Nguyên nhân và cách xử lý chuyển dạ kéo dài

Chuyển dạ chính là cột mốc đánh dấu và báo hiệu cho bố mẹ biết rằng em bé sắp chào đời. Thông thường quá trình chuyển dạ bình thường sẽ diễn ra từ 12 đến 18 tiếng. Một số cuộc chuyển dạ có thể kéo dài đến 24 tiếng và được gọi là chuyển dạ kéo dài.

Nguyên nhân và cách xử lý chuyển dạ kéo dài Nguyên nhân và cách xử lý chuyển dạ kéo dài

Nguyên nhân chuyển dạ kéo dài là gì?

Chuyển dạ là được hiểu đơn giản là một quá trình sinh lý giúp đưa em bé ra bên ngoài buồng tử cung thông qua đường âm đạo. Đa số các mẹ bầu chuyển dạ trong vòng từ 12 đến 18 tiếng. Chỉ có từ 5% đến 8% mẹ bầu gặp hiện tượng chuyển dạ kéo dài tức là trên 24 tiếng.

Các nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ kéo dài bao gồm:

  • Các cơn co thắt tử cung yếu: Tử cung là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Khi chuẩn bị sinh em bé, tử cung sẽ tăng cường co thắt để tạo lực và đưa em bé ra bên ngoài. Nếu các cơn co thắt tử cung yếu thì chuyển dạ sẽ kéo dài hơn bình thường.
  • Bàng quang đầy cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình chuyển dạ kéo dài. Do đó, các mẹ bầu nên đi tiểu tiện thường xuyên trong quá trình chuyển dạ mà không cần phải lo lắng em bé sẽ bị “rớt” ra bên ngoài. Đồng thời, đi tiểu thường xuyên cũng giúp tránh được tình trạng són tiểu trong quá trình sinh con.
vicare.vn-nguyen-nhan-va-cach-xu-ly-chuyen-da-keo-dai-body-1
  • Kích thước đầu em bé quá to so với khung chậu của mẹ: Khung chậu của mẹ có thể bị méo, lệch, hẹp, biến dạng khiến đầu em bé khó đi qua khung chậu và gây ra chuyển dạ kéo dài. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định mổ để tránh chuyển dạ kéo dài và làm mẹ mất sức.
  • Cổ tử cung chưa mở đủ: Có một số trường hợp mẹ bầu chuẩn bị sinh em bé nhưng cổ tử cung chưa mở hoặc mở rất nhỏ khiến đầu em bé không thể đi qua được và gây nên chuyển dạ kéo dài.
  • Ngôi thai thay đổi: Trong những tháng đầu của thai kỳ, em bé sẽ nằm với tư thế hướng lên trên. Đến những tuần cuối thai kỳ, em bé sẽ chuyển hướng ngược lại 180 độ, đầu hướng về phía cổ tử cung để chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên, đến những tuần cuối cùng này, một số em bé không chịu thay đổi tư thế hoặc đã quay đầu nhưng đột ngột chuyển tư thế ở phút chót khiến mẹ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển dạ và gây nên chuyển dạ kéo dài.
  • Nằm sai tư thế: Trong quá trình chuyển dạ, các mẹ bầu nằm ngửa sẽ khiến các cơn co thắt tử cung không hoạt động mạnh và tạo đủ lực để đưa thai nhi ra bên ngoài. Chính vì thế, trước khi sinh, các bác sĩ thường xuyên khuyên mẹ bầu nên ngồi xổm, tăng cường đi lại để hỗ trợ các cơn co thắt tử cung hoạt động hiệu quả.
  • Nước ối bất thường: Đa ối, thiếu nước ối, vỡ ối đột ngột cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ kéo dài. Đa ối khiến các cơn co thắt tử cung bị rối loạn. Thiếu nước ối khiến ngôi thai bất thường, khó có thể thay đổi, khiến mẹ khó sinh. Còn vỡ ối sẽ làm cho ngôi thai thay đổi sang ngôi ngang, sa dây rốn.
  • Gây tê ngoài màng cứng: Khi chuẩn bị sinh em bé, các mẹ bầu sẽ được gây tê ngoài màng cứng để giúp các cơ bắp vùng chậu thư giãn, làm giảm đau đồng thời giúp cổ tử cung mở ra nhanh hơn. Nhưng nếu thực hiện gây tê ngoài màng cứng quá sớm sẽ khiến mẹ bầu sinh con khó khăn hơn và thời gian kéo dài hơn.

Xử lý ra sao khi bị chuyển dạ kéo dài?

Mẹ bầu

Mẹ bầu nên đi tiểu thường xuyên để thải bớt nước ở bàng quang giúp cho quá trình chuyển dạ và sinh con được diễn ra suôn sẻ. Bên cạnh đó, đường ruột đầy cũng khiến quá trình chuyển dạ kéo dài. Do vậy, nếu chưa đi đại tiện trong vòng 24h thì mẹ bầu cũng nên đi đại tiện để tránh chuyển dạ kéo dài. Đặc biệt, trong những ngày cuối cùng của thai kỳ, sắp sinh em bé, mẹ bầu cần phải tăng cường đi lại, ngồi xổm để sinh em được dễ dàng hơn.

vicare.vn-nguyen-nhan-va-cach-xu-ly-chuyen-da-keo-dai-body-2

Bác sĩ

Khi nhận thấy bệnh nhân bị chuyển dạ kéo dài, các bác sĩ sẽ nhanh chóng khám và đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp trong thời gian sớm nhất:

  • Nếu bà bầu đang ở kỳ chuyển dạ đầu và cổ tử cung không giãn hoặc mỏng đi: Các bác sĩ có thể yêu cầu bà bầu hoạt động, nghỉ ngơi hoặc ngủ. Nhờ đó, bà bầu sẽ loại trừ được những cơn chuyển dạ giả bởi vì những cơn chuyển dạ giả thường lắng xuống khi cơ thể được vận động hoặc ngủ.
  • Nếu cổ tử cung của bà bầu không giãn mỏng hoặc tốc độ giãn mỏng không như mong đợi: Bác sĩ sẽ dùng các chất kích thích chuyển dạ, điển hình như Pitocin (oxytocin), prostaglandin E hoặc dùng phương pháp kích thích núm vú.
  • Nếu bà bầu đang ở trong giai đoạn chuyển dạ rất tích cực nhưng cổ tử cung giãn chậm (tốc độ giãn <1-1,2cm/giờ- phụ nữ sinh con đầu lòng và <1,5cm/giờ- phụ nữ đã từng sinh nở); tốc độ đi xuống ống sinh của em bé chậm (>1cm/giờ- con đầu lòng và >2cm/giờ - com thứ): bác sĩ sẽ lựa chọn gây vỡ ối hoặc tiếp tục dùng oxytocin để kích thích chuyển dạ và sinh em bé.
  • Nếu bà bầu đã cố gắng rặn >2h đồng hồ - lần đầu sinh và không gây tê ngoài màng cứng, >3h đồng hồ- gây tê ngoài màng cứng mà không sinh được thì các bác sĩ sẽ xem xét lại vị trí của thai nhi, cảm nhận của bà bầu và cố gắng đưa em bé ra ngoài bằng các biện pháp: hút, kẹp lấy thai hoặc quyết định cho bà bầu sinh mổ.

Khi bị chuyển dạ kéo dài, mẹ bầu không nên quá lo lắng, bất an. Thay vào đó, mẹ bầu nên tin tưởng vào bác sĩ và giữ tinh thần thật thoải mái để chào đón em bé sắp được sinh ra.

Xem thêm:

  • Chuyển dạ giả là gì và cách phân biệt chuyển dạ thật - giả
  • Mách mẹ những thực phẩm kích thích chuyển dạ sớm
  • Mẹ chuyển dạ thì thai nhi cảm giác ra sao?