Tác dụng của vitamin K với trẻ sơ sinh
Khi bố mẹ trẻ từ chối tiêm vitamin K và con của họ bị chảy máu não: Đứa trẻ được sinh đủ tháng và khỏe mạnh, nhưng bây giờ, chỉ sau vài tuần, đứa bé nằm uể oải và đờ đẫn, hơi thở yếu ớt. Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Tác dụng của vitamin K với trẻ sơ sinh
“Đứa bé được chẩn đoán là chảy máu trong não”, Ivana Culic, một bác sĩ chuyên khoa nhi ở bệnh viện nhi Boston và là giám đốc y khoa của trung tâm chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Beverly, nói. “Thật không may, những đứa trẻ bị chảy máu trong hộp sọ - hay chảy máu trong não - sẽ phải chịu sự tổn thương có thể kéo dài cả cuộc đời chúng.”
Đứa trẻ còn sống. Luật riêng tư về y tế khiến Culic không thể tiết lộ thêm chi tiết về trường hợp mà bà nhìn thấy ở khu Boston, nhưng bà có thể nói thế này: Bố mẹ của đứa trẻ đã từ chối mũi tiêm vitamin K tiêu chuẩn có thể giúp đứa bé ngăn chặn hầu hết các trường hợp chảy máu.
“Về cá nhân mà nói, thực sự rất khó để chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh bị ốm yếu”, bà nói. “Nhưng khi bạn nhận ra rằng có một vài căn bệnh nguy hiểm có thể được ngăn chặn hoàn toàn, thì đó lại là một vấn đề rất khó cho chúng tôi khi muốn mọi người hiểu và cùng đối phó.”
Chăm sóc y tế tiêu chuẩn
Tất cả trẻ em sơ sinh đều được tiêm vitamin K. Nó giúp đông máu và ngăn chặn nguy cơ chảy máu tiềm tàng. Nhưng một vài cặp bố mẹ trẻ từ chối tiêm mũi này cho con mình, và con số này thậm chí còn đang tăng lên - một xu hướng vô hình đang gây trở ngại sâu sắc cho các bác sĩ từ Nashville đến New Zealand.
Tổ chức y tế Mỹ không theo dõi các ca từ chối tiêm vitamin K, nhưng trong những năm gần đây, những báo cáo nhỏ từ các bệnh viện và trung tâm phòng chống bệnh tật đã miêu tả nhiều trường hợp trẻ em bị chảy máu não có bố mẹ từ chối tiêm vitamin K.
Bác sĩ Robert Sidonio Jr, hiện giờ ở Đại học Emory, cũng chứng minh bằng tài liệu những trường hợp này ở Nashville trong năm 2013: 5 đứa trẻ bị chảy máu não khi hơn 6 tháng. Ngược lại, ông cho biết, trong khi thông thường khoảng hơn 99% những đứa trẻ được tiêm vitamin K, thì hơn 3% các cặp cha mẹ ở Nashville từ chối mũi tiêm này - và ở các nhà hộ sinh tư nhân xung quanh đó thì gần 30% trường hợp từ chối.
“Và điều này xảy ra ở những thành phố không lớn lắm, thường cũng tương đối bảo thủ”, ông nói, “Vì thế, việc có một số cặp cha mẹ từ chối mũi tiêm này khiến chúng tôi khá bất ngờ. Đó thực sự cũng là một cú sốc đối với trung tâm phòng chống bệnh tật.”
Họ nghĩ gì?
Vậy vì sao những cặp cha mẹ này lại từ chối một phương pháp tiêu chuẩn hơn 50 năm qua đã được chứng minh có thể ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm?
Bác sĩ Ben Wheeler của Đại học Otago New Zealand đã công bố một cái cái nhìn sâu sắc về xu hướng các cặp cha mẹ từ chối mũi tiêm vitamin K cho đứa bé sơ sinh của họ. Bài phân tích dựa trên cuộc phỏng vấn 15 gia đình, đăng tải trên tạp chí Đạo đức Y Khoa, đã tìm thấy một loạt các yếu tố, từ tín ngưỡng tôn giáo đến các lý lẽ về chuyện ‘tự nhiên’ là tốt nhất.
“Chúng tôi tin Chúa tạo ra chúng tôi và biết Ngài đang làm gì”, đó là một lý do Wheeler nghe từ các bậc cha mẹ. Một số khác bổ sung: “Nếu đứa trẻ thực sự cần nhiều vitamin K hơn, thì chúng có thể lấy từ chính tôi”, và “Đối với chúng tôi, nguy cơ từ vitamin K còn cao hơn vì con tôi hoàn toàn bình thường, dễ đẻ.”
“Điều đó làm nổi bật các nhận thức sai lầm ở những người cho rằng mọi thứ tự nhiên và dễ dàng hơn, đó cũng là một yếu tố tự vệ theo một phương diện nào đó.” Wheeler nói.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm ra một mối liên quan mạnh mẽ giữa sự từ chối tiêm vitamin K và sự từ chối tiêm vaccine cho trẻ nhỏ. Nghiên cứu cũng đã tìm ra rằng các cặp cha mẹ sinh con với sự trợ giúp của nữ hộ sinh thường có xu hướng từ chối tiêm vitamin K.
Một số cặp cha mẹ không muốn con mình phải chịu đau khi tiêm, bác sĩ Kristi Watterberg, chủ tịch Ủy ban về trẻ sơ sinh và thai nhi của Học viện nhi khoa Mỹ, nói. Một số người lo lắng không biết có những gì trong mũi tiêm, bà nói, và một số người lại nghe nói từ những nghiên cứu cũ đã bị bác bỏ về mối liên kết giữa mũi tiêm vitamin K với bệnh bạch cầu.
Nếu bạn tìm từ khóa “Vitamin K ở trẻ sơ sinh” trên Google, một trong những đường link đầu tiên là một trang web cảnh báo về “Nguy cơ tiềm tàng” của mũi tiêm và ủng hộ phương pháp điều trị bằng đường miệng thay cho tiêm, dù học viện nhi khoa Mỹ và trung tâm phòng chống bệnh tật khuyên rằng tiêm sẽ có tác dụng tốt hơn uống qua đường miệng.
“Có rất nhiều thứ trên mạng internet hoàn toàn không đúng sự thật”, Watterberg nói. “Chúng không hề có cơ sở thực tế.”
Đạo đức làm cha mẹ
Nếu bạn đang băn khoăn, “Vì sao không bắt buộc phải tiêm vitamin K?”, thì câu trả lời là, New York đã làm điều đó. Nhưng các bang còn lại trong nước Mỹ vẫn cho các bậc cha mẹ nhiều quyền lựa chọn. Các cặp cha mẹ được cấp quyền thoải mái lựa chọn cách chăm sóc con mình, và vitamin K dường như bị rơi vào vùng đạo đức xám.
Wheeler cho biết, các câu hỏi thuộc vùng trung tâm đạo đức là: “Có nguy cơ nào đáng kể hay sắp xảy ra với con do các quyết định của họ hay không? Đặc biệt, khi đề cập đến đứa trẻ, những đứa bé không thể tự lên tiếng vì chính mình, thì việc giúp cha mẹ hiểu được những nguy cơ đó thực sự là nghĩa vụ của các bác sĩ.”
Một ví dụ điển hình: Nếu một đứa trẻ chảy máu nhiều và cha mẹ từ chối điều trị vì lý do tôn giáo, bác sĩ phải thực sự định hướng lại cho các cặp cha mẹ. Nhưng với vitamin K, Wheeler nói, nguy cơ một đứa bé bị chảy máu não vào khoảng 1/1.500, trong khi nếu được tiêm thì nguy cơ chỉ khoảng 1/100.000.
Và nếu bác sĩ quá cưỡng chế hoặc quá mạnh mẽ về nguy cơ ở vùng xám này, ông nói, họ có thể phá hủy mối quan hệ giữa bác sĩ và gia đình, và đem lại những hậu quả tồi tệ hơn.
Chúng ta nên làm gì?
Wheeler khuyên rằng “nên có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với gia đình”, ngay từ thời điểm mới mang thai, để chắc rằng thông tin mà họ có được là chính xác và công nhận rằng cặp cha mẹ đó “có định hướng đạo đức đúng đắn trong lĩnh vực này.”
Bác sĩ Sidonio, của Emory, còn gọi điện thoại thêm để có cuộc trao đổi tốt hơn và cũng kêu gọi một hệ thống quốc gia theo dõi về các trường hợp chảy máu do từ chối tiêm vitamin K. Một cơ quan đăng ký sơ bộ đã đang được chuẩn bị, ông nói, nhưng dường như chúng tôi vẫn để sót một số trường hợp.
Ông nhìn thấy ca chảy máu do từ chối tiêm vitamin K đầu tiên vào 7 năm trước ở một bệnh nhân theo đạo Tin Lành ở Pennsylvania, nhưng ông cho rằng hiện tượng đó không chỉ giới hạn với người theo đạo Tin Lành.
Những năm sau đó, khi ông làm việc ở Nashville và nghe nói về một đứa bé bị chảy máu não, kinh nghiệm với người theo đạo Tin Lành đã nhắc ông kiểm tra về mũi tiêm vitamin K ở cha mẹ đứa trẻ.
Ông và các đồng nghiệp của mình bắt đầu thu thập và làm một bản tổng hợp các ca bệnh năm 2013, và sự thất vọng của ông lại tăng thêm. Hai đứa bé gần như suýt chết, ông nói, “và một vài đứa bé ở tình trạng cực kỳ xấu và có thể ảnh hưởng đến thần kinh”. Từ năm 2014, ông đã gặp thêm hai trường hợp ở Emory.
Mũi tiêm vitamin K dường như là một nạn nhân của sự thành công của chính nó, Sidonio nói: “Khi bạn loại bỏ một căn bệnh hay một sự rối loạn, rất nhiều bác sĩ mới, hộ sinh mới, bà đỡ mới có thể thật thà nói rằng “Tôi chưa bao giờ thấy ca này.”
Và bây giờ, Culic, một bác sĩ chuyên khoa về trẻ sơ sinh, đã chính mắt nhìn thấy ca bệnh, cũng nhìn thấy sự khẩn cấp mới đằng sau những nỗ lực để thuyết phục bệnh nhân.
“Chúng ta luôn luôn nên cố gắng hỏi các cặp cha mẹ vì sao họ lại từ chối mũi tiêm vitamin K”, bà nói, “cố gắng để làm giảm nỗi sợ hãi của họ và giải thích cho họ sai lầm của họ ở đâu, cố gắng hết sức không để cho nó xảy ra.”