Tác dụng phụ của thuốc không phải lúc nào cũng có hại

Nhắc đến cụm từ “tác dụng phụ” hẳn nhiều người đều nghĩ đến nó với hàm nghĩa xấu. Dĩ nhiên, tác dụng phụ của thuốc là một điều không phải ai cũng mong muốn.

Tác dụng phụ của thuốc không phải lúc nào cũng có hại Tác dụng phụ của thuốc không phải lúc nào cũng có hại

Tuy vậy, trong một số trường hợp, tác dụng phụ của thuốc không phải lúc nào cũng có hại mà nó lại còn giúp giải quyết một số vấn đề mà người dùng mắc phải. Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu xem các tác dụng phụ nào của các loại thuốc nào được coi là “có lợi” nhé!

Proscar và tăng trưởng tóc

Trong thành phần của Proscar có hoạt chất Finasteride, là một chất ức chế 5 α –reductase, thường được dùng trong trường hợp điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính có triệu chứng (BPH) ở bệnh nhân nam có tuyến tiền liệt lớn. Proscar có tác dụng cải thiện triệu chứng, giảm nguy cơ giữ nước tiểu cấp và nguy cơ phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt.

Hoạt chất Finasteride trong Proscar đồng thời còn được tìm thấy trong propecia, một loại thuốc giúp thúc đẩy tăng trưởng tóc ở nam giới hói đầu. Do vậy, nếu một người đàn ông hói đầu sử dụng proscar để điều trị BPH thì có khả năng tóc của ông ta cũng có thể mọc theo. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng nồng độ của Finasteride trong Proscar cao hơn đáng kể so với trong Propecia.

Baclofen giảm nóng rát do chứng trào ngược dạ dày (GERD)

Baclofen là thuốc thuộc nhóm giãn cơ và chống co thắt. Nó được sử dụng để điều trị các chứng bệnh do bệnh đa xơ cứng bao gồm co thắt, đau và cứng. Về mặt hóa học, baclofen có liên quan đến axit gamma – amino butyric (GABA), một chất dẫn truyền thần kinh trong não.

Bên cạnh việc điều trị các triệu chứng của co cứng cơ, baclofen cũng là một trong những thuốc hiệu quả nhất để điều trị các trường hợp nấc mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau như các bệnh lí ở dạ dày, đặc biệt là bệnh trào ngược dạ dày (GERD). Trong chứng GERD, axit của dạ dày chảy ngược vào thực quản dẫn đến các triệu chứng của GERD như ợ nóng, đau họng, đau ngực và khó nuốt. Do vậy, một số người mắc chứng GERD khi sử dụng baclofen có thể được hưởng lợi trong giảm các triệu chứng vừa nêu.

Viagra cải thiện sự co bóp của tim

Viagra là một loại thuốc quen thuộc trong điều trị rối loạn cương dương, yếu sinh lý và xuất tinh sớm ở nam giới. Cơ chế dược động học của nó là làm cho dòng máu đến dương vật nhiều hơn và ra khỏi dương vật ít hơn nên dương vật cương cứng bền bỉ hơn. Ngoài ra, hoạt chất sildnefill có trong thành phần của Viagra giúp tăng cường yếu tố men GMPC ở vật hang của dương vật sinh ra trong lúc hứng khởi tình dụng, giúp men này tồn tại lâu hơn ở dương vật khiến dương vật cương cứng lâu hơn.

Tuy nhiên, theo kết quả từ một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí BMC Medicine cho thấy chất ức chế phosphodiesterase 5 (PDE5) như Viagra cũng có thể cải thiện sự co bóp của cơ tim. Một số giả thuyết được đưa ra rằng, Viagra và các thuốc ức chế PDE5 khác có thể hữu ích trong việc điều trị phì đại cơ tim và suy tim giai đoạn sớm. Tuy vậy, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu có quy mô lớn hơn để làm rõ mối liên quan thú vị giữa các thuốc ức chế PDE5, trong đó có Viagra và sức khỏe tim mạch.

Thuốc tránh thai đường uống giúp cải thiện mụn trứng cá

Thuốc tránh thai đường uống (OCPs) có chứa các kích thích tố là estrogen và progesterone giúp giảm mụn trứng cá ở một số phụ nữ trẻ. Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng, thuốc tránh thai đường uống có hiệu quả làm giảm tổn thương viêm và không viêm thứ phát của mụn trên khuôn mặt. Đặc biệt, tùy vào loại cụ thể của estrogen và progesterone chứa trong thuốc tránh thai mà hiệu quả điều trị mụn trứng cá là khác nhau. Cụ thể, thuốc có chứa acetate cyproterone có hiệu quả tốt hơn so với thuốc có chứa levonorgestrel.

Levodopa và khả năng sáng tạo

Levodopa là tiền chất chuyển hóa của dopamine. Nó được dùng trong điều trị bệnh Parkinson và gây tiết dopamine. Tuy vậy bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, nó còn có thể khiến bạn trở nên sáng tạo hơn! Kết luận này được đúc kết dựa trên quan sát những người bị bệnh Parkinson. Trước đó họ không có thói quen viết sách xuất bản và làm thơ nhưng sau khi điều trị lại xuất hiện sự sáng tạo trong các công việc đó.

Tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nhân quả để làm rõ thêm kết luận này. Có thể có các yếu tố khác chi phối ở người bệnh Parkinson liên quan đến tìm kiếm sự mới lạ và sáng tạo và mối liên quan đúc rút từ quan sát trên chỉ là một sự suy đoán.

Về cơ bản, tác dụng phụ của thuốc là các tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị, nhưng vẫn có một số tác dụng phụ “có lợi”. Dù vậy, chúng ta cũng không nên quá lạm dụng những tác dụng phụ đó mà chỉ tận dụng những mặt tích cực của thuốc trong những tình trạng sức khỏe cụ thể.

>>> Xem thêm: Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày

(Theo Sức khỏe đời sống)