Nguyên nhân gây viêm họng amidan và cách điều trị

Viêm họng amidan là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Cùng Vicare tìm hiểu về bệnh này trong bài viết dưới đây

Nguyên nhân gây viêm họng amidan và cách điều trị Nguyên nhân gây viêm họng amidan và cách điều trị

Viêm họng amidan là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Amidan là gì?

Amidan là tổ chức bạch huyết bình thường đã có ngay từ khi cơ thể sinh ra. Nó có vai trò quan trọng, sinh ra các kháng thể để bảo vệ đường hô hấp trên, tránh các tác nhân gây hại xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể. Amidan có vai trò như một hàng rào miễn dịch cực kỳ quan trọng ở đường hô hấp trên.

Nguyên nhân gây viêm họng amidan

Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng amidan:

Do trời lạnh, vi khuẩn hay virus có sẵn ở mũi họng gây bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng.

Sau các bệnh nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên như cúm, sởi, ho gà... Vi khuẩn gây bệnh thường gặp là liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, đặc biệt nguy hiểm là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, do vi khuẩn này có thể gây viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim thứ phát sau khi viêm họng amidan.

Do tạng bạch huyết: một số trẻ có tổ chức bạch huyết phát triển rất mạnh, nhiều hạch ở cổ, ở họng quá phát rất dễ bị viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi gây ra viêm họng amidan.

Do cấu trúc của amidan: có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển. Mặt khác, amidan nằm ở giao điểm của đường tiêu hóa và đường hô hấp trên, là cửa ngõ nên dễ cho vi khuẩn, virus xâm nhập gây bệnh.

Triệu chứng của viêm họng amidan

Đau họng

Đau họng là triệu chứng phổ biến của viêm họng amidan. Đau họng có thể kèm theo đau ở khu vực lân cận như đau tai và đau cổ.

vicare.vn-viem-hong-amidan-nguyen-nhan-gay-benh-va-cach-dieu-tri-body-1

Khó nuốt

Người bệnh có thể cảm giác khó nuốt kèm theo sốt khi bị viêm họng amidan.

Sốt

Tăng nhiệt độ cũng là dấu hiệu của viêm họng amidan. Do đó, nếu bạn bị sốt cao không hạ ngay cả khi đã dùng paracetamol cùng với đau họng nhiều hơn 1 đến 2 ngày, đây có thể là dấu hiệu bạn cần đi khám bác sĩ.

Đau đầu

Viêm amidan cũng có thể gây đau đầu do tăng nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, thiếu năng lượng vì không ăn được cũng khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, nếu bạn bị đau đầu và đau họng cùng với sưng hạch cổ, hãy đi khám bác sĩ.

Ho

Mặc dù đau họng và sốt là các triệu chứng phổ biến của viêm họng amidan, trong một số trường hợp bạn cũng có thể bị ho. Điều này là do viêm có thể lan tới phổi.

Điều trị viêm họng amidan

Nguyên tắc điều trị

  • Đối với viêm họng amidan cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.
  • Viêm họng amidan mạn tính, vấn đề điều trị chủ yếu là cân nhắc chỉ định phẫu thuật cắt amidan.

Điều trị cụ thể

Viêm họng amidan cấp tính

vicare.vn-viem-hong-amidan-nguyen-nhan-gay-benh-va-cach-dieu-tri-body-2
  • Nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nước nhiều.
  • Giảm đau, hạ sốt bằng thuốc như paracetamol, lau mát.
  • Kháng sinh: trong trường hợp nhiễm khuẩn.
  • Nhỏ mũi bằng thuốc sát trùng nhẹ.
  • Súc miệng bằng dung dịch kiềm ấm: khoảng nửa thìa cà phê natri bicarbonat hay natri borat trong một ly nước ấm.
  • Nâng đỡ cơ thể: yếu tố vi lượng, sinh tố, canxi...

Viêm họng amidan mạn tính

Phẫu thuật cắt amidan hiện nay là rất phổ biến, tuy nhiên cần có chỉ định chặt chẽ. Chỉ cắt khi nào amidan thực sự trở thành một ổ viêm gây hại cho cơ thể.

Chỉ định phẫu thuật trong viêm họng amidan mạn tính

  • Amidan viêm mạn tính nhiều lần trong một năm (thường là 5 - 6 lần).
  • Amidan viêm mạn tính gây ra các biến chứng như viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan.
  • Amidan viêm mạn tính gây các biến chứng như: viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng...
  • Amidan viêm mạn tính gây các biến chứng ở vị trí xa: viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
  • Amidan viêm mạn tính quá phát gây khó thở, nuốt khó, giọng nói như miệng ngậm một vật gì (nói khó).

Chống chỉ định phẫu thuật cắt amidan

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Các bệnh lý rối loạn đông máu.
  • Các bệnh nội khoa như: suy tim, suy thận, suy gan giai đoạn mất bù...

Chống chỉ định tương đối:

  • Khi đang có viêm họng cấp tính hay đang có biến chứng áp xe amidan.
  • Khi đang có viêm, nhiễm khuẩn cấp tính như: viêm mũi xoang, nhọt...
  • Khi đang có viêm, nhiễm virus cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, sốt xuất huyết...
  • Khi đang có biến chứng do viêm họng amidan như: viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim thì phải điều trị ổn định, hết đợt cấp mới được cắt.
  • Khi đang có bệnh mạn tính chưa ổn định như: đái tháo đường, viêm gan, lao, bệnh giang mai, AIDS...
  • Phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con bú.
  • Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Người quá yếu, trẻ quá nhỏ, người trên 50 tuổi.
  • Thận trọng: trong các trường hợp dùng các thuốc nội tiết tố, hoặc thuốc giảm đau trước đó, các bệnh nhân đang đợt tiêm chủng, địa phương đang có dịch truyền nhiễm...

Phương pháp phẫu thuật cắt amidan

  • Trước đây thường phẫu thuật kèm gây tê tại chỗ.
  • Ngày nay chủ yếu là phẫu thuật kèm gây mê nội khí quản, cắt amidan trực tiếp bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt bằng Laser, dao siêu âm....

Biến chứng viêm họng amidan

Viêm họng amidan nếu không được điều trị đúng và kịp thời, nhẹ thì gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống, nặng có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí có những biến chứng rất nguy hiểm.

Biến chứng tại chỗ

  • Loét khe amidan
  • Sỏi amidan
  • Viêm tấy chung quanh amidan
  • Viêm tấy thành bên họng
  • Viêm họng mạn tính.

Biến chứng ở vị trí gần

  • Viêm hạch cổ mạn tính
  • Viêm mũi xoang
  • Viêm tai giữa
  • Viêm thanh, khí, phế quản.

Biến chứng ở vị trí xa

  • Viêm cầu thận cấp
  • Thấp khớp cấp
  • Thấp tim
  • Nhiễm trùng huyết.
vicare.vn-viem-hong-amidan-nguyen-nhan-gay-benh-va-cach-dieu-tri-body-3

Biện pháp phòng bệnh

Viêm họng amidan là một bệnh lý thường gặp và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả bao gồm:

  • Tránh để nhiễm lạnh bằng cách quàng khăn, mặc ấm.
  • Không sử dụng các đồ uống lạnh khi trời lạnh hoặc cơ thể đang yếu vì dễ mắc bệnh.
  • Giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng bằng việc đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý để tránh các viêm nhiễm.
  • Đeo khẩu trang khi ra đường hay khi đến nơi đông người để tránh hít phải khói, bụi, mầm bệnh gây viêm họng amidan.
  • Tích cực điều trị các bệnh lý ở tai mũi họng và răng hàm mặt.
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, dinh dưỡng hợp lý.

Xem thêm:

  • Tại sao cắt amidan xong vẫn bị viêm họng?
  • Viêm họng, viêm amidan và viêm họng liên cầu khuẩn là gì?