bệnh tự miễn: thường thấy ở phụ nữ, bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch cho rằng một bộ phận, hoặc dịch tiết bình thường trong cơ thể là yếu tố đe dọa và tạo ra kháng thể để tiêu diệt chúng. Các bệnh tự miễn như Grave có liên quan đến cường giáp, bệnh Hashimoto liên quan đến chứng suy giáp, là hai trong số những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tuyến giáp và có thể dẫn đến bệnh bướu cổ.
- Các yếu tố di truyền, môi trường và lối sống: nếu một người có tiền sử gia đình về bệnh lý tuyến giáp, người đó có nguy cơ mắc các vấn đề về tuyến giáp cao hơn. Một lối sống không lành mạnh như nạp không đủ iốt, ít vận động thể chất, thiếu ngủ, sử dụng chất kích thích cũng làm tuyến giáp hoạt động sai lệch.
- Quá trình mang thai và sinh nở: hormone HCG sản sinh khi phụ nữ mang thai có thể làm tuyến giáp sưng nhẹ. Sau khi sinh con, các hormone trong cơ thể bị xáo trộn mạnh và cần thời gian để ổn định, có khoảng 5-9% phụ nữ bị viêm tuyến giáp hoặc mắc bướu cổ trong một thời gian ngắn sau sinh.
- Yếu tố tuổi: cơ hội phát triển các bệnh tuyến giáp tăng theo tuổi tác, nó thường phổ biến hơn ở những người ở độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi. Đó là lý giải vì sao phụ nữ trong độ tuổi từ 36 trở lên dễ mắc bướu cổ hơn những phụ nữ trẻ tuổi
- Yếu tố cân nặng: tăng cân đột ngột, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì, cùng với sự mất cân bằng nội tiết tố, thường liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp, trong đó có bướu cổ.
Bướu cổ ảnh hưởng đến phụ nữ như thế nào?
Theo thống kê, có 1/8 phụ nữ sẽ gặp phải các vấn đề về tuyến giáp, cụ thể ở đây là mắc bướu cổ ở thời điểm nào đó trong cuộc đời. Bướu cổ có thể gây ra:
- Vấn đề với chu kỳ kinh nguyệt: Tuyến giáp giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp có thể làm cho chu kỳ kinh thưa, mau hoặc không đều. Bệnh bướu cổ cũng có thể khiến chu kỳ kinh biến mất trong vài tháng, được gọi là vô kinh. Nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể gây ra bệnh tuyến giáp, thì các tuyến khác cũng bị ảnh hưởng, bao gồm cả buồng trứng. Điều này có thể dẫn đến mãn kinh sớm trước tuổi 40.
- Khả năng có thai: Khi bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, nó cũng ảnh hưởng đến sự rụng trứng. Điều này có thể khiến người phụ nữ khó mang thai hơn.
- Các vấn đề khi mang thai: Bướu cổ ở phụ nữ có thai sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé trong suốt quá trình mang thai.
Cách phòng tránh căn bệnh bướu cổ ở nữ giới
Nhận biết các chất dinh dưỡng cơ thể nạp vào
Có những chất dinh dưỡng quan trọng cho tuyến giáp:
- Iốt: khoáng chất thiết yếu cần thiết để tạo ra hormone tuyến giáp. Những người bị thiếu iốt có thể có nguy cơ bị suy giáp, bướu cổ, tuy nhiên nếu thừa sẽ gây cường giáp.
- Selen: giúp kích hoạt hormone tuyến giáp, nó còn có tác dụng chống oxy hóa để bảo vệ tuyến giáp khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do. Chỉ nên bổ sung selen từ thực phẩm.
- Kẽm: cũng có tác dụng kích hoạt hormone tuyến giáp, giúp điều chỉnh nồng độ TSH, phòng chống bướu cổ
Một số chất dinh dưỡng có thể gây hại cho người bị suy giáp, cần tránh:
- Goitrogens: là các hợp chất có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tuyến giáp nếu tiêu thụ quá nhiều, chúng có trong: các thực phẩm từ đậu nành, một số rau củ có tinh bột, một số loại hạt, ....
- Gluten: một loại protein được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Đây là tác nhân gây bệnh tự miễn, do đó người bị viêm tuyến giáp Hashimoto cũng cần phải loại bỏ gluten để giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động ổn định, trong đó có tuyến giáp. Dưới đây là một vài lời khuyên:
- Nghỉ ngơi hợp lý giúp phòng tránh bướu cổ: cần ngủ đủ 7- 8 giờ mỗi đêm. Ngủ ít có thể khiến cơ thể tích tụ mỡ, đặc biệt là quanh vùng bụng.
- Ăn uống đa dạng: chú ý đến các thành phần của bữa ăn, ăn chậm nhai kĩ sẽ giúp bạn tiêu hóa tốt, góp phần giảm cân.
- Chơi thể thao, tập thể dục, tập yoga: Vận động sẽ giúp cơ thể dẻo dai, các cơ quan hoạt động trơn tru, tập Yoga có thể giúp bạn giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tổng thể và có hiệu quả giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Kiểm tra hệ tiêu hóa
Đường ruột và tuyến giáp có kết nối mật thiết. Để chữa các bệnh tuyến giáp, trong đó có bướu cổ, đôi khi phải xem xét cả những bệnh của hệ tiêu hóa.
Ruột đóng vai trò kích hoạt hormone tuyến giáp để tăng năng lượng, tâm trạng, sự trao đổi chất và nhiều vấn đề khác.
Ngoài ra ruột là nơi chứa 60-80% hệ thống miễn dịch, phần lớn bệnh tuyến giáp là do rối loạn chức năng miễn dịch, việc chữa khỏi các bệnh đường ruột sẽ giúp cân bằng hệ thống miễn dịch và chữa lành tuyến giáp của bạn.
Xem thêm:
- Bướu cổ cường giáp phải kiêng ăn gì?
- Bị bướu cổ có nên uống sữa đậu nành?
- Chi phí mổ nội soi bướu cổ bao nhiêu tiền?