Một số kiến thức về xương cùng và xương cụt
Xương cùng là cấu trúc giải phẫu nằm ở phần cuối cột sống, bên dưới đốt sống thắt lưng thứ năm (L5). Xương cùng, tiếng anh là sacrum hay sacral spine (viết tắt là S1), là một xương hình tam giác lớn, phẳng nằm phía dưới đốt sống L5 và ở giữa xương hông. Bên dưới xương cùng là xương cụt (coccyx), hay còn gọi là xương đuôi.
Một số kiến thức về xương cùng và xương cụt
Xương cùng là cấu trúc giải phẫu nằm ở phần cuối cột sống, bên dưới đốt sống thắt lưng thứ năm (L5). Xương cùng, tiếng anh là sacrum hay sacral spine (viết tắt là S1), là một xương hình tam giác lớn, phẳng nằm phía dưới đốt sống L5 và ở giữa xương hông. Bên dưới xương cùng là xương cụt (coccyx), hay còn gọi là xương đuôi.
Xương cùng nằm ở đâu?
Xương cùng nằm ở giữa xương chậu phải và trái, tạo thành mặt sau của xương chậu. Đây là nơi xương cột sống kết nối với xương chậu. Điểm gặp nhau của L5 và S1 được gọi là vùng cột sống thắt lưng - xương cùng (lumbosacral).
Vùng lưng dưới (đốt sống thắt lưng) và xương cùng (đốt sống cùng) có vai trò giúp hình thành đường cong thắt lưng - xương cùng, rất cần để hỗ trợ phần thân trên, nâng đỡ trọng lượng, duy trì sự cân bằng và các chức năng linh hoạt của cơ thể. Kiểu cong ở vùng thắt lưng- xương cùng bao gồm cong trước (ưỡn) và cong sau (gập), là một trong bốn kiểu cong tự nhiên của cột sống.
Vị trí của xương cùng ở điểm giao nhau của cột sống và xương chậu, vì vậy nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả phần lưng dưới và hông. Các khớp xương cùng có tác dụng nâng đỡ trọng lượng và giúp cân bằng phần này của cột sống. Ngoài ra còn có vai trò hỗ trợ và cân bằng vận động của khớp giống như các phần khác của cột sống là dây chằng, gân và cơ.
Xương cùng là một xương có hình dạng đặc biệt, được cấu tạo từ một nhóm năm đốt sống hợp nhất, nằm trong khu vực thấp nhất của cột sống. Nó được coi là yếu tố chủ chốt của cơ thể người, có vai trò rất quan trọng vì nó tạo thành một liên kết giữa cột sống và xương chậu, góp phần quan trọng cho sự cần bằng của phần hông.
Hình dáng của xương cùng khác nhau tùy thuộc vào giới tính: ở nữ, nó có kích thước ngắn hơn và rộng hơn so với nam. Ở nữ giới, xương cùng được cấu tạo xiên chéo hơn về phía trước, điều này làm tăng kích thước khoang chậu, sẽ giúp nữ giới thuận tiện hơn trong quá trình mang thai và có nhiều không gian hơn cho thai nhi phát triển trong tử cung.
- Khớp thắt lưng- xương cùng (lumbosacral): Khớp này ở vị trí giao của L5 và S1, nó kết nối cột sống thắt lưng với xương cùng. Có rất nhiều áp lực tại giao điểm này. Tại đây, đường cong cột sống sẽ chuyển từ cong phía trước (tư thế ưỡn) sang cong phía sau (tư thế gập). Khu vực L5-S1 có tác dụng nâng đỡ toàn bộ trọng lượng, hấp thụ và phân phối trọng lượng phía trên cơ thể khi nghỉ ngơi hay chuyển động. Đây là một lý do tại sao thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống thường xảy ra phổ biến hơn ở khu vực này.
- Khớp cùng chậu (Sacroiliac joints - SI): Khớp cùng chậu nối với xương cùng ở khung chậu phía bên trái và bên phải. Không giống như các khớp khác trong cơ thể (ví dụ khớp gối), độ linh động của khớp cùng chậu cực kỳ ít. Khớp này đóng vai trò cần thiết cho việc di chuyển, đứng yên và sự cân bằng của hông. Viêm khớp SI và rối loạn chức năng khớp SI là hai rối loạn thường gặp liên quan đến khớp này.
Xương cụt
Xương cụt, hoặc xương đuôi, nằm ngay dưới xương cùng. Mặc dù có kích thước nhỏ hơn nhiều so với xương cùng, nhưng xương cụt cũng giữ một vai trò quan trọng: nó giúp nâng đỡ trọng lượng cơ thể trong khi ngồi, nếu bạn ngồi ngả người ra sau, (ví dụ ngồi tựa vào thành ghế), áp lực đè lên xương cụt sẽ tăng lên.
Chấn thương ở khu vực này có thể gây ra chứng đau xương cụt. Vấn đề này đặc trưng bởi tình trạng viêm các mô liên kết của xương cụt, khiến cho vùng xương cụt đau nặng hơn trong khi ngồi. Việc rạn nứt xương cụt có thể xảy ra do chấn thương, ví dụ như bị ngã.
Cả xương cùng và xương cụt đều đóng vai trò quan trọng, giúp nâng đỡ và ổn định cột sống, không thể thiếu trong hoạt động đi, đứng và ngồi. Nếu bạn bị đau ở phần lưng dưới, mông hay hông, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân có phải do hai phần xương này gây ra không và có biện pháp điều trị hiệu quả.
Xem thêm:
- Những điều cần biết về việc đau xương cụt khi mang bầu
- Đau xương chậu khi mang thai và cách khắc phục hiệu quả
- Ý nghĩa của việc chụp X-quang xương chậu trước khi sinh