Stress có thể khiến cho bạn bị ung thư điều này có tin được không?
Stress gây ra nhiều tác hại đối với cả thể chất và tinh thần, làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày, bệnh tim mạch, các bệnh rối loạn lo lắng, trầm cảm... Liệu stress có phải là nguyên nhân khiến cho số người bị ung thư ngày càng tăng lên?
Stress có thể khiến cho bạn bị ung thư điều này có tin được không?
Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện nghi về mặt vật chất nhưng lại không khiến cho tinh thần của con người trở nên thư thái hơn. Ngược lại, nó tạo ra nhiều áp lực, từ công việc, những mối quan hệ khiến cho tâm lý của con người rơi vào sự căng thẳng, stress.
Mối liên hệ giữa stress và ung thư
Nghiên cứu về ung thư ở trẻ em của Jacop và Charles (1992) cho thấy, một tỉ lệ không nhỏ trong số các trẻ em đã gặp phải những biến đổi nghiêm trọng về cuộc sống trong vòng một năm trước khi được chẩn đoán và phát hiện bệnh ung thư, thường là liên quan đến cái chết của một người thân hoặc mất đi những mối quan hệ thân thiết.
Ở phụ nữ, nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng lên 30% đối với những người phải làm việc căng thẳng. Nghiên cứu này thực hiện trên 36.000 phụ nữ Thụy Điển tuổi từ 30 đến 50 đang đi làm. Nghiên cứu bắt đầu từ năm 1990 và đến năm 2004, 767 người đã bị phát hiện ung thư vú.
Các nhà khoa học cho rằng, stress trong thời gian kéo dài sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, dẫn đến cơ thể không chống đỡ được tế bào ung thư. Hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ nhận diện những tế bào bất thường trong cơ thể, sửa chữa hoặc tiêu diệt những tế bào này để ngăn chặn sự hình thành của tế bào ung thư. Khi bị stress, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormon corticoid để đối phó với tình trạng căng thẳng, nếu kéo dài, hormon này sẽ gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước ung thư.
Bên cạnh đó, áp lực cũng tạo điều kiện cho các thói quen xấu hình thành. Chúng ta bắt đầu thức khuya hơn, ăn nhiều thực phẩm không lành mạnh, ngừng tập thể dục, bắt đầu hút thuốc, uống rượu bia để giải tỏa căng thẳng. Tất cả những yếu tố này rút ngắn con đường đến ung thư hơn.
Đừng để stress làm chủ cuộc sống của bạn
Ai cũng sẽ trải qua những giai đoạn stress căng thẳng, quan trọng là chúng ta cần phải biết cách kiểm soát nó và không để những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Giáo sư Lorenzo Cohen, chuyên gia về ung bướu và khoa học hành vi của Trung tâm ung thư MD Anderson, chia sẻ một số phương pháp để làm giảm thiểu stress:
- Hãy trò chuyện với chuyên gia tâm lý, còn gọi là liệu pháp trò chuyện và liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioral therapy - CBT). Liệu pháp này sẽ giúp bạn cởi bỏ hết mối dây nhợ trong tâm trí, những suy nghĩ, cảm xúc đang điều khiển hành vi của bạn. Liệu pháp này cung cấp các công cụ tinh thần để kiểm soát những mối lo âu có thể đè nặng lên hệ miễn dịch.
- Tập thiền hay yoga đã được chứng minh có thể đối phó lại với những cơn căng thẳng, giải tỏa tâm trạng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Những người thường xuyên thực hành thiền sẽ có khả năng giữ được sự cân bằng trong việc thích ứng với những áp lực trong công việc, trong cuộc sống, giảm bớt nguy cơ lạm dụng các chất gây nghiện, giảm stress, lo âu, trầm cảm...
Một số kĩ thuật cơ bản để thực hành thiền:
- Ngồi yên tĩnh trong tư thế thoải mái nhất
- Khép hờ đôi mắt lại
- Bắt đầu buông lỏng, thư giãn các cơ từ chân rồi dần lên toàn thân.
- Đưa tâm về với hơi thở, nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra. Bạn có thể thầm đếm theo hơi thở của mình, từ 1 đến 10 rồi bắt đầu từ 1 trở lại. Cách đếm này giúp chúng ta không bị phân tâm.
Tập như thế trong vòng 10-15 phút, những căng thẳng sẽ được lắng dịu, hơi thở trở nên ôn hòa, nhịp tim cũng đập chậm và đều hơn. Phương pháp này có thể áp dụng ở mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào bạn đang cảm thấy căng thẳng, hãy dừng công việc đang làm và chú tâm vào hơi thở trong một vài phút. Bạn sẽ thấy ổn hơn rất nhiều.
- Hạn chế xem tivi, lướt internet... Có thể bạn nghĩ rằng xem tivi và lướt facebook là những cách giải trí trong lúc căng thẳng. Thực tế là những thông tin bạn thu nạp sẽ đầu độc tâm trí, khiến cho bạn luôn bị xáo động càng trở nên mệt mỏi hơn. Thay vào đó, hãy thử ngồi thật yên để xoa dịu những căng thẳng trong tâm trí, những đau nhức trên cơ thể, bạn sẽ thấy năng lượng được phục hồi nhanh chóng.
- Đi ngủ sớm, ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm là một món quà hết sức quý giá cho hệ miễn dịch, bồi bổ tâm thân, bộ nhớ và khả năng tập trung. Một “lịch ngủ” đều đặn, không để tivi trong phòng, tập thể dục thường xuyên... tất sẽ có những giấc ngủ ngon.
Sắp xếp lại cuộc sống của mình, tập sống đơn giản, dành ra 10-15 phút mỗi ngày để ngồi thiền và hít thở sâu sẽ giúp bạn dần dần lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Mục đích của chúng ta là được sống vui vẻ và hạnh phúc, đừng để stress lấy đi điều đó của bạn.
Theo SK&ĐS
Xem thêm:
- Một số tác động kỳ lạ của stress bạn đã biết chưa?
- 4 loại trái cây rất tốt cho người bị mất ngủ hay stress