Những căn bệnh về mắt thường gặp nhất hiện nay là bệnh nào?
Mắt được xem là “cửa sổ tâm hồn”, là một trong 5 giác quan quan trọng, giúp con người quan sát và kiểm soát môi trường xung quanh. Hiện nay, số người bị mắc các bệnh về mắt đang có chiều hướng gia tăng. Bài viết dưới đây, HoiBenh sẽ liệt kê một số căn bệnh về mắt thường gặp.
Những căn bệnh về mắt thường gặp nhất hiện nay là bệnh nào?
Những căn bệnh về mắt thường gặp nhất hiện nay
Cận thị
Cận thị là tình trạng bạn không thể nhìn thấy các vật ở xa nhưng các đối tượng gần có thể thấy rõ. Tình trạng này có thể diễn tiến dần dần hoặc nhanh chóng, thường trở nên nặng hơn ở độ tuổi đang phát triển. Nguyên nhân gây ra bệnh cận thị chưa được xác định, song rất có thể do mắt phải làm việc nhiều quá. Để chữa trị bạn có thể đeo kính gọng hoặc kính áp tròng. Cũng có thể chữa khỏi vĩnh viễn bằng cách phẫu thuật lasik.
Loạn thị
Loạn thị là một tật khúc xạ mắt rất thường gặp, xảy ra khi hình ảnh quan sát sau khi đi vào mắt không thể hội tụ ở võng mạc, khiến mắt bị mờ. Giác mạc là bộ phận trong suốt có hình chỏm cầu nằm phía trước nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi vào trong mắt. Giác mạc khi không còn giữ được độ cong hoàn hảo mà bị biến dạng không đều, khiến các tia sáng đi vào mắt hội tụ ở nhiều điểm khác nhau (có thể ở phía trước hoặc phía sau võng mạc), gây ra loạn thị. Ngoài ra, loạn thị còn có thể do độ cong của thủy tinh thể bất thường.
Viễn thị
Viễn thị là một vấn đề thị giác phổ biến. Những người bị viễn thị có thể nhìn thấy những vật ở xa rất tốt, nhưng gặp khó khăn khi tập trung vào những vật ở gần.
Đục nhân mắt
Đục nhân mắt là khi thuỷ tinh thể của mắt bị vẩn đục, ngăn ánh sáng vừa đủ vào mắt và do đó ảnh hưởng đến thị lực. Đây là hậu quả của quá trình lão hoá, thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím, dùng thuốc trong thời gian dài và do các bệnh khác. Triệu chứng cơ bản nhất là do thị lực mờ và không thể cải thiện dù đã dùng đủ các loại kính hoặc độ cận tăng lên.
Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là căn bệnh về mắt rất phổ biến và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mù vĩnh viễn.
Nguyên nhân chính của tăng nhãn áp là sự gia tăng áp lực của chất lỏng có trong mắt. Chứng tăng nhãn áp có thể xảy ra đột ngột mà ít có triệu chứng báo trước. Vì thế, bạn nên thường xuyên đi khám mắt định kỳ để tránh bệnh tăng nhãn áp.
Viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Một trong những nguyên nhân gây ra viêm loét giác mạc là thiếu vitamin A trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết nóng ẩm cũng là nguyên nhân gây viêm loét giác mạc. Đặc biệt, nếu không được điều trị kịp thời bệnh viêm loét giác mạc có thể gây ra mù vĩnh viễn.
Bệnh về võng mạc
Bệnh võng mạc là tên gọi chung của một số các chứng bệnh về mắt do rối loạn trong võng mạc (hay còn gọi là đáy mắt). Bệnh võng mạc đứng thứ hai, sau đục thủy tinh thể trong các loại bệnh gây mù lòa.
Nguyên nhân của chứng tách võng mạc là do dịch lỏng tràn vào các hố hoặc nước mắt trong võng mạc, chia tách nó khỏi các lớp phía dưới.
Chắp, lẹo
Đây là hai căn bệnh khác nhau, thường gặp ở bờ mi mắt, tuy nhiên nhiều người rất hay bị nhầm lẫn. Cần phân biệt đúng chắp và lẹo để việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
- Lẹo là tình trạng viêm cấp tính tuyến chân lông ở da mi. Khi mắc, người bệnh cảm thấy vướng, khó chịu, nóng ở bờ mi, khi sờ cảm thấy đau. Sau vài ngày thì sưng tấy lên và tạo mủ vàng.
- Chắp là tình trạng viêm tuyến sụn mi (tuyến Meibomius) mạn tính. Các chất tiết trong túi tuyến ứ lại và làm phình túi tuyến lên. Chắp ửng đỏ là chắp viêm, thường gặp ở bên trong mi mắt. Chắp lạnh không có dấu hiệu viêm, hơi gồ lên như hạt đậu ở bên ngoài. Chắp hay tái phát, thường phải phẫu thuật lấy hết vỏ bọc của chắp thì mới hết tái phát.
Dị ứng mắt
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh dị ứng mắt. Có thể do ánh sáng mặt trời trực tiếp (đối với mắt nhạy cảm), chất độc không khí, bụi, nước hoa và thậm chí một số loại thực phẩm. Khi bị dị ứng, mắt sẽ trở nên đỏ và ngứa. Để điều trị được dị ứng ở mắt cần xác định rõ nguyên nhân.
Đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, khi giao mùa, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối... là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
Bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, lao động của người bệnh. Có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng (ARMD hoặc AMD) liên quan đến tuổi tác, bệnh thường xảy ra ở nam và nữ ở các nhóm tuổi trên 50. Bệnh thoái hóa điểm vàng không có triệu chứng. Do đó, rất khó để phát hiện bệnh. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã tiến triển nặng. Vì thế để tránh nguy cơ mất thị lực do thoái hóa điểm vàng, bạn nên định kỳ đến khám tại các bệnh viện mắt gần nhất.
Biện pháp phòng tránh các căn bệnh về mắt
Khi ra ngoài trời nắng thì đeo kính là một lựa chọn thông minh để bảo vệ mắt. Nếu có thể, thì bạn không nên ra ngoài vào buổi trưa, nắng nóng đỉnh điểm để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Ngoài ra, khi làm việc ngoài trời như cắt cỏ hoặc những công việc tiếp xúc với bụi bẩn như lau dọn nhà cửa... nên đeo kính để bảo vệ mắt khỏi những chấn thương.
Khi mắc bệnh về mắt, người bệnh cần đến các trung tâm y tế để khám và sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ tra mắt và kháng sinh toàn thân theo chỉ định của bác sĩ. Có thể sử dụng khăn nóng ẩm đắp lên mắt mỗi ngày vài lần (khăn mặt nhúng nước ấm vắt khô). Mỗi lần từ 3 - 5 phút. Chườm nóng tại chỗ có tác dụng giảm viêm.
Ngoài ra, để không bị viêm, người bệnh cần rửa tay trước khi tra thuốc mỡ cho mắt hay tra thuốc nhỏ mắt. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý, tra thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ.