Những điều cần biết về bệnh xuất huyết não và cách điều trị
Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu ở não bị vỡ, máu thoát ra khỏi thành mạch vào nhu mô não, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.
Những điều cần biết về bệnh xuất huyết não và cách điều trị
Xuất huyết não là tình trạng não xuất hiện vết bầm tím, gây ra bởi chấn thương...
Xuất huyết não là gì?
Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu ở não bị vỡ, máu thoát ra khỏi thành mạch vào nhu mô não, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong trong vòng 24h (không kể nguyên nhân do chấn thương sọ não).
Nguyên nhân gây xuất huyết não
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết não:
Huyết áp tăng gây vỡ mạch trong não.
Vỡ phình mạch não do dị dạng ở mạch não, thường gặp ở trẻ em.
Bệnh về máu.
Vỡ dị dạng động tĩnh mạch não
Dấu hiệu nhận biết chứng xuất huyết não
Khi cơ thể có các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám trực tiếp:
Xuất hiện cơn đau đầu dữ dội: Hơn 50% bệnh nhân bị xuất huyết não đều có dấu hiệu này đầu tiên.
Chóng mặt, ù tai, choáng váng có thể dẫn tới ngất xỉu.
Chân tay run, không đứng vững, không cầm được đồ vật...
Có thể gặp phải tình huống khi đang nói chuyện bỗng dưng mất kiểm soát không nói được, mắt mờ...
Trí nhớ giảm sút nhanh chóng, hay quên hoặc quên hoàn toàn mọi chuyện nhanh chóng ...
Triệu chứng xuất huyết não
Liệt nửa người bên trái hoặc bên phải: Giảm hoặc mất vận động ở 1 nửa bên thân trái hoặc phải.
Liệt nửa mặt: Liệt cùng bên hoặc khác bên so với liệt nửa thân, các nếp nhăn bên liệt mờ hơn bên lành, dễ chảy nước dãi ở bên liệt...
Rối loạn ngôn ngữ: Kói khó, khó diễn đạt, nói ngọng, hoặc cũng có thể không đọc được, không nói được...
Rối loạn về nuốt: Khó nuốt, nuốt dễ bị sặc, không nhai được...
Rối loạn cơ tròn: Đi vệ sinh không tự chủ, bí tiểu...
Rối loạn nhận thức: Lú lẫn, lơ mơ, thờ ơ, suy giảm trí nhớ...
Rối loạn hô hấp: Dễ bị suy hô hấp, tụt lưỡi, sặc tắc đờm ...
Rối loạn phản xạ: Giảm hoặc tăng phản xạ gân xương ở bên liệt.
>>> Xem thêm: Nguyên nhân và biểu hiện trị bệnh xuất huyết não ở trẻ em
Điều trị xuất huyết não như thế nào?
Đảm bảo hô hấp và tuần hoàn:
Hút đờm rãi cho thông đường thở, nếu suy thở cần tiến hành hô hấp hỗ trợ (bóp bóng hoặc thở máy) và thở oxy duy trì PCO2 từ 25 – 30mmHg. Nếu huyết áp tụt cần nâng huyết áp bằng adrenalin, dopamin, dobutrex (dobutamine). Nếu huyết áp tăng từ 180/100mmHg trở lên mới dùng thuốc hạ huyết áp, hạ huyết áp xuống từ từ, nếu bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp thì chỉ hạ huyết áp tối đa xuống 160 – 170mmHg, nếu bệnh nhân không có tiền sử cao huyết áp hạ áp xuống 140 – 150mmHg, không nên hạ huyết áp xuống thấp hơn vì có thể gây thiếu máu não.
Chống phù não:
Truyền các dung dịch ưu trương như manitol, glycerol cần lưu ý dùng liều lượng hợp lý, đảm bảo áp lực thẩm thấu huyết thanh trong khoảng 300 – 320mOsm/lít, nếu bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt thì không cần truyền.
Dùng lợi tiểu kết hợp: furosemid (20 – 80mg mỗi 4 – 6 giờ). Không truyền glucose.
Dùng dexamethasone ít tác dụng.
Thuốc cầm máu:
Việc ngăn chảy máu não cần được thực hiện kịp thời trong khoảng từ 3 – 4 ngày để ngăn chặn việc chảy máu tiếp tục và chảy máu tái phát. Cần dùng loại thuốc chống tiêu sợi tơ huyết như transamin, hemocaprol tiêm tĩnh mạch chậm 1 ống mỗi 4 – 6 giờ. Sau một tuần bị bệnh không nên dùng nữa, thời gian này ổ máu tụ sẽ tiêu dần đi.
Dùng các thuốc tăng cường dinh dưỡng não, bảo vệ tế bào thần kinh và tăng cường tuần hoàn não:
Trong thời kỳ cấp tính có thể dùng cerebrolysine pha với huyết thanh mặn đẳng trương truyền tĩnh mạch chậm ngày 30ml trong 20 ngày. Còn các thuốc như cavinton, nootropil, lucidril, cebrex... chỉ dùng sau giai đoạn cấp.
Điều trị phục hồi
Điều trị phục hồi chức năng để bệnh nhân sớm hồi phục và hòa nhập với cộng đồng hay tự phục vụ được bản thân mình để giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội
Người bệnh cần tập luyện sớm ngay từ những ngày đầu như xoa bóp chân tay, chống teo cơ cứng khớp; phòng huyết tắc; loét các điểm tỳ; lưu thông khí huyết...
Tập phục hồi ngôn ngữ như: tập cho bệnh nhân từng từ, từng câu hay những ký hiệu đối với bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ.
Điều trị dự phòng
Điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ: tổ chức y tế thế giới đưa ra khoảng 20 yếu tố nguy cơ gây xuất huyết não như: tăng lipid máu, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thay đổi thời tiết đột ngột, các chấn thương tâm lý, gắng sức quá mức, nhiễm khuẩn...
Điều trị phẫu thuật: khi ổ máu tụ lớn ở bán cầu đại não có triệu chứng choán chỗ rõ, ý thức xấu dần hoặc ổ máu tụ ở tiểu não đường kính >3cm cần điều trị phẫu thuật để đề phòng tụt kẹt não.
Giải đáp thắc mắc về xuất huyết não
HoiBenh nhận được câu hỏi của bạn ngohuunghia mong được các bác sĩ tư vấn: "Bác sĩ cho cháu hỏi, bạn gái cháu 27 tuổi, bị tông nên đạp đầu xuống đường và bị chấn thương sọ. đến bệnh viện thì được phẫu thuật ngay vì có xuất huyết trong não, sau đó bác sĩ cắt lấy 1 phần sọ bị tổn thương mang đi nuôi dưỡng riêng, hiện giờ bạn gái cháu vẫn đang hôn mê. Các bác sĩ bảo tình trạng sức khỏe đang diễn biến tốt, có chút phù nề ở não gần vùng bị tổn thương, các bác sĩ cho đó là hiện tượng bình thường sau phẩu thuật và nó sẽ lành sớm. Bác sĩ cho cháu hỏi, tình trạng như vậy có gì nghiêm trọng không? Khả năng bình phục hoàn toàn và ít di chứng có cao không? Ngoài ra còn 1 chi tiết quan trọng là sau khi xảy ra tai nạn thì được đưa đến bệnh viện phẫu thuật ngay vì cũng ở gần bênh viện."
Bác sĩ Chu Văn Điểu đã gửi tới bạn đọc cũng như giải đáp thắc mắc của bạn ngohuunghia như sau:
Chấn thương sọ não tuỳ theo mức độ của chấn thương mà có các hình thức chấn thương sọ não sau đây:
Chấn động não là hình thức nhẹ nhất của chấn thương sọ não. Các triệu chứng như nhức đầu, nôn thường sẽ kéo dài sau 1 - 2 tuần điều trị và không để lại di chứng, chứng tỏ não không có tổn thương thực thể.
Nứt sọ: có thể nứt sọ từ đơn giản đến phức tạp, nứt sọ có thể là lí do máu tụ ngoài màng cứng.
Giập não: Vùng dập có thể nông ngay bề mặt vỏ não, có thể sâu xuống chất trắng của não. Nhìn trung dập não là nặng
Các loại máu tụ: máu tụ nội sọ gây chèn ép não.
Có hai loại, máu tụ ngoài màng cứng và máu tụ dưới màng cứng Khi bị chấn thương sọ não có máu tụ là phải mổ lấy máu tụ ngay nếu không người bện sẽ tử vong. Để chẩn đoán chấn thương sọ não có máu tụ thì cần phải theo dõi lâm sàng xem người bệnh có khoảng tỉnh hay không. Nếu người bệnh có khoảng tỉnh tức là có chẩy máu não và tạo ra máu tụ, cần phải mổ cấp cứu ngay lấy máu tụ và cầm máu.
Hiện tượng bạn cháu bị chấn thương sọ não có chảy máu não nên đã được mổ để lấy máu tụ. Khi bị chấn thương có thể phần sọ bị vỡ, khi mổ cần phải bảo tồn phần xương sọ bằng cách cắt lấy một phần xương sọ mang đi muôi dưỡng. Khi ca mổ đã kết thúc nhưng phần não mổ để lấy máu tụ và trong quá trình bị chấn thương não sẽ bị phù nề nên cần để hở phần não bị tổn thương một thời gian, tiếp tục điều trị và theo dõi khi nào ổn định lúc đó sẽ lấy phần xương sọ được nuôi dưỡng ghép liền phần sọ đã để hở ở trước đây.
Đó là các bước của phẫu thuật sọ não khi bị máu tụ mà thôi. Bạn cháu được phẫu thuật kịp thời như vậy đã qua cơn nguy kịch. Tình trạng sức khoẻ sẽ hồi phục dần, bạn cháu vẫn còn hôn mê chưa thể tỉnh được, tuy nhiên bạn cháu sẽ hồi phục dần mà thôi. Vấn đề bình phục hoàn toàn hay không chưa thể trả lời cháu được vì nó phụ thuộc vào mức độ của tổn thương não và bị trấn thương ở vùng nào.
Các di chứng sẽ là:
Đau đầu.
Rối loạn giấc ngủ.
Liệt các mức độ tuỳ theo.
Cơn động kinh như bác đã nói có người hồi phục tốt không thấy di chứng, có người bị đau đầu, kém ngủ khi trở trời, có người bị liệt do tác động đến dây thần kinh vận động, có người lại bị lên cơn động kinh sau này.