Nguyên nhân thiếu canxi ở trẻ sơ sinh và cách chữa trị
Tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp toàn bộ khung xương của trẻ, trẻ có thể dễ bị bẹp đầu, bộ răng kém chất lượng và thấm mỹ, trẻ hay quấy khóc, những trường hợp thiếu canxi nặng ở trẻ sơ sinh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân thiếu canxi ở trẻ sơ sinh và cách chữa trị
Canxi là thành phần khoáng chất tham gia vào phần lớn các hoạt động của cơ thể và tế bào, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất của bé. Tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp toàn bộ khung xương của trẻ, trẻ có thể dễ bị bẹp đầu, bộ răng kém chất lượng và thấm mỹ, trẻ hay quấy khóc, những trường hợp thiếu canxi nặng ở trẻ sơ sinh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Để con bạn có một cơ thể khỏe mạnh, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nguyên nhân và biểu hiện của việc thiếu canxi ở trẻ sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và khắc phục.
Nhu cầu canxi ở trẻ sơ sinh
Nhu cầu canxi mỗi ngày của người lớn cũng như trẻ em theo khuyến cáo của viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam ở vào khoảng 500mg canxi, nhu cầu này sẽ tăng gấp đôi (khoảng 1.00 – 1.200mg/ngày/người) trên đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú.
Còn theo khuyến cáo của Viện Y khoa Mỹ nhu cầu canxi của trẻ sẽ thay đổi tùy vào độ tuổi như sau:
- Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi : 210mg canxi
- Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi: 270mg canxi
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 500mg canxi
- Trẻ từ 4 - 8 tuổi: 800mg canxi
Phần lớn nguyên nhân gây thiếu canxi ở trẻ sơ sinh có thể kể đến như:
- Cơ thể trẻ không được cung cấp đầy đủ lượng canxi cần thiết mỗi ngày.
- Trẻ sơ sinh ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D và tụt canxi máu.
- Trẻ sơ sinh mắc bệnh thiểu năng tuyến giáp
- Mẹ mắc bệnh tiểu đường, nhiễm độc thai nghén...
- Trong quá trình sinh trẻ bị ngạt, bị thiếu oxy trong máu.
- Trẻ sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn, bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, còi xương... cũng là những đối tượng rất dễ bị thiếu canxi
Biểu hiện thiếu canxi ở trẻ sơ sinh
Tuy lượng canxi máu chỉ vào khoảng 1% tổng lượng canxi cơ thể (phần còn lại được dự trữ ở răng và xương 99%) nhưng lại có vai trò đặc biệt cho sự phát triển, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nếu trong máu không có canxi, mọi hoạt động cơ thể bị ngưng trệ, có thể xảy ra những cơn co giật nguy hiểm. Khi nồng độ canxi huyết giảm, cơ thể sẽ bù trừ bằng cách điều động canxi từ nơi dự trữ là xương.
Đối với trẻ sơ sinh, thiếu canxi có thể nhận biết bằng một số biểu hiện sau:
Trẻ sơ sinh khó ngủ hay ngủ không ngon giấc
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trạng thái hưng phấn và ức chế của vỏ não, sự thiếu hụt canxi dẫn đến những bất thường trong hoạt động trao đổi chất của hệ thần kinh trung ương, làm vỏ não liên tục ở trạng thái hưng phấn. Đó là nguyên nhân làm trẻ sơ sinh khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, hay giật mình khóc đêm, ngủ mơ màng.
Trẻ sơ sinh ra nhiều mồ hôi vào ban đêm
Trẻ sơ sinh là giai đoạn cần được bổ sung canxi và vitamin D cho sự phát triển mạnh mẽ của bộ xương, do đó việc thiếu hụt canxi và vitamin D trong giai đoạn này thường biểu hiện bằng tình trạng đổ mồ hôi trộm. Vì vậy, nếu thấy trẻ sơ sinh ra mồ hôi nhiều ở trán, gáy ngay trong mùa lạnh, đặc biệt là lúc ngủ thì cần suy nghĩ đến việc trẻ có bị thiếu canxi hay vitamin D hay không.
Chậm nhận thức và khó thích ứng xung quanh
Trẻ sơ sinh thiếu canxi được cho rất dễ bị rối loạn tâm lý, chậm phát triển hơn trẻ khác, dẫn đến tình trạng chậm nhận thức và phản xạ kém khi trưởng thành. Nhiều bé còn biểu hiện lơ đà mất tập trung, không quan tâm đến mọi vật và người xung quanh mình
Trẻ sơ sinh nấc cụt và ọc sữa
Thiếu canxi ở trẻ sơ sinh cũng biểu hiện bằng những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa...thậm chí là ngưng thở, thở nhanh, tăng nhịp suy tim trong những trường hợp thiếu canxi nặng.
Trẻ sơ sinh dễ bị đau nhức xương
Canxi là thành phần khoáng cấu tạo nên xương và răng, thiếu canxi ở trẻ sơ sinh làm xương trẻ bị yếu ngay từ nhỏ, xương giảm chức năng nâng đỡ, trẻ khi lớn sẽ có biểu hiện đau nhức xương khi di chuyển hay phải mang vác một vật gì đó, đặc biệt xương chịu lực ở chân và tay.
Hiện tượng bé rụng tóc hình vành khăn
Đây được xem là triệu chứng sớm của bệnh còi xương mà nguyên nhân là do thiếu vitamin D dẫn đến rối loạn chuyển hóa canxi, gây thiếu canxi.
Thóp trẻ liền muộn
Thóp là vùng mềm nằm giữa xương sọ bên trên trán của trẻ sơ sinh, thông thường khi trẻ được được 12–18 tháng tuổi thóp sẽ khép lại. Thóp đóng muộn hơn có thể là biểu hiện của việc thiếu canxi khiến trẻ còi xương, suy dinh dưỡng hoặc não to bất thường.
Trẻ sơ sinh biết đi muộn, xương và khớp bị biến dạng
Đa số tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh điều xuất hiện triệu chứng ở chân. Chân bé thường bị cong hình chữ O, chữ X, cơ bắp lỏng lẻo,..dẫn đến việc bé biết bò, đứng, đi muộn hơn so với các trẻ khác đồng trang lứa.
Trẻ sơ sinh bị sâu răng, chậm mọc răng
Thiếu canxi có thể khiến răng trẻ mọc trễ hơn, răng mọc bị lệch, so le hoặc khoảng cách giữa các răng không đều nhau trên cùng một hàm, ngoài ra răng còn bị lỏng, sớm rụng khi lớn.
Nguồn bổ sung canxi cho trẻ sơ sinh
Sữa mẹ
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ chính là nguồn thức ăn cung cấp canxi tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Trong trường hợp mẹ không có điều kiện cho con bú đủ sữa, có thể cho trẻ bú kèm các loại sữa có công thức giàu canxi.
Chất lượng nguồn sữa phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng của mẹ, nếu bản thân mẹ không được bổ sung canxi đầy đủ thì cả mẹ và con đều bị thiếu canxi. Do đó, mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu canxi đặc biệt là trong giai đoạn mang thai và cho con bú.
Ăn dặm
Với những bé bắt đầu ăn dặm, nhu cầu canxi cũng tăng theo, sữa mẹ không còn cung cấp đủ, lúc này mẹ nên bổ sung vào khẩu phần của trẻ các loại thực phẩm giàu canxi như các loại thức ăn từ động vật cá, hải sản, thủy sản,.. các nguồn cung cấp canxi từ thực vật: đậu hũ, bông cải xanh, chuối, các loại sữa chua bán trên thị trường.
Bổ sung canxi từ các loại thuốc
Với những trẻ thiếu canxi ở mức nặng phải sử dụng thêm các loại thuốc hàm lượng canxi cao. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng bổ sung canxi phải theo chỉ định của bác sĩ vì canxi muốn được hấp thu hiệu quả cần phải có sự hỗ trợ của các loại vitamin như vitamin D, Magie, Vitamin K2 và các loại vi khoáng khác để canxi được hấp thu theo cách tốt nhất, không sợ thừa hay thiếu. Mặc khác canxi hấp thu nhiều quá sẽ dẫn đến ứ đọng canxi trong các mô cơ thể, tạo sỏi ở một số cơ quan, ứ đọng trong mạch máu dẫn đến vôi hóa, xơ hóa mạch máu.
Tắm nắng cho trẻ
Nguồn cung cấp vitamin D dồi dào và tuyệt đối an toàn cho trẻ sơ sinh là ánh sáng mặt trời sáng sớm và chiều tối, nên cho trẻ tắm nắng mỗi ngày vào 6 -7 giờ 30 sáng hoặc 5 giờ 30-18 giờ 30 chiều . Vitamin D giúp canxi được chuyển hóa, kích thích hấp thu canxi vào cơ thể nhanh và hiệu quả. Mẹ cần chú ý cần phải bổ sung đồng thời Vitamin D và canxi cho trẻ, nếu chỉ có canxi nhưng không có vitamin D thì trẻ vẫn sẽ bị thiếu canxi do cơ thể không hấp thu được.
Xem thêm:
- Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục thiếu canxi ở trẻ sơ sinh
- Trẻ bị thiếu canxi khám ở đâu tốt?
- Thiếu canxi gây ra bệnh gì? Nhớ bổ sung canxi trước khi quá muộn