Nhiễm độc thai nghén dễ gặp trong giai đoạn nào?

Nhiễm độc thai nghén là một tình trạng nguy hiểm, có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật, sản giật. Làm sao để nhận biết dấu hiệu nhiễm độc thai nghén ở mỗi giai đoạn? Cách điều trị bệnh ra sao?

Nhiễm độc thai nghén dễ gặp trong giai đoạn nào? Nhiễm độc thai nghén dễ gặp trong giai đoạn nào?

Những thông tin cần thiết sẽ có trong bài viết dưới đây.

Thế nào là nhiễm độc thai nghén?

Nhiễm độc thai nghén là sự rối loạn co thắt các mạch máu dẫn đến sự gia tăng áp lực lên các cơ quan ngoại biên và nội tạng (gan, thận, tử cung). Tác động này gây nên những biến đổi và tổn thương trong hệ mạch máu, ảnh hưởng đến nhau thai và gây nguy hiểm cho quá trình sinh con.

Tình trạng bệnh lý này chỉ diễn ra trong thời kỳ mang thai, hay gặp ở những người mang thai con so, đa thai, đa ối.

vicare.vn-nhiem-doc-thai-nghen-de-gap-trong-giai-doan-nao-body-1

Nhận biết dấu hiệu

Nhiễm độc thai nghén là bệnh lý thường xảy ra ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ và ở mỗi thời điểm sẽ có những dấu hiệu riêng.

3 tháng đầu thai kỳ

  • Nếu chỉ nhiễm độc thai nghén nhẹ: Thai phụ sẽ có các biểu hiện mệt mỏi, gầy, xanh, buồn nôn và nôn, sợ cơm, thích ăn vặt, đồ chua ngọt...
  • Nếu bị nhiễm độc thai nghén nặng: Dấu hiệu nhiễm độc thai nghén nhẹ sẽ xuất hiện sớm, nôn nhiều và không ăn uống được, mất nước, gầy sút nhanh.

3 tháng giữa thai kỳ

  • Chỉ số albumin có trong nước tiểu là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm độc thai nghén. Chỉ số này giúp bác sĩ phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh để ngăn ngừa trước các biến chứng nguy hiểm. Đó là lý do mẹ bầu cần xét nghiệm nước tiểu định kỳ.
  • Huyết áp cao: Nếu mẹ thấy huyết áp cao hơn 140/90 thì cần hết sức cẩn trọng vì đó là triệu chứng điển hình của nhiễm độc thai nghén.
  • Phù nề: Phù nề là tình trạng quen thuộc trong những tháng cuối thai kỳ nhưng cũng sẽ xuất hiện ở thai kỳ thứ 2 và trở nên nguy hiểm khi mẹ thấy mắt cá chân sưng, các ngón tay xoắn lại, mặt phù.
  • Ngoài ra, ở thai phụ còn có những biểu hiện như: Nhức đầu, buồn nôn, lo lắng, bồn chồn, mất ngủ.
  • Protein niệu: Xét nghiệm nước tiểu thấy protein trong nước tiểu lớn hơn 0,3g/L

3 tháng cuối thai kỳ

  • Mẹ tăng cân nhanh (500g/tuần) do hiện tượng giữ nước trong cơ thể.
  • Protein niệu: Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy protein niệu lớn hơn 0,3g/l là không bình thường, cần theo dõi nhiễm độc thai nghén.
  • Tăng huyết áp: Nếu bị nhiễm độc thai nghén, ở thời kỳ cuối của thai kỳ huyết áp tối đa tăng lên khoảng 30mmHg và huyết áp tối thiểu tăng khoảng 15mmHg so với trước khi có thai. Hoặc có huyết áp trên 140/90 thì cần được theo dõi và điều trị nhiễm độc thai nghén.
vicare.vn-nhiem-doc-thai-nghen-de-gap-trong-giai-doan-nao-body-2

Điều trị nhiễm độc thai nghén

Mục đích của việc điều trị là giúp thai phụ ngăn cản bệnh tiến triển, tránh các biến chứng và xem xét đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi trong tử cung, hạn chế thai nhi phát triển kém, giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong

Điều trị ở 3 tháng đầu

  • Trường hợp nhẹ: Mẹ bầu chỉ cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ và chia nhỏ bữa trong ngày. Có thể cần dùng thuốc an thần để chống nôn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Trường hợp nặng: Cần bù dịch, nâng cao thể trạng và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối

  • Cần một chế độ ăn hạn chế muối đề phòng tiền sản giật và sản giật.
  • Giảm lượng nước uống hàng ngày xuống (giảm khoảng 1lít).
  • Chế độ nghỉ ngơi: Bà bầu nên nằm nghiêng về bên trái để tránh tử cung đè vào cuống thận.
  • Uống thuốc lợi tiểu và hạ huyết áp theo chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế tăng huyết áp.
  • Theo dõi chỉ số Protein niệu thường xuyên.

Biến chứng của nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén trong thai kỳ nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến tiền sản giật và giản giật.

Tiền sản giật

Sản phụ có cảm giác choáng váng, có hiện tượng mắt mờ, có khi buồn nôn, protein niệu tăng đến 0,5g/l, phù không giảm mà nặng hơn và nước tiểu ít hơn, nhưng chưa có cơn giật.

Nếu huyết áp lên trên 160/100 mà điều trị không giảm phải tìm cách lấy thai ra ngay nếu không có thể dẫn đến cơn sản giật.

Sản giật

Thường xảy ra ở cuối của thai kỳ, trong khi chuyển dạ và sau đẻ. Sản phụ lên cơn giật và hôn mê, có kèm theo phù, tăng huyết áp và protein niệu. Bệnh này thường xảy ra ở sản phụ mang thai con so nhiều hơn con rạ và thường xảy ra từ tuần thứ 30 trở đi.

Khi bị sản giật, toàn thân sản phụ co cứng, mắt đảo, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trời, rồi ngừng thở, sau đó chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân. Có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển sang xám xịt, sau đó co giật giảm dần, sản phụ bị hôn mê rồi thở rống lên. Mạch nhanh, cơn co tăng lên khi giật. Khi đã có các biểu hiện này nếu không được xử lý thì dẫn đến suy tim, phù phổi, chảy máu não thậm chí tử vong.

Đối với sản giật trước sinh, những cơn giật có thể dẫn đến đẻ non, thai nhi dễ bị chết. Nếu được điều trị tốt, sản phụ có thể chuyển dạ đẻ thường và thai nhi chào đời an toàn.

Đối với sản giật trong khi chuyển dạ, cơn giật sẽ làm cơn co tử cung mạnh. Vì vậy nếu cổ tử cung của sản phụ mở chậm cần phải xử trí bằng mổ lấy thai ngay.

Sản giật sau đẻ thường nhẹ hơn, cơn giật thường xảy ra vài giờ sau đẻ. Vì vậy nếu sản phụ sinh tại trạm y tế có cơn giật cần phải theo dõi từng cơn giật, đo huyết áp, thử nước tiểu thường xuyên và cần phải cấp cứu nhanh chóng. Đồng thời phải chuyển ngay sản phụ đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị.

vicare.vn-nhiem-doc-thai-nghen-de-gap-trong-giai-doan-nao-body-3

Đề phòng sản giật

  • Cần theo dõi, quản lý thai nghén tốt trong khoảng thời gian có nhiều nguy cơ (3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ).
  • Khi có thai cần chú ý cung cấp chất dinh dưỡng một cách hợp lý (đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axid folic...).
  • Khám thai định kỳ, nếu thấy phù cần đi khám thai ngay dù chưa đến hẹn, để kiểm tra huyết áp cũng như xét nghiệm nước tiểu.
  • Nếu đã có dấu hiệu nhiễm độc trong 3 tháng cuối sản phụ cần được theo dõi và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Nếu trạm y tế phát hiện sản phụ sắp sinh có phù, tăng huyết áp, protein niệu phải kịp thời chuyển trường hợp này đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị và sinh đẻ an toàn.

Nhiễm độc thai nghén là một bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ, có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Khi phát hiện thấy mình có hiện tượng phù chân, nếu chưa đến lịch khám định kỳ, thai phụ cũng nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra chính xác tình trạng sức khỏe, từ đó có hướng xử lý các bất thường có thể xảy ra.

Xem thêm:

  • Nhiễm độc thai nghén khi mang thai, những điều cần lưu ý
  • Phù chân – dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm do nhiễm độc thai nghén
  • Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén thường gặp nhất