Phương pháp bấm huyệt chữa tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là bệnh lý để lại những di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Bên cạnh việc cấp cứu bằng Tây y, cấp cứu cho những trường hợp bị tai biến mạch máu não chưa gây vỡ mạch còn có thể thực hiện bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt.
Phương pháp bấm huyệt chữa tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh như liệt, mất trí nhớ, rối loạn cảm xúc... Trong đó, liệt nửa người là biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất của tai biến mạch máu não (dân gian gọi là bán thân bất toại hoặc liệt bán thân). Đặc điểm của liệt nửa người là một vài tuần đầu, bệnh nhân bị liệt mềm, không cử động được chân tay. Sau đó, từ liệt mềm sẽ dần chuyển thành liệt cứng, các cơ bị co cứng làm cho bệnh nhân cử động khó khăn hoặc không cử động được nếu như co cứng quá mức. Sau giai đoạn liệt cứng, bệnh nhân có thể thực hiện được một số vận động của tay, chân và thân mình. Nếu không được phục hồi chức năng sớm và đúng cách, những co cứng của tay, chân và thân mình sẽ trở nên nặng hơn, từ co cứng trở thành co rút. Bệnh nhân có thể mất khả năng vận động, trở thành tàn tật, cuộc sống phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.Bài thuốc kết hợp bấm huyệt từ giun đất
Theo lương y Tăng Văn Quang (Phó chủ tịch Hội Đông y huyện Hóc Môn, nguyên Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn, TP.HCM), để phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến, ngoài phương pháp bấm huyệt, ông Quang còn sử dụng một bài thuốc kết hợp để quá trình lành bệnh nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Đối với bệnh nhân tai biến, phương pháp điều trị chủ yếu là châm cứu, bấm huyệt. Tuy nhiên, thuốc cũng rất quan trọng. Bài thuốc tôi sử dụng có tất cả 6 vị, gồm: đào nhân (4g), địa long (4g), đương quy vĩ (8g), hoàng kỳ tươi (160g), xích thược (6g), xuyên khung (4g) dùng để sắc cho người bệnh uống trong ngày. Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp với tập luyện vận động để nhanh chóng hồi phục hơn”.
Trong bài thuốc của lương y Quang, dược liệu đáng chú ý nhất là địa long (giun đất). “Trong cuốn “Bản thảo cương mục” nổi tiếng của y học cổ truyền Trung Hoa có ghi: “Giun là nguyên liệu sản xuất 40 bài thuốc, chữa được rất nhiều loại bệnh”. Địa long là một vị thuốc đã được sử dụng trong y học dân gian từ lâu đời, có vị mặn, tính hàn, quy vào 3 kinh Can, Tỳ, Thận. Nó có tác dụng trấn kinh, làm tan ứ huyết, cải thiện độ đàn hồi của mạch máu, nuôi dưỡng tế bào thần kinh và phục hồi trí nhớ trong các chứng hôn mê do tai biến mạch não. Biết được tính vị này của địa long, tôi đã sử dụng vào bài thuốc của mình. Ngoài ra, địa long còn có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Liều lượng của địa long trong bài thuốc chỉ trung bình nhưng khi được phối hợp với 5 vị thuốc có tác dụng hành khí hoạt huyết khác, nó sẽ làm tăng tác dụng đánh tan máu ứ và khai thông kinh mạch. Riêng hoàng kỳ tươi là vị thuốc bổ khí, được dùng với liều lượng cao nhằm tăng cường chính khí. Hoàng kỳ có tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng cường sức bền của thành mạch máu, ngăn ngừa sự hình thành mãng xơ vữa trong lòng mạch, giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh”, lương y Quang chia sẻ.
Với phương pháp bấm huyệt độc đáo kết hợp bài thuốc quý, những năm qua, lương y Quang đã “giải cứu” cho rất nhiều bệnh nhân tai biến mạch máu não có nguy cơ bị liệt.
Xoa bóp điều trị phục hồi di chứng tai biến mạch máu não
- Tư thế người bệnh: nằm ngửa hoặc ngồi
- Nguyên tắc là làm nhẹ nhàng, tăng dần mức độ. Thời gian một lần xoa bóp khoảng 20-30 phút.
- Thao tác
Vùng đầu cổ:
Xoa vùng cổ cho nóng lên, day vùng cổ gáy 3 lần, sau đó bóp vùng cổ 3 lần.
Bấm các huyệt: bách hội (trên đỉnh đầu), tứ thần thông (4 huyệt ở trước, sau, phải, trái của bách hội 1 thốn), phong trì (từ xương chẩm C1 đo ra ngoài 2 thốn) mỗi huyệt làm khoảng nửa phút.
Chi trên:
Dùng tay trái nâng cánh tay liệt của người bệnh, tay phải xát dọc mặt trong, ngoài, trước, sau cánh tay (từ dưới lên trên) 3 lần. Lăn dọc từ cổ tay tới bả vai trước sau 3 lần. Bóp từ trên xuống dưới trước sau 3 lần. Sau đó dùng ngón tay cái day mặt gan bàn tay và mặt mu bàn tay liệt, miết dọc kẽ ngón tay.
Bấm các huyệt khúc trì (điểm tận cùng ngoài nếp gấp khuỷu), hợp cốc (nằm ở kẽ giữa xương đốt bàn ngón cái và ngón trỏ), mỗi huyệt làm khoảng nửa phút.
Một tay giữ cố định vai người bệnh, tay kia nắm vào phần cánh tay bệnh nhân, vận động khớp vai bệnh nhân nhẹ nhàng theo các chiều của khớp. Sau đó, dùng một tay cố định cánh tay bệnh nhân, tay kia nắm cẳng tay bệnh nhân để vận động khớp khuỷu. Tiếp theo là cố định cẳng tay bệnh nhân để vận động khớp cổ tay và các khớp bàn ngón với cách tương tự.
Chi dưới:
Xát dọc mặt trước, sau, trong, ngoài từ cổ chân tới đùi, mỗi mặt 3 lần; day mặt trong, trước, ngoài theo chiều từ dưới lên, mỗi mặt 3 lần; lăn mặt trong, trước, ngoài theo chiều từ dưới lên, mỗi mặt 3 lần; bóp dọc từ dưới lên cả 4 mặt, mỗi mặt 3 lần.
Bấm các huyệt lương khâu (từ góc trên bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng lên 3cm), túc tam lý (từ góc dưới bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng xuống 4,5 cm), dương lăng tuyền (từ đầu dưới xương bánh chè đo xuống 3 cm rồi đo ngang ra ngoài 1,5 cm), tam âm giao (từ lồi cao mắt cá trong xương chày đo lên 3 thốn).
Một tay giữ cẳng chân bệnh nhân, tay kia nắm đầu gối bệnh nhân, nâng chân cho cẳng chân gập vào đùi, đùi gập vào bụng, làm khoảng 5-10 lần. Sau đó, một tay giữ gót bệnh nhân, tay kia nắm ngón chân bệnh nhân, quay cổ chân 2-3 lần, đẩy ngược bàn chân về phía cẳng chân 2-3 cái.
Bài viết mang tính chất tham khảo, bạn đọc cân nhắc trước khi sử dụng thông tin
Xem thêm:
- Đột quỵ và tai biến khác nhau không?
- Người bị tai biến nên uống loại sữa gì?